Theo đó, lĩnh vực chứng khoán có 3 công ty đoạt giải ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tiêu biểu là TCBS, VNDS, VPS và 7 công ty được khách hàng hài lòng nhất là FPTS, MBS, HSC, SSI, VCBS, VNDS, VPS. Lĩnh vực bảo hiểm có 2 công ty đoạt giải ứng dụng CNTT là FWD, Chubb Life và 5 công ty được khách hàng hài lòng là AIA, Dai-Ichi life, FWD, Manulife và Sunlife.
Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Bình chọn giải thưởng, ông Vũ Viết Ngoạn - Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, thông qua giải thưởng này, dễ dàng nhận thấy 3 điểm nổi bật của thị trường cung cấp dịch vụ tài chính Việt Nam. Thứ nhất, thị trường chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19.
Thứ hai, thị trường Việt Nam vẫn là một thị trường mới nổi, khoảng cách giữa các đơn vị lâu năm, có tích lũy với các công ty mới gia nhập thị trường tuy lớn nhưng vẫn còn rất nhiều khoảng trống để phát triển.
Thứ ba, việc ứng dụng CNTT giữa các đơn vị chưa đồng đều. Các đơn vị mới gia nhập thị trường thường có dấu hiệu tích cực chuyển đổi số hơn, nhằm mục đích tạo lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là lợi thế cạnh tranh thông qua việc nâng cao trải nghiệm khách hàng, giảm thiểu chi phí vận hành của đơn vị cung cấp, qua đó giảm thiểu chi phí cho nhà đầu tư, người sử dụng dịch vụ.
Giải thưởng Dịch vụ Tài chính tiêu biểu năm 2020 được tổ chức nhằm tôn vinh những CTCK, công ty bảo hiểm nhân thọ đã ứng dụng CNTT hiệu quả vào hoạt động kinh doanh, cung cấp các dịch vụ tài chính sáng tạo, nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Chia sẻ tại lễ trao giải, ông Bùi Việt Dũng – Giám đốc Công nghệ VPS cho biết, do quá trình thực hiện chuyển đổi số không hề dễ dàng và không có gì đảm bảo quá trình đó sẽ thành công, nên các cơ quan quản lý nhà nước cần cung cấp hành lang pháp lý cởi mở, phù hợp với kỷ nguyên của công nghệ 4.0, để tạo những yếu tố cần cho một quá trình chuyển đổi số. Yếu tố đủ còn lại sẽ là nội tại của từng DN.
Riêng với lĩnh vực chứng khoán, các cơ quan chức năng có thể mở thêm kênh đối thoại chuyên biệt với nội dung chuyển đổi số để có thể nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN, kịp thời đưa ra những điều chỉnh phù hợp để từ đó thúc đẩy quá trình này. Thí dụ, hiện quy định vẫn yêu cầu muốn mở tài khoản giao dịch chứng khoán khách hàng phải đến trụ sở hay phòng giao dịch của CTCK để ký hợp đồng mở tài khoản. Điều này khiến các CTCK không thể phát triển khách hàng ở những vùng xa.
“Nếu CTCK như VPS đã phát triển một nền tảng số tiên tiến, sử dụng trí tuệ nhân tạo để đảm bảo có thể thẩm định khách hàng từ xa với độ xác thực không khác gì đến văn phòng, liệu các cơ quan chức năng có cho phép mở tài khoản điện tử? Cần nới lỏng quy định trên để thúc đẩy sự lớn mạnh của TTCK Việt Nam, biến TTCK thành một kênh dẫn vốn quan trọng và hiệu quả cho nền kinh tế, chia sẻ gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế với hệ thống ngân hàng thương mại như Chính phủ và các cơ quan quản lý thị trường mong muốn lâu nay” - ông Bùi Việt Dũng nói.