Những bước đi đầu tiên
Theo Bộ TN-MT, các tỉnh miền Trung đã và đang phải đối mặt, gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề từ các trận lũ lụt, mưa bão, thiệt hại về người và tài sản là rất lớn. Những rủi ro thiên tai này có nguyên nhân chính từ tác động của BĐKH. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH. BĐKH đang là một trong những nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững của đất nước.
Các lĩnh vực, ngành nghề, địa phương dễ bị tổn thương và chịu tác động lớn nhất là tài nguyên nước, nông nghiệp, an ninh lương thực, sức khỏe người dân, các vùng đồng bằng và dải đất ven biển.
Hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa. Ảnh: CAO THĂNG
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục BĐKH, Bộ TN-MT cho biết, ứng phó với BĐKH đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ. Việt Nam đã tham gia và là thành viên tích cực của Công ước khung Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC). Thỏa thuận Paris về BĐKH thuộc UNFCCC thông qua năm 2015 đã khẳng định vai trò, trách nhiệm pháp lý của gần 200 quốc gia trong ứng phó với BĐKH toàn cầu, đặc biệt làm giảm nhẹ phát thải KNK do quốc gia tự quyết định (NDC). NDC của Việt Nam cam kết với UNFCCC vào tháng 9-2020 là giảm 9% KNK từ nay tới năm 2030 bằng nguồn lực trong nước và 27% khi có sự hỗ trợ của quốc tế.
Nguồn lực để đạt được các mục tiêu trên sẽ lên tới hàng chục tỷ USD. Một trong những phương thức để huy động nguồn lực xã hội một cách minh bạch và linh hoạt vào hoạt động này là định giá cacbon, xây dựng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ cacbon. Từ năm 2012, Việt Nam đã tham gia chương trình “Sẵn sàng tham gia thị trường cacbon” với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới. Cho tới nay, dự án đã đạt được một số kết quả nhất định, đặt nền tảng để Việt Nam hình thành và phát triển thị trường cacbon trong nước, tiến tới tham gia thị trường cacbon thế giới. Những nghiên cứu đầu tiên được thực hiện tại nhiều nhà máy sản xuất thép và trong một số dự án quản lý chất thải rắn.
Tại TPHCM, để giảm rủi ro do tác động của BĐKH, UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn thành phố. Trong đó, chú trọng đến nhóm giảm nhẹ phát thải KNK. Giai đoạn 2021-2030, thành phố sẽ thực hiện 20 chương trình, dự án, trong đó có 19 chương trình, dự án lồng ghép, gồm nghiên cứu các giải pháp thay thế nhiên liệu sạch cho các phương tiện giao thông ở TPHCM; nghiên cứu giải pháp chuyển đổi công nghệ sạch và công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp; xây dựng mạng lưới trạm trung chuyển trong nội thành kết hợp sử dụng công nghệ nhiệt phân bùn từ hệ thống xử lý nước thải để thu hồi khí phát điện… và một dự án mới là “Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm, hàng hóa”.
Cần luật hóa
Theo ông Phạm Trọng Quý Châu, Phó Chủ nhiệm thường trực, Hiệp hội Các doanh nghiệp (DN) khu công nghiệp TPHCM, phát triển thị trường cacbon thông qua công cụ tài chính như thuế, mua bán cacbon được xem là biện pháp hiệu quả nhằm giảm phát thải KNK. Xu hướng này đã phát triển mạnh trên thế giới. Việt Nam mặc dù đi sau nhưng cũng được xem là hướng đi đúng.
Với các nước đang phát triển như Việt Nam, tham gia thị trường cacbon là cơ hội để tạo nguồn thu tài chính, tiếp cận công nghệ hiện đại ít cacbon, chung tay với thế giới giảm phát thải KNK. Về lâu dài, khi cơ chế định giá cacbon sôi động thì DN tham gia sẽ có nhiều lợi ích kinh tế. Tín chỉ về giảm phát thải KNK tạo ra có thể bán cho DN khác, DN xả thải quá mức quy định phải mua tín chỉ của DN dư thừa để đạt yêu cầu theo quy định pháp luật. Hiệp hội sẽ tư vấn cho các DN trên địa bàn thành phố áp dụng và triển khai thực hiện chương trình này, ông Quý Châu cho biết.
Ông Trần Đăng Khôi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ năng lượng Alenna cho rằng, cần có một sàn giao dịch tín chỉ cacbon cho DN. Giải pháp định giá phát thải cacbon mở ra nhiều hướng đi mới trong bảo vệ môi trường, buộc các cơ sở sản xuất phải đầu tư giảm thiểu KNK hoặc trả tiền để mua tín chỉ cacbon. Tuy nhiên các DN đang cần thông tin về lĩnh vực này. Đặc biệt, cần có một sàn giao dịch chính thống, uy tín để các công ty tìm đến để hợp tác. Bên cạnh đó, để xây dựng được thị trường cacbon, Chính phủ cần hỗ trợ thông tin về công nghệ, chính sách, kỹ thuật... nhiều hơn cho DN.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn vốn đầu tư cho thị trường cacbon của DN cần chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Chính phủ cần cung cấp một cơ chế phù hợp để các DN chuyển đổi hoạt động, giảm lượng khí phát thải hoặc trả tiền. Nếu được thiết kế tốt, công cụ này vừa tăng nguồn thu cho Chính phủ, vừa xây dựng môi trường xanh. Bộ TN-MT đã đề xuất về thị trường cacbon trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua dự thảo luật tại Kỳ họp thứ 10.
Mua bán phát thải cacbon là một phần của mua bán phát thải. Mỗi quốc gia có một mức độ khí thải tối đa mà các cơ sở được cho phép “xả”. Quốc gia nào có lượng khí thải xả ra nằm dưới mức cho phép có quyền bán “quota” khí thải của mình cho những quốc gia khác. Cacbonic là thành phần chủ yếu của KNK, nên thường người ta hay nói “buôn bán” cacbon. Hệ thống này giúp chính phủ các nước có cơ chế, chính sách buộc các cơ sở sản xuất giảm phát thải KNK. Trên thế giới, cộng đồng DN đã tham gia, áp dụng công cụ định giá cacbon trên cơ sở điều tiết của Chính phủ. 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã áp dụng định giá cacbon, với sự tham gia của hàng chục ngàn tập đoàn DN lớn. Nguồn thu từ thị trường này năm 2019 lên tới 45 tỷ USD, đặc biệt đã quản lý được trên 12 tỷ tấn CO2 tương đương 22,3% tổng lượng khí phát thải toàn cầu. |