Thực phẩm vào siêu thị: Ai kiểm soát, ai chịu trách nhiệm?

(ĐTTCO) - Sự việc rau từ chợ, nấm của Trung Quốc được dán mác VietGap đưa vào một số chuỗi bán lẻ như Winmart, Bách Hóa Xanh, Tiki Ngon, 3 Sạch… đã khiến người tiêu dùng (NTD) hoang mang. Cơ quan quản lý đã vào cuộc, các siêu thị có hàng “bẩn” đã xin lỗi và ngưng nhập hàng từ các nhà cung cấp thiếu trung thực. Thế nhưng, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào của siêu thị đến nay vẫn là câu hỏi lớn. 

Người tiêu dùng chọn rau tại siêu thị.
Người tiêu dùng chọn rau tại siêu thị.
Lung lay niềm tin từ trước
Khi được hỏi có tin tưởng mua hàng nhất là các sản phẩm thực phẩm tươi sống như rau ở siêu thị, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ, trả lời rằng bà không phải khách hàng của các siêu thị vì bà không tin vào các chứng nhận như VietGap.
“Tôi không đánh đồng các nơi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap là không an toàn, nhưng nó không đủ tạo niềm tin cho NTD” - bà Thúy chia sẻ. 
Thực tế hiện nay, khi vào các siêu thị hay các cửa hàng thực phẩm sạch, một trong những chứng nhận các nhà sản xuất, nhà bán lẻ cam kết với người mua là sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap. Thế nhưng niềm tin vào VietGap lại đang lung lay quá mạnh. Không chỉ NTD bình thường mất niềm tin, những người có kinh nghiệm, thậm chí chính doanh nghiệp (DN) cũng mất niềm tin. 
Nói về việc này, ông Lý Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, chuyên về lĩnh vực kiểm nghiệm, giám định sản phẩm và quan trắc môi trường, cho biết bản thân ông cũng không tin tưởng vào những đơn vị quảng bá bán thực phẩm sạch.
Trước thông tin một số chuỗi bán lẻ có sử dụng test nhanh, hoặc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các trung tâm kiểm nghiệm các thực phẩm tươi sống trước khi đưa vào siêu thị cung ứng cho NTD, ông Hải cho biết không quá hiệu quả.
Lấy thí dụ sản phẩm rau, chi phí cho việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các trung tâm cao, thời gian có kết quả nhanh nhất phải 24 tiếng, chậm mất 2-3 ngày, trong khi rau sau khi thu hái phải mang đi tiêu thụ ngay. Còn dùng test nhanh thông thường chỉ phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có hàm lượng cao.
Như vậy với những mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau không nên kiểm soát sản phẩm cuối cùng, mà nên kiểm soát quy trình sản xuất, canh tác đúng cách để có sản phẩm tốt. 
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), kể chuyện một DN chuyên xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm chế biến (kết hợp nông sản, thủy sản, rau quả…) đã từng bị mất 5 tỷ đồng sau khi mua rau củ từ các siêu thị để làm hàng xuất đi châu Âu.
Sau đó khi làm canh chua xuất đi Pháp, DN này cũng không biết mua ngò gai ở đâu để đảm bảo an toàn. Sau khi đã đến những nơi quảng cáo cung cấp rau an toàn theo chuẩn VietGap nhưng mang đi test vẫn không đảm bảo.
Kể thêm câu chuyện về nấm, Chủ tịch AFT cho biết : "Tôi đến chợ Hóc Môn, họ nói 90% nấm nhập từ Trung Quốc có bao bì, tem, mác rõ ràng, nhưng khi ra chợ Việt Nam không thấy xuất hiện bao bì Trung Quốc, kể cả trong siêu thị. Đây là vấn đề chưa rõ ràng, thiếu minh bạch, treo đầu dê bán thịt chó". 
Cũng theo bà Minh có nghịch lý là NTD phải được sử dụng thực phẩm an toàn, nhưng hiện nay khi quảng cáo người ta vẫn phải nhấn mạnh hàng của chúng tôi an toàn thay vì nhấn mạnh vào dinh dưỡng. “Cũng vì thiếu minh bạch nên mới có hiệp hội thực phẩm minh bạch như chúng tôi” - bà Minh bày tỏ. 

Thu mua, kiểm định chất lượng? 
Khi niềm tin bị lung lay, câu hỏi được quan tâm nhất là quá trình thu mua và kiểm soát chất lượng ở các siêu thị như thế nào. Nói riêng chuyện khâu thu mua. Nếu đi hỏi các siêu thị làm sao để hàng hóa vào được chuỗi bán lẻ của họ, câu trả lời có lẽ không khác biệt là “Chúng tôi có quy trình công khai ai cũng có thể tra cứu. Quy trình đó bao gồm trình tự các bước DN chào hàng, thẩm định hồ sơ, đánh giá năng lực nhà cung cấp, đánh giá sản phẩm, cũng như công khai khoảng thời gian phía siêu thị trả lời nhà cung cấp có được vào chuỗi không”.
Liệu có rào cản, có quyền lực ngầm của một số cá nhân ở khâu thu mua khiến DN phải chịu phí bôi trơn để vào được nhiều siêu thị? Việc này không phải không có và nó đã từng được một số DN phản ánh. 
Bà Hồng Minh kể thêm câu chuyện của một DN chuyên xuất khẩu cá tra nổi tiếng của Việt Nam. Theo đó DN này tuy muốn đưa hàng vào siêu thị nhưng không vào được vì chi phí quá lớn (đôi khi chiếm tới 50% giá bán), bao gồm cả các chi phí chạy theo các chương trình giảm giá khuyến mãi của các chuỗi bán lẻ. Cuối cùng hàng xuất được, bán được ở nước ngoài nhưng không bán được ở siêu thị Việt Nam.
Từ câu chuyện này hẳn không ít người sẽ đặt câu hỏi, nếu chi phí để vào siêu thị lớn làm sao DN đảm bảo chất lượng hàng hóa nói chung, chất lượng hàng thực phẩm tươi sống nói riêng. DN có lẽ sẽ đứng trước 2 lựa chọn, hoặc chấp nhận thua thiệt về mình, hoặc giảm chất lượng hàng hóa. Nếu không sản phẩm của DN sẽ khó xuất hiện trong các hệ thống phân phối hiện đại. 
Phản ánh về việc này, ông Nguyễn Diệp Pháp, Phó Tổng giám đốc khối kinh doanh quốc tế CTCP Thực phẩm GC, cho biết ngoài sản phẩm chủ lực là thạch dừa và nha đam phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, công ty đang đầu tư vào mảng nông nghiệp sạch, nhưng những sản phẩm này chưa thể vào siêu thị do giá thành sản xuất cao và sản lượng thấp.
Trong khi đó, nói về chất lượng sản phẩm đầu vào, các chuỗi bán lẻ hiện đại luôn khẳng định quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt của mình. Vậy, nếu quy trình thu mua, kiểm soát chất lượng hàng hóa diễn ra nghiêm ngặt làm sao các chuỗi như Winmart, Bách Hóa Xanh… lại bị phanh phui như thời gian qua. Tất nhiên, không phải các chuỗi bán lẻ đều có vấn đề. Nhưng đã đến lúc nhìn lại quy trình thu mua và kiểm soát chất lượng, nhất là ở các chuỗi bị nêu tên. 
Cũng cần nhấn mạnh, ngoài trách nhiệm của một số chuỗi bán lẻ, việc rau chợ đội lốt VietGap vào siêu thị, một số ý kiến cho rằng do chúng ta còn lỗ hổng trong quản lý nhà nước.
Theo đó, luật pháp chưa bắt buộc rau củ quả tươi phải có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, phải được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Điều này khiến thực phẩm hữu cơ, thực phẩm minh bạch, thực phẩm đạt chuẩn an toàn trở nên rất nhỏ bé bên một núi rau không an toàn. 
 NTD mất niềm tin vào các sản phẩm có chứng nhận VietGap, đòi hỏi việc thu mua, kiểm định chất lượng sản phẩm đầu vào của các siêu thị cần phải rõ ràng, minh bạch hơn. 

Các tin khác