Thuế TNDN tối thiểu toàn cầu, liệu có thông?

(ĐTTCO) - Tại các cuộc gặp giữa Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với Ngân hàng Thế giới (WB), và giữa các bộ trưởng tài chính với thống đốc NHTW nhóm G20, chủ đề quan trọng là việc áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tối thiểu toàn cầu đối với các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ, cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới GAFA (Google, Amazon, Facebook, Apple). Kết quả đạt được rất tích cực, nhưng nhìn thấu đáo hơn, sẽ quay về với câu hỏi kinh điển: sau đó sẽ ra sao?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Bước tiến quan trọng
Từ nhiều năm nay, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đau đầu với việc các tập đoàn công nghệ đa quốc gia, tiêu biểu là GAFA, né thuế TNDN bằng cách chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập chịu thuế sang các “thiên đường thuế”, nơi có thuế suất cực kỳ thấp so với nơi đặt đại bản doanh hay kinh doanh chính. Không những thế, ngày càng có nhiều nguồn thu nhập từ tài sản vô hình như bằng sáng chế, bản quyền, phần mềm, thuê bao các sản phẩm là tài sản trí tuệ được đẩy sang cho các công ty bình phong.
OECD và EU sốt sắng nhất trong việc thảo luận, tìm giải pháp để điểm huyệt các đại gia công nghệ, gần đây đã tiến gần đến 2 giải pháp khả dĩ: ban hành luật về thuế xuyên quốc gia đối với các dịch vụ số, và chống xói mòn cơ sở tính thuế thông qua thuế suất tối thiểu toàn cầu. Theo đó, nếu các chính phủ đồng ý với phương án thuế suất tối thiểu, nếu thuế suất ở quốc gia hay vùng lãnh thổ nào đó thấp hơn mức tối thiểu, quốc gia nơi doanh nghiệp đăng ký chính sẽ được quyền thu thêm phần chênh lệch. Lấy thí dụ, một tập đoàn công nghệ Mỹ chuyển lợi nhuận sang Ireland nhằm chịu thuế suất 12,5%, nếu thuế suất tối thiểu 21%, chính phủ Mỹ được quyền thu thêm phần chênh lệch 8,5%.
Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đã thực hiện chính sách giảm thuế TNDN để kéo các DN Mỹ đang kinh doanh ở nước ngoài về, và thuế suất dừng ở mức 21%. Khi Tổng thống Biden lên thay, một trong những ưu tiên là tăng thuế TNDN và đàm phán một mức thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhằm ngăn chặn việc né thuế của các tập đoàn công nghệ lớn, hay các cá nhân siêu giàu. Kế hoạch này của ông Biden mới đây đã được cả IMF và EU ủng hộ mạnh mẽ. Lý do, có lẽ đây là điều OECD đã theo đuổi từ lâu, nhưng quan trọng hơn do tác động của Covid-19. Ngân sách của nhiều nước đã bị thâm thủng rất nhiều vì đại dịch, trong khi đó nhiều công ty công nghệ được hưởng lợi kếch xù, vì nhu cầu sử dụng các dịch vụ số, công nghệ, mua hàng online tăng đột biến. Giá cổ phiếu của các hãng công nghệ đi ngược chiều với tình hình kinh tế “cái cắm đầu xuống còn cái kia cứ lừng lững đi lên”. Nhiều cá nhân trở nên giàu hơn rất nhiều từ việc giá cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian qua.
Khi bà Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, kêu gọi sớm có mức thuế TNDN tối thiểu toàn cầu, EU đã nhanh chóng phản hồi tích cực và vấn đề chỉ là xác định mức thuế suất bao nhiêu. EU cũng đánh giá cao sự ủng hộ của các bộ trưởng tài chính trong nhóm G20, hy vọng kế hoạch của OECD sẽ được thông qua vào tháng 7-2021. Về phía Mỹ, mức thuế suất tối thiểu mong muốn là 21%, trong khi EU vẫn cân nhắc và tính toán một mức thuế suất phù hợp. Bởi ngay cả trong khối EU, mức thuế suất hiện nay rất chênh lệnh, từ 9% ở Hungary, 12,5% ở Ireland, cho đến 32% ở Pháp và 31,5% ở Bồ Đào Nha. Mức trung bình của các nước trong khối OECD hiện nay 21,5% và ở Mỹ 21%.

Rồi sao nữa?
Trong bối cảnh ngân sách cần được củng cố, chính phủ các nước phần lớn hiện nay có thể nói là “thiên tả”, khả năng rất sớm các nước sẽ tìm được điểm chung về mức thuế suất tối thiểu, cũng như các quy định về việc đánh thuế các dịch vụ số xuyên biên giới. Nhưng nhìn vấn đề sâu xa hơn, ngay cả khi đã có các quy định và mức thuế suất tối thiểu cũng phải đề phòng trước chiêu phản đòn của các đại gia công nghệ. Bởi, khi một số nước EU thử nghiệm đánh thuế GAFA, lập tức các DN này đẩy chi phí sang người tiêu dùng cuối cùng. Nghĩa là họ tính toán lại giá và phí theo điều kiện thuế điều chỉnh. Như Apple hay Google tính lại phí trên các chợ ứng dụng của mình, thay đổi giá dịch vụ hay các gói thuê bao, để rồi cuối cùng lợi nhuận mục tiêu vẫn có thể đạt được.
Một cách phản đòn nữa các tập đoàn lớn trên bắt đầu áp dụng gần đây là giảm lợi nhuận, chuyển lợi nhuận thành tài sản thông qua việc mua lại nhiều công ty khác. Với lượng tiền mặt khổng lồ, GAFA đang là những DN đi thâu tóm các DN khác nhiều nhất trên thế giới. Chiến thuật này với các tập đoàn công nghệ lớn như một mũi tên trúng nhiều mục tiêu: vừa tăng sức mạnh cạnh tranh, vừa tăng tài sản và vừa né được thuế.
Việc có được mức thuế suất tối thiểu và thuế không biên giới là cần thiết nhưng cũng cần có những giải pháp để hóa giải các chiêu thức của các tập đoàn lớn này. Bởi nếu không làm được, người tiêu dùng cuối cùng cũng chính là người sẽ phải trả cho các khoản thuế tăng thêm. Không những thế, việc thâu tóm các DN khác cũng khiến sự độc quyền của các tập đoàn này càng vững chắc. Vì vậy, quan trọng hơn các chính sách thuế TNDN chính là các chính sách chống độc quyền, sắc thuế liên quan đến thu nhập cá nhân, đặc biệt là thuế tài sản. Bởi lẽ đằng sau các DN lớn này là các tỷ phú, triệu phú USD. Phần lớn tài sản của họ ở dưới dạng cổ phiếu, cổ phần trong các DN. Một số nước ở châu Âu đã và đang ủng hộ chính sách thuế tài sản cá nhân, nếu tài sản ròng trên một mức nào đó, phải đóng thuế cho chính phủ, sau khi đã đóng thuế TNDN tối thiểu toàn cầu.

 Quan trọng hơn chính sách thuế TNDN là các chính sách chống độc quyền, sắc thuế liên quan đến thu nhập cá nhân, đặc biệt là thuế tài sản.

Các tin khác