Với nhiều người, như anh bạn tôi, những chiếc ghe thuyền chở nông sản lững lờ ngay trên sông Sài Gòn, dưới những tòa cao ốc chọc trời, những biển quảng cáo ven sông đúng là lạ lùng, thú vị.
Nhưng, thật ra, những chiếc ghe buôn bán thương hồ trên sông Sài Gòn không hề hiếm. Thậm chí quãng sông đi ngang qua trung tâm thành phố này còn nằm trên “cung đường nông sản” nổi tiếng nối liền Sài Gòn và những tỉnh thành miệt ĐBSCL. Mỗi ngày, hàng trăm ghe thuyền vẫn ngược xuôi, tất bật với những công việc lặng lẽ của mình.
Nông sản được những ghe thuyền ấy mang từ vùng ĐBSCL lên trung tâm thành phố và chiều ngược lại, những hàng hóa như gốm sứ, đồ nhựa, hàng tiêu dùng, điện lạnh gia dụng... được mang từ thành phố về cung cấp cho những xóm ấp hẻo lánh của vùng sông nước. Chỉ là, nếu không chú tâm nó sẽ không hiện hữu trong con mắt người dân Sài Gòn bởi hầu hết những không gian ven bờ sông đều bị che lấp bởi các dự án bất động sản mà thôi.
Cuộc sống của phần đông người dân thành phố ngày nay đã bị đô thị hóa, hay là bị những tòa nhà cao tầng che mắt, dù nhiều người vẫn lầm tưởng đô thị là nơi tràn đầy ánh sáng. Những không gian sống bị thu hẹp, bóp nghẹt làm người ta dường như quên mất những điều bình thường đang ngày ngày diễn ra xung quanh mình. Giống như sự hiện diện của chiếc ghe thương hồ và những con người nhỏ bé trên đó vậy.
Họ vẫn ngày ngày cùng chiếc ghe chở đầy hàng hóa của mình, lướt nhẹ qua lòng thành phố như một cơn gió êm đềm, trong suốt hàng trăm năm lịch sử của vùng đất này nhưng ít người biết. Nhiều bạn trẻ hiện nay thích thú với những chuyến du lịch xa xôi, khám phá những vùng đất xa lạ, thậm chí ở những châu lục xa xôi, nhưng tôi chắc chắn nhiều bạn trẻ chưa hiểu hết về thành phố này. Nhất là những sông ngòi, kênh rạch và cuộc sống của những con người sông nước thương hồ trên sông.
Rong ruổi trên khắp dải đất Tây Nam bộ rộng lớn, tôi nhận thấy gần đây những ghe thương hồ, hay chính xác hơn là những người dân buôn bán sử dụng ghe để di chuyển đã ít đi. Phần vì đường bộ đã thuận tiện và chi phí thấp hơn. Ngay cả những khu chợ nổi danh của Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang... cũng còn ít ghe thương hồ buôn bán, chủ yếu là những ghe chở nông sản chạy phục vụ khách du lịch.
Nhưng ngược với xu thế này, những ghe thương hồ ở Sài Gòn thật lạ lại đang đông đúc lên. Có lẽ, Sài Gòn là mảnh đất bao dung. Không chỉ những con người tìm tới mảnh đất này, mà cả là sông nước, cũng cảm thấy thoải mái, dễ sống hơn. Cũng có thể, nhiều nông dân miền Tây thích mang nông sản như dừa, thơm, xoài, chuối... lên các khu chợ ven sông ở Sài Gòn để bán được giá cao hơn. Ngoài ra, quãng đường thủy từ các tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp lên thành phố chỉ mất chừng một đêm chạy ghe.
Ảnh minh họa.
2. Hôm trước, đi lòng vòng bên Bình Chánh, lúc ngang qua một cây cầu nhỏ bắc qua sông Chợ Đệm, tôi ngỡ ngàng thấy liên tiếp 4-5 chiếc ghe chở trái cây, nông sản lặng lẽ nối đuôi nhau. Ngày thường, khúc sông này chỉ là nơi xuôi ngược của những ghe chở cát đá sỏi, nay dịp cuối năm những ghe nông sản làm cho dòng sông trở lên êm đềm, thơ mộng hơn.
Nhiều chủ ghe cho biết so với đường bộ, nông sản chở bằng đường thủy vẫn tiện lợi và rẻ hơn, nhất là những ai am hiểu dải đất này. Ghe có thể mua nông sản của nông dân ở tận những bưng đồng sâu xa nhất và cũng có thể bán tại những khu chợ nhộn nhịp nhất của thành phố. Ngoài ra, nông sản vận chuyển bằng ghe thường ít phải khuân vác, luân chuyển từ xe này sang xe khác, từ vựa này qua vựa khác nên chất lượng được giữ tốt hơn.
Bước xuống chiếc ghe rộng chừng 5m, dài khoảng hơn 20m chứa đầy dừa tươi, bưởi và cả dưa hoàng kim ken chặt. Mùi trái cây chín thơm thoang thoảng khi chiếc ghe cập vào một bến sông ở gần tuyến đường cao tốc đang xây dở. Chủ ghe, người đàn ông chừng hơn năm chục tuổi cùng vợ đang loay hoay buộc neo, cười bảo: “Mình neo ở đây, đợi sáng sớm mai ghé vào chợ Bình Điền bỏ mối cho các chủ hàng bên đó. Vợ chồng tôi đi từ dưới Cái Bè lúc sáng sớm. Trước khi tới đây có vòng xuống bên Chợ Gạo với Gò Công lấy thêm ít dưa lên bán. Đi thì nhanh nhưng lấy hàng thường khá lâu, có khi mất mấy tiếng mới bốc xong tấn dưa. Chuyến này lấy hàng từ phía Chợ Gạo, Gò Công nhưng có thể chuyến sau lại vòng sang mạn Tràm Chim, Tam Nông hay Thanh Bình, Lai Vung... Tùy từng thời gian, đơn hàng và mối hàng nữa” - ông hào hứng kể.
Sau khi neo ghe ở đây, đến chừng 1-2 giờ sáng, ông bà sẽ men kênh Chợ Đệm xuống gần chợ Bình Điền bỏ hàng cho mối. Cuối năm, hai vợ chồng ông bảo những chuyến hàng cũng gấp gáp, vội vã hơn. Không phải vì họ vội mà vì khách hàng cần, chứ với người thương hồ đầu hay cuối năm không khác gì nhiều. Họ chỉ tính thời gian theo những mùa trái cây, tính đêm ngày qua những con nước lớn, ròng. Đó là thói quen mấy chục năm cuộc đời họ.
Tôi may mắn gặp, trò chuyện và biết nhiều về những người thương hồ. Đủ thứ nghề buôn bán trên sông nhưng đều có một điểm đến là những khu chợ ven sông ở Sài Gòn. Gần như bất kỳ khúc sông nào cũng có thể trở thành bến đậu của những ghe thương hồ. Họ có thể mất cả một vài tuần để lấy hàng, nhưng chỉ cần mất vài giờ để cập bến và bỏ hàng. Có lẽ, đó chính là điều mà không nơi đâu, ngoài mảnh đất Sài Gòn này có thể giúp họ tiêu thụ hàng hóa một cách nhanh chóng như thế.
Càng những ngày cuối năm, những chiếc ghe thương hồ càng nhiều hơn. Những dịp sát Tết Nguyên đán, cả con kênh Tàu Hủ dài mấy cây số ken dày những ghe thuyền. Ngoài trái cây, nông sản còn vô số hoa, kiểng và những sản vật độc đáo khác của dải đất đồng bằng châu thổ được những ghe thương hồ sông nước mang lên. Dần dần, những ghe thương hồ không chỉ đi ngang qua thành phố mà đang biến thành phố nhộn nhịp, đông đúc này trở thành một điểm đến thương hồ. Bởi vượt lên tất cả, dải đất này đủ sức bao dung cả những tòa cao ốc chọc trời cho tới những ghe thương hồ sông nước mỏng manh. Mỗi thứ, như một nét đẹp riêng đầy màu sắc, tạo lên một bức tranh sôi động của thành phố này từ mấy trăm năm qua.