Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM thăm và tặng quà khu nhà trọ công nhân thuộc vùng xanh ấp Cây Sộp (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đồng chí NGUYỄN QUYẾT THẮNG, Bí thư Huyện ủy Củ Chi: Mở từng phần chợ truyền thống, tiệm tạp hóa
Trước mắt, ngày 15-9, huyện cho người dân ở một số xã “vùng xanh” đi chợ 1 lần/tuần; mở lại một số quầy hàng ở chợ truyền thống, một số tiệm tạp hóa để phục vụ người dân. Việc “mở” thực hiện trong phạm vi từng xã “vùng xanh”, theo nguyên tắc nới lỏng nội xã, và vẫn thắt chặt, kiểm soát chặt chẽ vòng ngoài. Sau 1 tuần thực hiện thì nới lỏng theo từng cụm 3 xã, tạo thành vành đai xanh 3 xã với nhau. Sau ngày 15-9, huyện phối hợp mở tuyến du lịch TPHCM - Củ Chi, tuyến du lịch xanh, an toàn… đưa người dân từ nội thành đến tham quan địa đạo Củ Chi, chợ dã chiến, tham quan một số mô hình sản xuất kinh doanh xanh tại Củ Chi…
Đồng chí LÊ MINH DŨNG, Bí thư Huyện ủy huyện Cần Giờ: Mở lại tuyến du lịch nội địa
Đầu tiên, huyện sẽ mở những ngành liên quan đến đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Đối với lĩnh vực thương mại dịch vụ thì các cửa hàng kinh doanh, các cơ sở sơ chế, chế biến thủy hải sản bán mang đi sẽ được mở cửa trước. Huyện cũng đã trao đổi với các sở liên quan và thống nhất từ ngày 16-9 đến 19-9 xây dựng kế hoạch mở lại tuyến du lịch nội địa trình UBND TPHCM. Dự kiến huyện sẽ mở một số điểm du lịch như Khu du lịch Dần Xây, Khu du lịch Rừng Sác, Khu du lịch Hòn Ngọc Phương Nam. Ngoài ra, huyện sẽ xây dựng các bộ tiêu chí đối với những ngành nghề, lĩnh vực được phép hoạt động trở lại sau ngày 15-9.
Đồng chí HOÀNG MINH TUẤN ANH, Chủ tịch UBND quận 7: Dự đoán tình hình để chủ động phòng chống dịch
Để đạt được kết quả trong kiểm soát dịch bệnh, quận đã tập trung dự đoán trước tình hình, bám sát thực tiễn ở địa phương và chủ động triển khai các phần việc cụ thể. Đơn cử như chủ động chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho cách ly tập trung, thu dung điều trị với phương châm “thà dư còn hơn thiếu”. Quận sớm thành lập Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 quận 7 số 1 với 600 giường bệnh và 150 giường cấp cứu. Quận cũng đi trước trong công tác xét nghiệm sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Vì vậy, khi thành phố yêu cầu các địa phương xét nghiệm sàng lọc thì quận 7 “chà xát” lại, nên việc sàng lọc, bóc tách F0 được nhanh chóng hơn.
Anh BÙI MINH ĐỨC (chủ quán trà sữa ở quận 1): Đảm bảo an toàn thì mới kinh doanh trở lại
Hiện có rất nhiều hộ kinh doanh như gia đình tôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, đa phần các hộ vẫn phải chi trả tiền mặt bằng mỗi tháng. Sau khi thành phố cho các hàng quán ăn uống mở cửa, bán mang đi từ ngày 8-9, tôi rất vui mừng, tuy nhiên vì nhiều lý do khách quan như nguồn cung nhu yếu phẩm, chi phí giao hàng cao nên số lượng người đặt mua rất ít. Sau hai ngày mở cửa, thu không đủ chi nên gia đình quyết định đóng quán thêm một thời gian, chờ tình hình dịch bệnh ổn định hơn. Tôi hy vọng cơ quan chức năng sớm đồng bộ việc cấp “thẻ xanh”, “thẻ vàng” cho người dân, hướng dẫn lộ trình để thuận tiện hơn trong việc kinh doanh buôn bán nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí an toàn là trên hết. Các hàng quán buôn bán có thể áp dụng biện pháp như người có “thẻ xanh”, “thẻ vàng” được phép mua mang về hoặc ngồi ăn uống tại chỗ, và chủ quán được phép từ chối phục vụ đối với người không có thẻ.
Chị LƯU THỊ THANH (tiểu thương chợ An Nhơn, quận Gò Vấp): Mong chợ có phương án phòng chống dịch tốt để buôn bán lại
Tôi đã nghỉ buôn bán tại chợ gần 3 tháng qua, kinh tế gia đình cũng suy kiệt. Nay nghe thành phố sắp mở cửa, cho chợ truyền thống hoạt động lại nên rất vui mừng. Gia đình tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, tìm hiểu thêm nhiều biện pháp phòng chống dịch. Hiện tại, vợ chồng tôi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nên cũng bớt lo lắng và an tâm hơn khi được buôn bán trở lại. Nếu chợ truyền thống mở cửa lại, chắc chắn lượng người dân đổ về mua sắm sẽ rất lớn nên chính quyền địa phương cần chuẩn bị sẵn các phương án để tránh tụ tập đông người, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm như phun khử khuẩn chợ thường xuyên, ban quản lý chợ cắt cử người trực tổ chức phân luồng, kiểm soát lượng người ra vào chợ, hay chỉ cho phép người có “thẻ xanh”, giấy chứng nhận tiêm vaccine được vào trao đổi mua bán.
Anh PHAN THÀNH THUẬN (công nhân tại KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh): Tạo điều kiện cho công nhân trở lại làm việc
Để đảm bảo phòng chống dịch, công ty tôi đã thực hiện làm việc “3 tại chỗ” hơn 2 tháng qua với số lượng hơn 300 người. Hàng trăm công nhân còn lại buộc nghỉ việc và không được công ty trả lương, trong số đó không ít người chưa nhận được các gói hỗ trợ từ chính quyền địa phương, cuộc sống rất khốn khó. Do vậy, các công ty nên có chính sách hỗ trợ như tặng quà, vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê nhà, phối hợp với địa phương lập danh sách để kịp thời tiếp cận các gói an sinh nhằm giữ chân công nhân, người lao động bám trụ ở lại thành phố tiếp tục làm việc khi chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”.
Nghe tin thành phố tiếp tục giãn cách nhưng chuyển sang mở cửa từng bước ở từng địa bàn, từng lĩnh vực nên chúng tôi cũng yên tâm. Hy vọng thành phố sớm có những biện pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng dịch.
Shipper HỒ VIẾT THÁI (phường 2, quận Bình Thạnh): Cần có tiêu chí cụ thể đối với lực lượng giao hàng
Tôi thấy ở mỗi tình huống, thành phố đều có những giải pháp để ứng phó; hoặc qua tình hình diễn biến dịch bệnh thì chính quyền chủ động có những cách tiếp cận khác. Sự chủ động, sát sao trong công tác phòng chống dịch bệnh đều được cân nhắc kỹ lưỡng với mục tiêu đảm bảo phòng chống dịch. Qua chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời”, lãnh đạo thành phố có thông báo bắt đầu từ ngày 16-9, shipper sẽ được chạy liên quận, với điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Tôi hoàn toàn ủng hộ, vì người dân rất cần lực lượng này để vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, cũng cần đưa ra các yêu cầu cụ thể, chi tiết để lực lượng shipper có thể đối chiếu xem mình đủ tiêu chí an toàn phòng dịch hay chưa.