1. Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài là một phần hoạt động kinh doanh của chúng tôi tại Singapore. Khách hàng học tiếng Việt của chúng tôi chủ yếu là người Singapore hay Malaysia gốc Hoa, thỉnh thoảng có người phương Tây da trắng hay một số người châu Á khác như Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Nhưng mới đây, tôi có khách hàng là một nữ doanh nhân người Myanmar đã sinh sống và làm việc ở Singapore được vài năm nay. Cô tên là Moh và làm việc cùng tầng lầu văn phòng của tôi. Cô cho biết muốn học tiếng Việt để tiếp cận thị trường Việt Nam và giao tiếp với người Việt Nam.
Sau khi được tôi giải thích cặn kẽ về chương trình, cô quyết định đăng ký học ngay. Khác với các học viên trước đây thường thanh toán học phí bằng séc hay chuyển khoản ngân hàng, Moh cầm tiền mặt đưa tận tay tôi và có lẽ nhờ “mùi vị” đồng tiền mà tôi mới cảm thấy sâu sắc hơn giá trị thương mại của tiếng Việt.
So với nhiều ngôn ngữ châu Á khác như tiếng Hoa, tiếng Thái, tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Myanmar, theo Moh, học tiếng Việt dễ hơn nhiều. Chỉ sau vài buổi Moh có thể đánh vần và đọc theo hướng dẫn của thầy. Thời gian đầu, Moh phải vất vả làm quen với hệ thống thanh âm tiếng Việt như sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng.
Nhưng cũng không có gì khó lắm sau khi luyện tập. Vả lại, cấu trúc ngữ pháp của tiếng Việt cũng đơn giản nếu so với tiếng Anh hay tiếng Myanmar. Sau 3 tháng học tiếng Việt, mỗi tuần 1 buổi 3 tiếng, Moh đã có thể tự tin khi công tác ở Việt Nam. Giờ đây đến Việt Nam cô có thể đọc được các bản hướng dẫn ngắn trên đường phố bằng cách sử dụng từ điển.
Cô chưa nói được nhiều nhưng đã biết cách dùng những từ xã giao đơn giản để phá vỡ khoảng cách trong giao tiếp với người Việt. Dĩ nhiên, học ngoại ngữ là một quá trình lâu dài, nhưng nếu chịu khó đầu tư thời gian ôn luyện và giao tiếp thì việc “ăn nói gói mở” của Moh với người Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian…
Ngoài mục đích kinh doanh, có nhiều học viên khác đăng ký học tiếng Việt vì người yêu hay vợ hoặc chồng là người Việt Nam. Có một số người học theo yêu cầu của công ty, có người học vì tò mò, có những sinh viên sắp tốt nghiệp muốn trang bị kỹ năng khác biệt cho cuộc sống nghề nghiệp tương lai...
Nhưng cho dù như thế nào đi chăng nữa tôi vẫn thực sự trân trọng họ, không hẳn vì họ đã đóng góp cho lợi nhuận doanh nghiệp mà chính là nhờ họ mà tôi có cơ hội chia sẻ và quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam với nước ngoài. Qua việc dạy tiếng Việt, tôi đã có những người bạn mới, những đối tác làm ăn mới và thậm chí cả những đối thủ cạnh tranh mới…
Nhưng có lẽ tôi nhạy cảm quá chăng khi nhìn xung quanh mình là những trái tim, những tấm lòng bè bạn năm châu gắn bó với Việt Nam. Mike (không phải tên thật của anh), giám đốc một quỹ đầu tư Hoa Kỳ. đã bỏ khá nhiều tiền và thời gian học tiếng Việt với tôi, nói: “Anh Huy à! Lúc đầu, tôi học tiếng Việt là để có cơ hội kinh doanh với Việt Nam, nhưng dần dần tôi đã phát hiện rất nhiều điều lý thú về đất nước và con người Việt Nam. Tôi không tiếc gì thời gian và tiền bạc đã bỏ ra để học tiếng Việt, nhưng tôi sẽ rất hạnh phúc khi có cơ hội sử dụng tiếng Việt trong kinh doanh và sống ở Việt Nam trong một thời gian dài.
Vì lý do nghề nghiệp, tôi không tiện nêu tên thật, nhưng tôi có thể khoe với các bạn là Mike có thể đọc báo bằng tiếng Việt và xử lý công việc liên quan đến công văn giấy tờ bằng tiếng Việt. Tôi vẫn còn phải cố gắng nhiều trong việc phát âm đúng thanh điệu, nhưng có lẽ người Việt nghe tôi nói sẽ thông cảm vì dù sao tôi cũng là người Hoa Kỳ”.
Một lớp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại Singapore. |
2. Ngoài học viên nước ngoài, tôi có một đối tượng khách hàng rất ít, chỉ đếm được trên đầu ngón tay là một số bạn trẻ quốc tịch Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan… gốc Việt, có thể nói nhưng không đọc tiếng Việt được. Với đối tượng này, một khi thầy trò đã có dịp ngồi bên nhau thì rất gắn bó nhờ sức mạnh của tiếng mẹ đẻ và tình cảm đồng bào ruột thịt nồng ấm chảy từ lâu trong huyết quản.
Tôi vẫn không quên cảm giác hạnh phúc khi nhận được tin nhắn từ Việt Nam của S., một Việt kiều đã học tiếng Việt với tôi sau 4 tháng. Anh cho biết đã vào nhà hàng nhìn thực đơn gọi món bằng tiếng Việt, đọc được sách báo và có thể đọc trực tiếp thư từ của khách hàng Việt Nam mà không cần phải nhờ người dịch. Lâu lắm rồi tôi không liên lạc với S., nhưng thỉnh thoảng trên báo chí tôi thấy anh cũng còn kinh doanh với thị trường Việt Nam và tôi sẽ rất vui và tự hào nếu đã giúp S. thành công trên đường sự nghiệp.
Một phân khúc khách hàng khác mà doanh nghiệp của tôi cần hướng đến đó là số người Việt Nam ở nước ngoài, vì lý do nào đó không biết nói và đọc được tiếng Việt. Với tôi, những người con Việt này sẽ học tiếng mẹ đẻ của mình như một ngoại ngữ vì hầu như môi trường ngôn ngữ của họ là tiếng Anh, Pháp, Hoa, Hàn Quốc...
Theo thiển ý của tôi, việc nghiên cứu thị trường, thiết kế và xây dựng chương trình sản phẩm dịch vụ để phục vụ phân khúc khách hàng này không phải là chuyện khó, nhưng vấn đề ở chỗ là làm sao thu hút được sự quan tâm của họ đối với tiếng Việt, để cảm thấy việc trở về với nguồn cội là sự thôi thúc khôn nguôi. Để có được điều đó đất nước Việt Nam càng phải hấp dẫn hơn về mọi mặt để cho họ hướng về, không chỉ là quê hương nguồn cội mà còn là cơ hội nghề nghiệp, kinh doanh và những khám phá kỳ thú.
Nhưng nói vậy thôi, giữa ước vọng và thực tế là một khoảng cách lớn vì ngay bản thân tôi cũng đang ưu tư chuyện dạy tiếng Việt cho con gái đang học lớp 5 ở Singapore, trong môi trường đa ngôn ngữ mà tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp chính. Để thi cử và lấy bằng cấp, tiếng Anh là điều bắt buộc.
Những lúc kèm cặp cho con ở nhà, vợ chồng tôi phải dùng tiếng Anh vì giáo trình đâu phải tiếng Việt. Cháu còn học thêm tiếng Hoa, tiếng Pháp và chưa kể nhiều hoạt động chính khóa hay ngoại khóa nữa. Một ngày chỉ có 24 giờ và chỉ riêng chuyện dành thời gian, tâm sự với con cái bằng tiếng Việt đã là một thách thức.
Singapore, ngày 19-9-2012