Một nội dung được người dân quan tâm theo thông lệ sẽ được đưa ra thảo luận, là báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Kinh tế Việt Nam đã trải qua quý I với nhiều kết quả ấn tượng: tăng trưởng GDP đạt mức 7,38% - cao nhất 10 năm qua; chỉ số giá tiêu dùng bình quân được kiểm soát tốt ở mức tăng 2,82%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với mức tăng cao 13,56%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,6% - cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây; xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tăng 24,3% và 16,3% so với cùng kỳ 2017…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đó, nền kinh tế vẫn đối mặt với những khó khăn, thách thức. Nền kinh tế vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vốn và lao động, trong khi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng bùng phát trên toàn cầu lại không phải là thế mạnh cho sự phát triển kinh tế. Vì thế, nếu chất lượng nguồn nhân lực không được cải thiện, sẽ là thách thức rất lớn cho sự phát triển. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế không chỉ quý I mà cả những năm gần đây ngày càng phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Năm 2017, khu vực trong nước chỉ xuất khẩu được 58,53 tỷ USD, tương đương 27% tổng kim ngạch xuất khẩu (4 tháng đầu năm, con số lần lượt 20,28 tỷ USD và tỷ lệ 27,5%). Trong tương lai, nếu khu vực doanh nghiệp trong nước không giữ vai trò chủ đạo, sẽ dẫn tới sự bất ổn khi doanh nghiệp FDI chuyển hướng đầu tư.
Báo cáo đánh giá kinh tế thường niên 2018 của Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội công bố vừa qua, cũng nhận định cách thức tăng trưởng hiện nay khiến dư địa tác động chính sách bị thu hẹp, những chính sách quản lý tổng cầu gây sức ép lên lạm phát hay bất ổn tài chính.
Hệ thống tài chính tiền tệ vẫn đang phải xử lý vấn đề nợ xấu và tỷ lệ an toàn vốn còn mỏng. Ngoài ra, thâm hụt ngân sách và nợ công gia tăng tiếp tục là rủi ro vĩ mô lớn của nền kinh tế. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp còn đối diện với nhiều rào cản phát triển, thể hiện qua tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ tăng cao liên tục từ năm 2012 đến nay; chi phí phi chính thức gây ra bởi thủ tục hành chính vẫn còn là rào cản lớn với doanh nghiệp…
Tại Nghị quyết 19/2018 ban hành tuần qua, Chính phủ nhận định thứ hạng cạnh tranh của Việt Nam còn nhiều chỉ số còn thấp khá xa so với các nước trong khu vực, hầu như không có cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong nhiều năm qua; một số chỉ số quan trọng khác thậm chí còn tụt hạng (hiệu quả thị trường hàng hóa, chất lượng cơ sở hạ tầng, giáo dục, trình độ phát triển kinh doanh và đổi mới công nghệ chậm cải thiện; đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản liên tục giảm bậc, thời gian kéo dài 57,5 ngày và hiện xếp thứ 63…).
Để đạt được mục tiêu xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh bằng mức trung bình của các nước ASEAN 4 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines), đòi hỏi phải có nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả lĩnh vực.
Chính vì vậy, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Cụ thể, khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư; giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành…
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế năm 2017 và quý I-2018, cho thấy nền kinh tế đã có những cải thiện thực chất và đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, dư địa cho phát triển vẫn còn nhiều và để tận dụng đòi hỏi sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị cũng như người dân, doanh nghiệp. Trong đó, bên cạnh các giải pháp tổng thể khác, biện pháp cụ thể trước mắt là cần thực hiện quyết liệt Nghị quyết 19/2018 về việc tháo gỡ rào cản, giảm chi phí cho doanh nghiệp.