Tín dụng tiêu dùng lĩnh vực bất động sản giảm 1,32% do người mua nhà chưa sẵn sàng

(ĐTTCO) -  Những khó khăn về tăng trưởng tín dụng tiếp tục được NHNN chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2023 diễn ra chiều 4-7 vừa qua.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo số liệu của NHNN cho biết, đến ngày 27-6, tín dụng tăng 4,03% và tăng 9,08% so với cùng kỳ.

Trong cơ cấu tín dụng, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng đã giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp. Việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá bất động sản cũng là một trong những giải pháp để có thể thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực bất động sản.

Trên mặt bằng chung, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2023, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết, ngay từ đầu năm, NHNN xác định từ 14-15% tăng trưởng tín dụng để phù hợp với kỳ vọng hay đúng hơn là chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ đã giao, góp phần tăng trưởng kinh tế 6,5% và kiểm soát lạm phát trong vòng 4,5%.

Tuy nhiên đến nay, dư nợ tín dụng mới tăng 4,2%, số tuyệt đối là 12.423.000 tỷ đồng. Trong khi đó, huy động vào khoảng 4,16%, tương ứng số tiền gửi huy động là 12.691.000 tỷ đồng. Có nghĩa là huy động cho vay ở thời điểm hiện nay tương đương, kể cả tốc độ, doanh số, số dư.

Theo Phó Thống đốc, tín dụng tăng chậm hơn khi lãi suất giảm nhanh vì 3 lý do.

Thứ nhất, tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp, như vậy cầu tín dụng cũng không thể tăng cao được.

Thứ hai, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp khó có đơn hàng, xuất khẩu cũng có những khó khăn nhất định. Thị trường bất động sản chưa sôi động lại, nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả những dự án bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở xã hội chưa được triển khai nhiều mặc dù NHNN tạo điều kiện về tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, sẵn sàng đẩy mạnh những lĩnh vực tỷ lệ rủi ro thấp.

Thứ ba, những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó tiếp cận tín dụng. Trước đây doanh nghiệp khó về năng lực tài chính để đảm bảo vay phải có khả năng trả nợ, đến nay càng khó hơn. Vấn đề này, Chính phủ, các bộ, ngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành ngân hàng đang quyết liệt tháo gỡ. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được có thể trả nợ được không, nguyên tắc tối thiểu ngân hàng cho vay phải thu được nợ. Ngược lại, có doanh nghiệp, ngân hàng mời chào vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay.

Các tin khác