Tóm tắt tất cả bằng chứng hiện có về nguồn gốc COVID-19: Tự nhiên hay nhân tạo?

(ĐTTCO) - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gia hạn 90 ngày cho tình báo Hoa Kỳ thu thập và phân tích bằng chứng hỗ trợ cho cả 2 kịch bản.

Vậy là giả thuyết virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc đã một lần nữa sống lại. Chừng nào bí ẩn về nguồn gốc của đại dịch vẫn chưa được giải đáp, nghi ngờ đó sẽ còn tồn tại. Càng ngày, các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới càng kêu gọi một cuộc điều tra kỹ lưỡng hơn về khả năng này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ và Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đang góp tiếng nói của mình vào đó.

Mặc dù chính WHO đã có một cuộc điều tra hồi đầu năm tại thành phố Vũ Hán kết luận rằng virus corona rất có thể đã lây sang người từ động vật – mà rất có thể là tại các trang trại động vật hoang dã ở Trung Quốc. Nhưng nhóm các chuyên gia tới đó đã không tìm thấy bằng chứng xác thực cho giả thuyết này. Họ cũng không thể loại trừ một khả năng trong đó virus đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Vì vậy, Tedros đã nói vào tháng Ba rằng ông "không tin rằng đánh giá này là đủ bao quát".

Tóm tắt tất cả bằng chứng hiện có về nguồn gốc COVID-19: Virus đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay tiến hóa từ tự nhiên? - Ảnh 1.

Trong cuộc điều trần mới tại Thượng viện Hoa Kỳ vào tháng Năm, bác sĩ Fauci nói rằng "chắc chắn tồn tại một khả năng" đại dịch COVID-19 đã bắt đầu từ một tai nạn trong phòng thí nghiệm.

Scott Gottlieb, cựu lãnh đạo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), cũng cho biết có một số bằng chứng ủng hộ giả thuyết này. Robert Redfield, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cũng vậy.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gia hạn 90 ngày cho tình báo Hoa Kỳ thu thập và phân tích bằng chứng hỗ trợ cho cả 2 kịch bản, với hy vọng đạt được "kết luận chính xác" về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

Để giúp bạn đọc hình dung rõ ràng hơn về chủ đề này, chúng tôi đã tóm tắt lại tất cả các bằng chứng hiện có về cả hai giả thuyết: Liệu virus corona mới đã rò rỉ ra từ phòng thí nghiệm hay nhảy từ động vật sang người:

Giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm

Trong một bức thư ngỏ gần đây, 18 nhà khoa học quốc tế đến từ Mỹ, Anh, Canada và Thụy Sĩ cho rằng giả thuyết virus SARS-CoV-2 bị rò rỉ ra từ phòng thí nghiệm vẫn còn tính khả thi.

Sự tập trung tiếp tục bị đổ dồn về phía Viện Virus học Vũ Hán, nơi có một phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4, và một số nhà khoa học đã nghiên cứu virus corona ngay trước khi đại dịch xảy ra.

Trùng hợp thay, Vũ Hán cũng là thành phố xuất hiện các ca bệnh COVID-19 đầu tiên được báo cáo. Dưới đây là những lý do chính mà mọi người nghĩ rằng virus có thể đã rò rỉ ra từ phòng thí nghiệm.

Bằng chứng 1: Viện Virus học Vũ Hán đang nghiên cứu virus corona ngay trước khi đại dịch bùng nổ

Tóm tắt tất cả bằng chứng hiện có về nguồn gốc COVID-19: Virus đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay tiến hóa từ tự nhiên? - Ảnh 2.

Công việc của các nhà khoa học tại Viện Virus học Vũ Hán là nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm - thu thập, lưu trữ và phân tích di truyền các mẫu mầm bệnh truyền nhiễm và nguy hiểm nhất mà loài người từng biết đến. Họ luôn tự hào khi sở hữu một phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 và là một trong số ít phòng thí nghiệm hiện đại nhất trên thế giới hiện nay.

Peter Ben Embarek là một nhà khoa học của WHO chuyên nghiên cứu bệnh trên động vật. Ông đã có mặt tại Viện Virus học Vũ Hán hồi đầu năm trong nhóm điều tra của WHO để tìm hiểu về nguồn gốc đại dịch.

Embarek nói rằng theo lẽ tự nhiên mọi người đều có thể đoán virus đã rò rỉ ra từ cơ sở nghiên cứu của Trung Quốc, đặc biệt là khi nó đã chuyển đến một địa điểm mới vào đầu tháng 12 năm 2019, chỉ cách Chợ hải sản Huân Nam có vài dặm.

Cụm lây nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán có liên quan đến khu chợ hải sản. Nhưng hóa ra nó chỉ đơn giản là một sự kiện siêu lây nhiễm sớm nhất được phát hiện. Trước đó, virus có thể đã âm thầm lây từ nơi khác vào bên trong khu chợ.

"Ngay cả nhân viên trong các phòng thí nghiệm cũng nói với chúng tôi rằng, phản ứng đầu tiên của họ khi nghe về căn bệnh mới xuất hiện, về chủng virus corona này là nó đã đi ra từ phòng thí nghiệm", Ben Embarek nói vào tháng Ba.

Nhưng sau khi xem xét khả năng đó, các nhân viên của Viện Virus học Vũ Hán cho biết họ không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy các mẫu virus corona chủng mới này từng được lưu trữ tại viện trước tháng 12 năm 2019.

Trong quá trình điều tra, WHO cũng không tìm thấy bất kỳ hồ sơ nào cho thấy có một chủng virus corona giống hoặc gần giống với SARS-CoV-2 được lưu trữ tại bất kỳ phòng thí nghiệm nào tại Trung Quốc trước ngày đại dịch bùng nổ. Các hồ sơ cũng không cho thấy bất kỳ cặp virus nào mà khi kết hợp với nhau có thể đã tạo ra chủng corona mới.

Nhưng nhóm của Ben Embarek cho biết khi tới Trung Quốc điều tra, họ đã không được cấp quyền truy cập toàn phần vào dữ liệu của Viện Virus học Vũ Hán.

Bằng chứng 2: Các nhà điều tra của WHO không thể tiến hành kiểm tra toàn bộ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán

Tóm tắt tất cả bằng chứng hiện có về nguồn gốc COVID-19: Virus đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay tiến hóa từ tự nhiên? - Ảnh 3.

Ben Embarek cho biết ông và các điều tra viên khác của WHO đã không thể thực hiện một cuộc tổng kiểm tra với Viện Virus học Vũ Hán. Họ chỉ có mặt ở đó trong một khoảng thời gian tính bằng giờ - không đủ để xem xét hết các tệp hồ sơ, cơ sở dữ liệu hoặc kho đông lạnh. Các nhân viên của viện cũng không chia sẻ tất cả các hồ sơ hoặc nhật ký an toàn của mình.

Đó là lý do tại sao Tedros đã nói rằng ông "không tin đánh giá này đã đủ bao quát".

Tổng giám đốc WHO, bác sĩ Fauci và nhiều nhà khoa học khác vẫn đang kêu gọi một cuộc điều tra đầy đủ với Viện Virus học Vũ Hán.

Tuy nhiên, Jonna Mazet, một nhà dịch tễ học tại Đại học California tại Davis, người đã làm việc trực tiếp với các nhà nghiên cứu của viện này, bao gồm Shi Zhengli, một trong những nhà virus học nổi tiếng tại đó, nói rằng Viện Virus học Vũ Hán đang bị nghi ngờ quá đáng.

Mazet cho biết khi nói chuyện với Shi, "cô ấy hoàn toàn khẳng định rằng mình chưa bao giờ phân lập được chủng virus này trước khi đại dịch xảy ra".

Bằng chứng 3: Nhân viên Viện Virus học Vũ Hán bị ốm với các triệu chứng 'giống COVID' vào tháng 11 năm 2019

Tóm tắt tất cả bằng chứng hiện có về nguồn gốc COVID-19: Virus đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay tiến hóa từ tự nhiên? - Ảnh 4.

Một báo cáo được đăng tải bởi The Wall Street Journal cho biết 4 nhân viên của Viện Virus học Vũ Hán đã bị ốm và phải nhập viện trong vòng hơn một tháng trước khi các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán được xác định. Báo cáo cho biết các triệu chứng của những nhân viên này "phù hợp với cả COVID-19 và bệnh cúm mùa thông thường".

Một quan chức tình báo cho biết báo cáo này không đủ chứng thực. Nhưng theo nhà virus học Marion Koopmans, cũng là một thành viên trong nhóm điều tra của WHO, đúng là có một số nhân viên của Viện Virus học Vũ Hán đã bị ốm vào mùa thu năm 2019.

Nhưng mẫu xét nghiệm máu của họ trong những tháng trước đại dịch đều âm tính với kháng thể virus corona. Các nhân viên phòng thí nghiệm an toàn sinh học vốn được xét nghiệm máu thường xuyên để theo dõi sức khoẻ. Cuối cùng, các nhân viên bị ốm này được ghi vào hồ sơ với chẩn đoán mắc cúm mùa.

Bằng chứng 4: COVID-19 lây truyền giữa người với người quá dễ dàng

Tóm tắt tất cả bằng chứng hiện có về nguồn gốc COVID-19: Virus đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay tiến hóa từ tự nhiên? - Ảnh 5.

Nhìn chung, một chủng virus khi mới xuất hiện sẽ cần rất nhiều thời gian thích nghi để có thể lây nhiễm dễ dàng từ người sang người.

Vì vậy, Redfield và một số nhà khoa học đồng quan điểm chỉ ra bản chất lây nhiễm cao của SARS-CoV-2 đã là một bằng chứng cho thấy nó có thể là sản phẩm của nghiên cứu nhằm "đạt được chức năng". Trong nghiên cứu dạng này, các nhà khoa học chỉnh sửa virus với mục tiêu làm cho mầm bệnh dễ lây lan hơn hoặc chết nhanh hơn để tìm ra cách ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.

"Tôi không tin rằng chủng virus này bằng cách nào đó truyền được từ dơi sang người, để rồi gần như ngay lập tức nó trở thành một chủng virus lây từ người sang người, một trong những chủng virus lây lan mạnh nhất trong lịch sử nhân loại", Redfield nói với CNN vào tháng Ba.

Cùng khoảng thời gian đó, bác sĩ Fauci cho biết rằng nhiều khả năng virus SARS-CoV-2 đã âm thầm lây nhiễm từ người sang người trước cả khi Trung Quốc phát hiện những ca nhiễm vào cuối năm 2019. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy COVID-19 đã lây lan trong vài tuần, nếu không muốn nói là vài tháng, trước khi các bệnh nhân đầu tiên đã được báo cáo.

Fauci cho biết giả thuyết này giải thích tại sao virus "thích nghi khá tốt ngay khi được phát hiện vào lần đầu tiên".

Bằng chứng 5: Tình báo Hoa Kỳ cho rằng Viện Virus học Vũ Hán có giao thức an toàn kém, việc rò rỉ cũng đã từng xảy ra trước đây

Tóm tắt tất cả bằng chứng hiện có về nguồn gốc COVID-19: Virus đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay tiến hóa từ tự nhiên? - Ảnh 6.

Ba năm trước, các quan chức Mỹ đến thăm Vũ Hán đã gửi một số bản ghi chú tới Bộ Ngoại giao, cảnh báo về các biện pháp an toàn tại viện nghiên cứu không được tuân thủ đầy đủ. Tuy nhiên, Viện Virus học Vũ Hán sau đó dường như đã tiếp thu và cải tổ các quy trình của họ một cách nghiêm ngặt. Trong cuộc điều tra hồi tháng Một, WHO cũng hài lòng với các quy trình được thực hiện ở đây.

Ben Embarek cho biết Viện Virus học Vũ Hán có một "phòng thí nghiệm hiện đại", đó là một phần lý do khiến nhóm của ông cho rằng "rất khó có khả năng cho bất cứ thứ gì có thể thoát ra khỏi một nơi như vậy".

Mazet cũng nói rằng "rất khó có khả năng đây là một tai nạn trong phòng thí nghiệm", vì cô ấy đã làm việc với nhân viên Viện Virus học Vũ Hán để phát triển và thực hiện một "giao thức an toàn rất nghiêm ngặt".

Tuy nhiên, hồi tháng Hai Ben Embarek đã lưu ý rằng "tai nạn vẫn có khả năng xảy ra". Ông nói: "Chúng tôi có nhiều ví dụ ở nhiều quốc gia trên thế giới về các vụ tai nạn trong quá khứ". Mặc dù những tai nạn như vậy rất hiếm, nhưng đã có 4 trường hợp virus SARS bị rò rỉ từ các phòng thí nghiệm ở Đài Loan, Singapore và Bắc Kinh.

Bằng chứng 6: Các trang trại động vật hoang dã nơi virus có thể đã xuất hiện cách xa Vũ Hán tới 1.609 km

Tóm tắt tất cả bằng chứng hiện có về nguồn gốc COVID-19: Virus đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay tiến hóa từ tự nhiên? - Ảnh 7.

Các trang trại động vật hoang dã, nơi nhóm của WHO cho rằng virus corona mới đã xuất hiện, thực ra cách Vũ Hán từ 800 tới1.609 km.

Nhưng Koopmans cho biết nhóm của WHO đã phát hiện ra rằng thỏ và chồn hôi bán tại Chợ Hải sản Huân Nam được vận chuyển đến từ các vùng ở Trung Quốc, nơi có những đàn dơi chứa virus tương tự như virus corona mới.

Cả thỏ và chồn hương đều dễ bị nhiễm virus corona, do đó có thể lây bệnh cho những người nông dân đi vào thành phố hoặc những người mua sắm ở chợ.

Tuy nhiên, chỉ vì cụm lây nhiễm đầu tiên được báo cáo ở Vũ Hán không có nghĩa đó là nơi đại dịch thực sự bắt đầu. Vũ Hán là thành phố lớn nhất ở tỉnh Hồ Bắc, và mọi người từ khắp miền trung Trung Quốc đi du lịch qua khu vực này. Một khi virus đến một môi trường đô thị, đông đúc, có nghĩa là nó sẽ lây lan nhanh chóng ở đó.

Giả thuyết virus bắt nguồn từ động vật

Sau cuộc điều tra ở Vũ Hán, nhóm chuyên gia WHO xác định virus corona mới "rất có thể" đã nhảy từ dơi sang người thông qua vật chủ trung gian là động vật tại một trang trại. Đó vốn là giả thuyết hàng đầu giải thích cho nguồn gốc của các đại dịch, với 75% các bệnh truyền nhiễm mới nổi gần đây lây sang chúng ta từ động vật.

Thêm vào đó, mã di truyền của virus SARS-CoV-2 rất giống với mã di truyền của các chủng virus corona khác được tìm thấy ở dơi. Đây là những bằng chứng ủng hộ ý tưởng này.

Bằng chứng 1: WHO kết luận rằng 'rất có thể' đã có một sự kiện virus nhảy từ động vật sang người

Tóm tắt tất cả bằng chứng hiện có về nguồn gốc COVID-19: Virus đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay tiến hóa từ tự nhiên? - Ảnh 8.

Tại miền nam Trung Quốc, WHO phát hiện mọi người dân ở đây thường có rất nhiều tương tác gần với động vật như cầy hương, chồn, tê tê, thỏ và chó gấu trúc tại các trang trại nơi những động vật này được nuôi nhốt để làm thực phẩm.

Tất cả các loài này đều có thể bị nhiễm virus corona mới, và bất kỳ sự tiếp xúc nào với động vật bị nhiễm bệnh hoặc phân của chúng đều có thể cho phép virus lây nhiễm từ động vật sang người.

Đó là lý do tại sao WHO nhận thấy đây "rất có thể" là nguồn gốc của đại dịch. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra 80.000 động vật từ 31 tỉnh trên khắp Trung Quốc mà không tìm thấy một trường hợp nào nhiễm virus corona.

Trung Quốc đã đóng cửa các trang trại động vật hoang dã từ tháng 2 năm 2020 và các nhà nghiên cứu của WHO không được phép tiếp cận các mẫu động vật từ các trang trại này.

Thêm vào đó, theo Tedros, các chuyên gia của WHO đã gặp khó khăn khi truy cập dữ liệu nhiễm COVID-19 và các mẫu máu của bệnh nhân từ trong và xung quanh Vũ Hán - điều này cũng có thể gây nghi ngờ về kết luận cuối cùng của nhóm.

Trở lại bức thư của 18 nhà khoa học, họ cho biết trong báo cáo của WHO, khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm đã "không được xem xét cân bằng." Chỉ 4 trong số 313 trang của báo cáo thảo luận về bằng chứng của một tai nạn trong phòng thí nghiệm.

Bằng chứng 2: SARS-CoV-2 chia sẻ 97% mã di truyền của nó với các chủng virus corona khác được tìm thấy ở dơi

Tóm tắt tất cả bằng chứng hiện có về nguồn gốc COVID-19: Virus đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay tiến hóa từ tự nhiên? - Ảnh 9.

Dơi là ổ chứa virus phổ biến. Trước đây, nó cũng từng dẫn đến sự bùng phát của nhiều đại dịch như Ebola, SARS và Nipah.

Nhiều bằng chứng cho thấy sự tương đồng giữa virus SARS-CoV-2 và các chủng virus corona lưu hành trong quần thể dơi. Ví dụ, một nghiên cứu vào tháng 5 năm 2020 đã tiết lộ rằng virus gây ra COVID-19 chia sẻ 97,1% mã di truyền của nó với một chủng corona có tên là RmYN02 được tìm thấy trên quần thể dơi ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2019.

Một bài báo trên tạp chí Nature được xuất bản bởi nhóm của Shi tại Viện Virus học Vũ Hán, phát hiện ra một chủng virus corona có tên là RaTG13 có bộ gen trùng khớp 96,2% với SARS-CoV-2.

Hóa ra, RaTG13 chính là loại virus mà Shi và các đồng nghiệp tại Viện Virus học Vũ Hán của cô đã thu thập gần một thập kỷ trước trong một khu mỏ hẻo lánh.

Năm 2012, có 6 thợ mỏ từng bị mắc một căn bệnh bí ẩn giống như viêm phổi, và 3 người trong số họ đã chết, theo The Wall Street Journal. Tuy nhiên, các mẫu máu của các thợ mỏ không cho kết quả dương tính với chủng virus corona mới.

Khi Shi và các đồng tác giả công bố phân tích gen của RaTG13 vào năm ngoái, họ đã không tiết lộ mối liên hệ của nó với cái chết của các thợ mỏ.

Bằng chứng 3: 75% các bệnh truyền nhiễm xuất phát từ sự lây nhiễm tự nhiên

Tóm tắt tất cả bằng chứng hiện có về nguồn gốc COVID-19: Virus đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay tiến hóa từ tự nhiên? - Ảnh 10.

Ba trong số bốn bệnh truyền nhiễm mới nổi lây sang con người chúng ta từ các loài khác; những mầm bệnh này được gọi là bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Peter Daszak, nhà sinh thái học bệnh tật của EcoHealth Alliance, thành viên nhóm điều tra của WHO, nói với NPR vào tháng 4 năm 2020 rằng có từ "1 đến 7 triệu người" mỗi năm tiếp xúc với virus lây truyền từ động vật sang người ở Đông Nam Á.

"Đó là một con đường lây truyền rõ ràng mà ai làm việc trong lĩnh vực của chúng tôi cũng thấy", ông nói.

Daszak và EcoHealth Alliance đã từng làm việc và tài trợ cho nghiên cứu của Viện Virus học Vũ Hán trong quá khứ, mặc dù khoản tài trợ đó đã bị hủy bỏ vào năm ngoái. Một số người cho rằng Daszek có thành kiến chống lại giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm, vì nó có thể khiến tổ chức của ông bị buộc tội khi tài trợ cho nghiên cứu dẫn đến đại dịch.

Tuy nhiên, các sự kiện virus nhảy từ động vật sang người đã tăng gấp đôi - nếu không muốn nói là gấp ba - trong 40 năm qua, theo Dennis Carroll, cựu giám đốc bộ phận các mối đe dọa mới nổi của USAID. Đó là bởi vì con người ngày càng biến những khu vực hoang dã thành những trang trại, những cánh đồng để chăn nuôi.

Carroll nói với Tạp chí Nautilus năm ngoái: "Nếu có một mầm bệnh nào đe dọa nhân loại trong tương lai thì bây giờ chúng đã tồn tại rồi và đang lưu hành trong các loài động vật hoang dã".

Các tin khác