Thông điệp nghiêm khắc từ Ngoại trưởng Antony Blinken được đưa ra trong một tuyên bố trước lễ kỷ niệm 5 năm ngày tòa án quốc tế đưa ra phán quyết có lợi cho Philipppines, chống lại các yêu sách hàng hải của Trung Quốc xung quanh khu vực quần đảo Trường Sa, các rạn san hô và các bãi cạn lân cận. Phía Trung Quốc bác bỏ phán quyết.
Trước lễ kỷ niệm 4 năm ngày ra phán quyết vào năm ngoái, chính quyền Trump đã bày tỏ sự ủng hộ đối với phán quyết, nói thêm rằng họ coi hầu hết các yêu sách hàng hải của Trung Quốc là bất hợp pháp ở ngoài vùng biển được quốc tế công nhận ở Biển Đông. Tuyên bố được Ngoại trưởng dưới thời Trump – Mike Pompeo, đưa ra đã được tái khẳng định vào hôm 11/7.
“Không ở đâu trật tự hàng hải dựa trên luật lệ lại bị đe dọa như ở Biển Đông”, Blinken nói, sử dụng ngôn ngữ tương tự như của Pompeo. Ông cáo buộc Trung Quốc đang tiếp tục “ép buộc và đe dọa các quốc gia ven biển Đông Nam Á, đe dọa quyền tự do hàng hải trên con đường toàn cầu quan trọng này”.
“Hoa Kỳ tái khẳng định chính sách ngày 13 tháng 7 năm 2020 liên quan đến các tuyên bố chủ quyền hàng hải ở Biển Đông”, ông nói, đề cập đến tuyên bố ban đầu của Pompeo. “Chúng tôi cũng tái khẳng định rằng một cuộc tấn công vũ trang vào các lực lượng vũ trang, tàu công cộng hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ dẫn đến các cam kết phòng thủ chung của Hoa Kỳ.”
Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ chung Hoa Kỳ - Philippines yêu cầu hai quốc gia phải viện trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công.
Trước khi tuyên bố của Pompeo được đưa ra, chính sách của Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng các tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng của họ phải được giải quyết bằng hòa bình thông qua trọng tài do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn. Sự thay đổi này không áp dụng cho các tranh chấp về các đối tượng địa lý trên đất liền cao hơn mực nước biển, được coi là “lãnh thổ”.