Với khối tư liệu dày đặc, tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Tinh hoa Đạo Học" bố trí hơn 15 chặng dừng để thuyết minh dọc theo 5 không gian. Người nghe được kể chuyện cá chép vượt vũ môn - cá chép hóa rồng, được lý giải về ánh sao chiếu rọi từ Khuê Văn Các, đặc biệt câu chuyện các khoa thi tiến sĩ triều Lê Mạc. Di tích còn được thắp sáng bởi công nghệ trình chiếu ánh sáng, mapping 3D, công nghệ thực tế ảo… tạo cảm xúc và tự hào về tinh thần hiếu học của cha ông.
Trước Văn Miếu, 3 di sản khác của Thủ đô là Nhà Tù Hoả Lò, Hoành Thành Thăng Long và chùa Thầy được ''đánh thức'' về đêm, kể nhiều câu chuyện với lớp lang lịch sử, văn hoá. Phương thức này được tổ chức khá thành công tại nhiều địa phương như Phú Thọ, Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút người dân du khách, đặc biệt các bạn trẻ. Theo các chuyên gia, không gian đêm linh thiêng cùng công nghệ hiện đại và trình diễn thực cảnh đem lại một đời sống mới, hấp dẫn, lôi cuốn cho di sản trong nhịp sống hiện đại.
Với kho tàng hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhiều di sản được UNESCO vinh danh nhất ASEAN, Việt Nam có lợi thế khai thác di tích về đêm. Nỗ lực này mới chỉ là ban đầu nhưng mở ra cơ hội để vừa bảo tồn, vừa biến di sản thành tài sản bền vững cho phát triển du lịch.