Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Bước chuyển biến mới về chế độ công vụ
Đại diện Ban soạn thảo dự thảo NĐ33, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, yêu cầu của tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM là phải đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý của chính quyền địa phương phù hợp với tính chất đặc điểm của đô thị. Đồng chí Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, một trong những nội dung chính và mới liên quan đến mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM là thống nhất về chế độ công vụ, công chức giữa UBND quận, phường với TPHCM. Cụ thể, công chức của UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thành phố thuộc TPHCM (TP Thủ Đức), do quận, TP Thủ Đức quản lý, sử dụng.
Các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận theo mô hình này không còn là cán bộ do HĐND bầu mà được chuyển sang công chức. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác… do Chủ tịch UBND TPHCM quyết định. Ở cấp phường, chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường sẽ do Chủ tịch UBND quận bổ nhiệm. Thứ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá, đây là bước chuyển biến mới về chế độ công vụ.
Để giảm tải và giải quyết nhanh công việc của dân, Chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch thực hiện ký chứng thực bản sao các giấy tờ, chứng thực chữ ký trong các giấy tờ… NĐ33 cũng có quy định về bảo đảm dân chủ và công khai minh bạch trong mọi hoạt động của UBND quận, phường. Theo đó, các kết luận, quyết định của UBND quận, phường đều được đưa tin trên Cổng thông tin điện tử của quận, phường. Chủ tịch UBND quận, phường định kỳ phải tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân, cộng đồng dân cư, tổ dân phố và gửi kết quả đối thoại đến HĐND, UBND cấp trên. Việc này thể hiện tính công khai minh bạch và trách nhiệm của người đứng đầu.
Đối với TP Thủ Đức - TP thuộc TP trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phân tích điểm mới so với các quận, huyện là trong các cơ quan chuyên môn giúp việc cho TP Thủ Đức, có thêm Phòng Khoa học - Công nghệ. Đồng chí nhận định, sứ mệnh của TP Thủ Đức là trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực chất lượng cao, động lực phát triển không chỉ của TPHCM mà còn cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nên việc có thêm phòng này là rất cần thiết. Tại TP Thủ Đức, số lượng cấp phó của các cơ quan chuyên môn là 3, nhiều hơn so với quy định chung 1 người và điều này phù hợp đặc điểm, mục tiêu, chức năng, sứ mệnh của TP Thủ Đức.
Xây dựng các cơ chế, chính sách tạo động lực cho cán bộ
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nêu rõ, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14, nên các cơ quan, đơn vị phải đặc biệt chú trọng đến khâu thực hiện các nhiệm vụ; phân công rõ người, rõ việc và thời gian hoàn thành. Đồng chí lưu ý, trong nhiệm kỳ 2021-2026, TPHCM sẽ không tổ chức HĐND quận, phường tại 16 quận và 249 phường. Do đó, trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, phường sẽ nặng nề hơn. Đồng chí Nguyễn Thành Phong mong muốn cán bộ, công chức không xem đó là khó khăn, mà cần phải nỗ lực, tăng tốc mạnh mẽ hơn, làm tốt hơn các cơ chế, chính sách đã đề ra.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí Nguyễn Thành Phong lưu ý, điểm then chốt trong NQ131, NĐ33 là tạo ra nhiều động lực và cơ hội phát triển TPHCM. Đó là: quyền đại diện, quyền dân chủ và quyền được tiếp nhận thông tin của người dân vẫn được đảm bảo và duy trì ở mức độ cao như trước đây. Bộ máy, cơ cấu tổ chức của các quận, phường được tinh gọn; cơ quan hành chính ở quận, phường tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách của địa phương. Cùng với đó là góp phần cải cách hành chính. Chính vì thế, khi tổ chức thực hiện chủ đề năm 2021 của TPHCM - Năm thực hiện chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, phường, TP Thủ Đức cần đề ra những mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư cao hơn so với mục tiêu chung của TPHCM.
Đề cập đến TP Thủ Đức, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu phải khẩn trương thành lập Phòng Khoa học - Công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ, tạo nền tảng công nghệ phục vụ phát triển TP Thủ Đức.
Đặc biệt nhấn mạnh cán bộ là nguồn gốc thành công của mọi công việc, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải nhận thức được điều này để tự đổi mới, tự hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Đồng chí cho hay, TPHCM sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực nhiều hơn nữa cho cán bộ, công chức, viên chức thi đua sáng tạo, phát huy sở trường, phục vụ lâu dài trong các cơ quan nhà nước. Điều này giúp TPHCM luôn là nơi hội tụ của những con người giỏi nhất, tâm huyết nhất, luôn năng động, sáng tạo, biết vượt qua khó khăn, thách thức để phục vụ cho sự phát triển của TPHCM và phụng sự nhân dân. Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, TPHCM sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp làm việc của cơ quan hành chính nhà nước theo tinh thần phục vụ.
Lộ trình triển khai Nghị định 33 Trong năm 2021, UBND TPHCM phân cấp, ủy quyền cụ thể cho chính quyền địa phương ở quận, TP Thủ Đức, phường phù hợp với tổ chức chính quyền đô thị và khả năng thực tiễn của từng địa phương. Trước quý 2-2021, TPHCM thực hiện việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức quận, phường theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Trước ngày 1-7, Sở Nội vụ phối hợp với UBND quận, TP Thủ Đức hướng dẫn và thực hiện việc chuyển Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường, công chức cấp xã ở phường được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày 1-7 thành công chức cấp huyện trở lên. |