Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM về ban hành kế hoạch đầu tư phát triển các dự án, công trình giao thông vận tải trọng điểm ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2024-2030.
Trong loạt 88 dự án được đề xuất triển khai từ nay đến năm 2030, có những cung đường thường xuyên ùn tắc ở TP.HCM sẽ được mở rộng.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, danh mục này nhằm xác định các dự án, công trình giao thông vận tải trọng điểm để ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách tham gia thực hiện dự án theo quy định (công tác chuẩn bị đầu tư; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình…).
Đây cũng là cơ sở để kêu gọi đầu tư, huy động, thu hút nguồn lực xã hội tham gia thực hiện dự án đảm bảo phát huy hiệu quả, công khai minh bạch.
Theo danh mục đề xuất, giai đoạn 2024-2030, TP sẽ ưu tiên triển khai đầu tư 88 dự án (không bao gồm các tuyến metro vì được triển khai đề án riêng theo kết luận số 49 của Bộ Chính trị).
88 dự án gồm có nhóm 6 dự án cao tốc, đường kết nối với cao tốc như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, nâng cấp đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đường nối cao tốc TP.HCM - Chơn Thành.
Ngoài ra, TP đầu tư nút giao Gò Công và làm nhánh nối Xa lộ Hà Nội đến nút giao Gò Công đường vành đai 3 TP.HCM.
4 dự án quốc lộ gồm nâng cấp mở rộng quốc lộ 1, 13, 22 và đầu tư quốc lộ 50B. 12 dự án nút giao và cầu lớn như các cây cầu: Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Cát Lái, Rạch Dơi, Rạch Tôm, Phú Xuân 2B; các nút giao tại ngã tư Bốn Xã, nút giao đường Rừng Sác, hoàn chỉnh nút giao quốc lộ 50 với cao tốc Bến Lức - Long Thành...
Ngoài ra, còn 7 dự án thuộc vành đai 2, 4; 19 dự án đường đô thị, 9 dự án đường liên khu vực, 18 dự án đường thủy, 11 dự án bến bãi giao thông tĩnh...
Dự kiến nhu cầu vốn để làm danh mục nêu trên trong giai đoạn 2024-2030 cần khoảng 272.316 tỉ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách TP dự kiến khoảng 198.697 tỉ đồng (khoảng 73%). Còn vốn huy động kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP dự kiến 69.256 tỉ đồng (khoảng 25%).
Gỡ ùn tắc cho loạt tuyến đường quá tải
Như vậy, TP.HCM đã và đang triển khai đồng loạt hệ thống các tuyến vành đai, cao tốc, mở rộng quốc lộ, cầu lớn. Đối với đường sắt đô thị, TP cũng đang xây dựng đề án để từ nay đến năm 2035 sẽ đầu tư đồng loạt 6 tuyến metro với tổng chiều dài 183km.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đề xuất triển khai nâng cấp, mở rộng các trục đường đô thị để tăng năng lực thông hành, giảm ùn tắc cho các tuyến đường cửa ngõ, khu vực trung tâm vốn đang quá tải.
Đáng chú ý, trong danh mục 19 dự án đường đô thị, hai tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Đinh Bộ Lĩnh sẽ được đề xuất triển khai nâng cấp.
Theo đó, hai tuyến đường này dự kiến làm đường trên cao để kết nối đồng bộ với dự án mở rộng quốc lộ 13 (dự kiến làm đường trên cao theo hình thức BOT áp dụng cơ chế nghị quyết 98).
Trục đường Trường Chinh - Cộng Hòa từ ngã tư An Sương đến sân bay Tân Sơn Nhất cũng sẽ được đầu tư bằng phương thức làm đường trên cao dài 11,2km.
Quy mô tuyến đường này có 4 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 11.900 tỉ đồng.
Còn đường Trường Chinh đoạn từ Cộng Hòa đến đường Âu Cơ cũng sẽ được nâng cấp với tổng mức đầu tư 4.500 tỉ đồng.
Đường Tân Kỳ - Tân Quý đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa và đoạn từ đường Bình Long đến đường Lê Trọng Tấn được mở rộng với mức vốn đầu tư 5.700 tỉ đồng.
Trục đường Đông Tây (đường Võ Văn Kiệt nối dài từ quốc lộ 1 đến ranh tỉnh Long An) giải tỏa ùn tắc cho cửa ngõ phía tây TP có tổng mức đầu tư 5.776 tỉ đồng. Dự án cầu đường Bình Tiên dài 3,2km với mức vốn 6.200 tỉ đồng cũng sẽ mở con đường nối thẳng trung tâm TP về huyện Bình Chánh...
Chờ sự bứt phá của nguồn vốn tư nhân
Trong giai đoạn tới, TP.HCM sẽ kêu gọi tư nhân đầu tư các dự án cầu đường đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án này như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, vành đai 4 TP.HCM qua địa bàn TP...
Bên cạnh đó, các cơ chế mới của nghị quyết 98 cũng cho phép TP triển khai các dự án BT (trả chậm), BOT trên trục đường đô thị. Đối với dự án BOT trên trục đường đô thị, TP đang triển khai dự án nâng cấp quốc lộ 1 đoạn từ đường Kinh Dương Vương đến tỉnh Long An dài 9,6km với tổng vốn 12.876 tỉ đồng.
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 dài 9,1km có tổng vốn 7.100 tỉ đồng. Dự án nâng cấp quốc lộ 13 từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương dài 5,9km với tổng vốn 13.851 tỉ đồng.