Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân
Ngày 7-10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, trong ngày 6-10, TPHCM đã tiêm được 143.654 mũi vaccine phòng Covid-19. Tại các điểm tiêm đều trật tự, ổn định.
Từ khi TPHCM bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt 1 đến hết 6-10 đã tiêm được 11.965.360 mũi tiêm, trong đó 4.951.439 người tiêm mũi 2. Đến nay đã có 97,3% người trên 18 tuổi đã tiêm 1 mũi, 68,7% người tiêm đủ 2 mũi.
72,29% người trên 65 tuổi được tiêm 2 mũi và 69,72% người từ 50 đến 65 tuổi được tiêm 2 mũi. TP đã tiêm vaccine Vero Cell cho 2.924.658 người.
Theo HCDC, để sống chung với Covid-19, cần có 3 loại "vaccine" đặc biệt.
Đầu tiên là vaccine phòng Covid-19: Vaccine phòng Covid-19 có tác dụng giúp cơ thể kích hoạt hệ miễn dịch để nhận diện và tiêu diệt ngay khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể. Vaccine mặc dù không ngăn chặn được việc lây nhiễm bệnh nhưng quan trọng là nó giúp chúng ta bệnh nhẹ hơn và giảm nguy cơ chuyển nặng. Điều nay rất quan trọng khi chúng ta nới lỏng giãn cách xã hội.
Nhiều nơi trên thế giới đã cho thấy, khi nới lỏng giãn cách xã hội số ca nhiễm sẽ gia tăng do sự giao lưu giữa con người và con người tăng lên. Tuy nhiên, nhờ vaccine mà số ca chuyển nặng cần sự hỗ trợ của ngành y tế vẫn nằm trong khả năng đáp ứng. Nó không gây ra sự quá tải hệ thống y tế. Do đó để nới lỏng giãn cách phục hồi kinh tế và hoạt động xã hội thì việc tiêm phủ vaccine cho người dân trên 18 tuổi là cực kỳ quan trọng.
Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất sau 14 ngày mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức bảo vệ rất thấp. Sau tiêm mũi thứ 2 từ 1 tháng trở lên thì vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60% - 90% tùy theo loại vaccine.
Sau tiêm vaccine phòng Covid-19 đủ liều, vẫn có thể mắc bệnh và vô tình trở nguồn phát tán, lây truyền virus cho người khác. Do đó dù đã được tiêm chủng, vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo thông điệp 5K. Nếu có triệu chứng nghi mắc Covid-19 thì cần đi khám bệnh và làm có thể tự làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh.
Vaccine thứ 2 là hệ miễn dịch của cơ thể: Hệ miễn dịch chính là vaccine quan trọng thứ 2. Đây là loại vaccine bền vững lâu dài, sẵn sàng mọi lúc để chiến đấu với SARS-CoV-2 ngay khi chúng xâm nhập vào cơ thể.
Các biện pháp để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể là dinh dưỡng, đóng vai trò quan trọng để nâng cao hệ miễn dịch. Ăn uống lành mạnh, hạn chế bia rượu. Ăn nhiều trái cây và rau quả đủ loại màu sắc. Không để cơ thể mất nước. Tiêu thụ nhiều kẽm giúp tăng miễn dịch. Tranh thủ nhận vitamin D thông qua tiếp xúc da và ánh nắng tự nhiên. Chỉ cần hai bàn tay và khuôn mặt tiếp xúc 10-15 phút hàng ngày với ánh nắng mặt trời có thể cung cấp cho có thể 3.000 đến 5.000 IU vitamin D.
Bên cạnh đó, ngủ ngon đủ giấc vẫn luôn quan trọng hàng đầu trong duy trì miễn dịch khỏe mạnh. Hầu hết người lớn nên ngủ 7 đến 8 giờ mỗi đêm. Duy trì hoạt động thể chất hàng ngày bằng các bài tập thể dục trong nhà hoặc ngoài trời 30 phút mỗi ngày. Khi tập thể dục cũng nên nhớ tuân thủ phòng chống dịch. Cần chủ động kiểm soát căng thẳng và cảm xúc, kết hợp các bài tập làm giảm căng thẳng như yoga, thiền… Nếu gặp các vấn đề về tâm lý, cảm xúc hãy kiếm ngay sự trợ giúp từ các chuyên gia.
Vaccine thứ ba chính là thói quen mới: Để đảm bảo an toàn trong tình hình mới cần xây dựng thói quen mới. Thói quen rửa tay thường xuyên cần tiếp tục được duy trì. Hạn chế sờ chạm bàn tay vào các bề mặt công cộng. Nếu có sờ chạm hãy rửa bàn tay ngay khi có thể. Hạn chế đưa tay chưa rửa lên mắt, mũi miệng.
Đeo khẩu trang đúng cách, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc trực tiếp với người khác, khi đến nơi đông người. Hạn chế tụ tập đông người không cần thiết. Khi tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động kinh doanh sản xuất hãy nhớ và thực hiện theo 5K, theo bộ tiêu chí an toàn của từng lĩnh vực.
Theo HCDC, thói quen mới cùng với vaccine phòng Covid-19 và hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ tạo thành "kiềng 3 chân", giúp cho mỗi người là một mắt xích quan trọng để tự bảo vệ chính mình và gia đình. Những vaccine trên là chìa khóa quan trọng trong việc thích ứng với tình hình mới hiện nay. Có như vậy lộ trình phục hồi kinh tế, xã hội mới lâu dài và bền vững.