Nhiều năm nay, TP tích cực chống ngập với các dự án căn cơ, tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng, nhưng vẫn chưa giải quyết được nạn ngập sau mưa và ngập do triều cường. Thực trạng này đòi hỏi phải có sự chung tay giữa chính quyền các cấp và người dân TPHCM.
Nhọc nhằn đường về sau cơn mưa
Đối với TPHCM, tùy theo hiện trạng đô thị cũ, mới để đưa ra giải pháp cụ thể cho từng khu. Bởi không phải cứ ngập là làm cống hoặc nâng đường, mà còn có thể quy hoạch chỉnh trang cùng các giải pháp khác. Chúng ta có thể thiết kế những khu đô thị mới hoàn toàn không ngập khi dựa trên khoa học tự nhiên. Nhưng nếu sau đó quản lý đô thị không nghiêm để cho ngập, nó lại trở thành vấn đề xã hội. KTS. NGÔ VIẾT NAM SƠN |
Từ đầu mùa mưa 2018 đến nay, TPHCM đã có 4 trận mưa lớn gây ngập nhiều tuyến đường ở các quận, huyện. Cơn mưa trút xuống TP vào chiều 8-5 được xem là trận mưa lớn nhất trong tuần qua, đã khiến hàng loạt tuyến đường ngập nặng, nước từ ngoài đường vào hẻm, tràn vào nhà dân. Tại nhiều tuyến đường như Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ, Cây Trâm, Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp); Quốc lộ 13, Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức); Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh)... nước dâng cao 40cm cuốn theo nhiều rác thải, bốc mùi hôi tanh. Nhiều người đi đường ướt nhẹp, mệt mỏi do kẹt xe, ngập nước trên đường về nhà sau giờ làm việc.
Do mưa lớn vào giờ tan tầm, các tuyến đường như Cộng Hòa (quận Tân Bình), đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), đường Tôn Đức Thắng (quận 1), đường Thống Nhất (quận Gò Vấp)… xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Nước tràn từ mặt đường lên vỉa hè, mỗi khi có ô tô lưu thông qua tạo thành sóng tạt vào nhà dân hai bên đường. Các khu dân cư nằm gần bờ sông Sài Gòn cũng rơi vào tình trạng ngập nặng khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Bà Vũ Thị Huế, một người dân sống lâu năm trên đường Nguyễn Xí, cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa là cả con đường Nguyễn Xí lại ngập sâu trong nước. Năm nay mới vào mùa mưa có vài bữa người dân đã thấy căng thẳng. Nhiều xe máy đi qua đoạn đường này thường bị chết máy. Thậm chí, có những chỗ nước dâng lên nửa mét, chỗ ít nước cũng chừng 30cm. Điều này thực sự nguy hiểm cho người tham gia giao thông”.
Còn ông Phạm Đạt, người dân ở phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) bức xúc nói: “Cứ sau mỗi trận mưa lớn, người dân TP lại phải chịu đựng, chống chọi lại với dòng nước đen ngòm, bẩn thỉu, hôi thối dù đang trong nhà hay ngoài đường. Nhiều khi mưa kéo dài, nước dâng lên vào tận nhà, người dân phải dùng ca, gáo nước múc đổ ra ngoài. Đi kèm theo đó, nhiều vấn đề về vệ sinh, dịch bệnh sẽ phát sinh làm cho cuộc sống người dân bị đảo lộn, ảnh hưởng trầm trọng”.
Đe dọa sân bay Tân Sơn Nhất
Những trận mưa lớn trong các ngày vừa qua đang đe dọa sân bay Tân Sơn Nhất. Báo cáo mới nhất về kết quả khảo sát hiện trạng hệ thống thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất, do Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM gửi UBND TP, cho thấy không chỉ tắc nghẽn do rác từ bên ngoài, hệ thống thoát nước trong sân bay cũng còn nhiều vấn đề.
Đe dọa sân bay Tân Sơn Nhất
Những trận mưa lớn trong các ngày vừa qua đang đe dọa sân bay Tân Sơn Nhất. Báo cáo mới nhất về kết quả khảo sát hiện trạng hệ thống thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất, do Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM gửi UBND TP, cho thấy không chỉ tắc nghẽn do rác từ bên ngoài, hệ thống thoát nước trong sân bay cũng còn nhiều vấn đề.
Cụ thể, tuyến cống 1.000mm từ khu vực CTCP Thương mại xăng dầu Tân Sơn Nhất qua mương Nhật Bản, có nhiều đoạn thoát nước kém do vướng chất thải xây dựng của nhiều đơn vị. Đặc biệt, đoạn mương hở phía sau Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) có dấu hiệu xuống cấp, sạt lở. Trong khi hệ thống thoát nước bên trong không đảm bảo, hướng thoát nước phía ngoài sân bay cũng đang bị rác bủa vây, lấn chiếm lòng kênh, mương.
Việc quản lý quy hoạch của cơ quan chức năng còn nhiều bất cập. TPHCM với nền đất yếu, hệ thống kênh rạch chằng chịt, nhưng lại cho xây dựng hàng loạt khu cao ốc, khiến nền đất lún nhanh hơn. Kênh rạch bị lấn chiếm, nhiều năm không được khơi thông làm diện tích sông, hồ bị thu hẹp khiến mực nước dâng cao nhanh hơn. Vì thế nhiều nơi của TP bị ngập khi triều cường lên cao hoặc khi mưa lớn là điều tất yếu. GS.TSKH LÊ HUY BÁ, Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường |
Hiện nay, kênh Hy Vọng cùng với kênh A41 và kênh Nhật Bản là 3 con kênh thuộc hệ thống thoát nước chính của sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, kênh Hy Vọng là hướng thoát nước chính ở phía Bắc sân bay, nhưng đoạn hạ lưu của kênh này ngập kín rác thải các loại từ vật dụng sinh hoạt hàng ngày, chai thủy tinh, thùng xốp đến hàng đống vật liệu xây dựng, khiến cả dòng kênh tắc nghẽn. Chắc chắn trong những trận mưa tới, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bị ngập nước, ảnh hưởng đến các chuyến bay, bởi hệ thống thoát nước đang xuống cấp trầm trọng.
Liên quan đến công tác chống ngập nước của TP, Đại diện Trung Nam Group, chủ đầu tư dự án “Giải quyết ngập do triều cường khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu” giai đoạn 1 quy mô gần 10.000 tỷ đồng, cho biết vừa có thông báo gửi Thường trực UBND TPHCM về việc tạm dừng tiến độ triển khai thi công dự án.
Nguyên nhân do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Nam Sài Gòn đã dừng giải ngân cho dự án. Lý do BIDV dừng giải ngân, theo Trung Nam Group vì UBND TPHCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện thủ tục tái cấp vốn, điều này cũng phù hợp với các quy định trong hợp đồng, nhằm giải quyết dứt điểm thủ tục giữa BIDV và UBND TPHCM trong các vấn đề liên quan. Thời gian tạm ngừng từ ngày 27-4 cho đến khi BIDV và UBND TPHCM hoàn thành thủ tục xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân.
Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng trên được khởi công từ tháng 6-2016, bao gồm 6 cống kiểm soát triều cường lớn với khẩu độ 40-160m là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định. Ngoài ra, dự án chống ngập do triều cường còn có hạng mục đê bao ven sông Sài Gòn (từ Vàm Thuật đến Sông Kinh) dài 7,8km, bảo vệ các đoạn xung yếu, các cống nhỏ dưới đê với khẩu độ 1-10m.
Với mục tiêu chống ngập cho lưu vực rộng 570km2 của TPHCM, dự án dự kiến hoàn thành vào dịp 30-4-2018, song đã không về đích đúng hẹn vì các địa phương chậm bàn giao mặt bằng. Hiện dự án mới hoàn thành khoảng hơn 70% khối lượng công việc.
Sau 18 giờ ngày 7-5 đường số 10 Bình Hưng vẫn còn ngập nước.
Ảnh: CAO THĂNG
Ảnh: CAO THĂNG
Nỗ lực chống ngập, vẫn ngập
Thực trạng ngập nước của TP lâu nay có thể điểm qua các nguyên nhân: việc lấn chiếm sông, kênh, rạch vẫn diễn ra ở hầu hết các địa phương ở TPHCM; việc người dân vô ý thức bức hại hệ thống thoát nước; đặc biệt việc làm các hồ điều tiết quy mô lớn vẫn còn trên giấy và các cống kiểm soát triều cường đang thi công rất ì ạch.
Thực trạng ngập nước của TP lâu nay có thể điểm qua các nguyên nhân: việc lấn chiếm sông, kênh, rạch vẫn diễn ra ở hầu hết các địa phương ở TPHCM; việc người dân vô ý thức bức hại hệ thống thoát nước; đặc biệt việc làm các hồ điều tiết quy mô lớn vẫn còn trên giấy và các cống kiểm soát triều cường đang thi công rất ì ạch.
Theo ghi nhận của ĐTTC, tiến độ thực hiện 3 hồ điều tiết - dự kiến triển khai trong giai đoạn 2016-2020, đến nay chưa có dự án nào thành hình. Trong đó, dự án hồ điều tiết tại khu vực Bàu Cát bị UBND quận Tân Bình phản đối, vì cho rằng khu vực xung quanh đã được đầu tư hệ thống cống, tình hình ngập nước không còn như trước, nên việc xây dựng hồ điều tiết ở đây sẽ lãng phí.
Trong khi đó, đại diện Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TP cho rằng, việc đầu tư hồ điều tiết trên nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, khu vực Bàu Cát gần đây không ngập nặng do ít có những trận mưa lớn, nhưng nếu xảy ra mưa lớn trên 100mm, khu vực này chắc chắn bị ngập và cần đến hồ điều tiết.
Còn dự án hồ điều tiết Khánh Hội (quận 4), dù được tính toán và triển khai từ lâu, đến nay vẫn còn hơn 700 hộ chưa giải tỏa xong. Riêng dự án có quy mô lớn nhất là hồ điều tiết Gò Dưa (quận Thủ Đức), được kỳ vọng giải quyết tình trạng ngập cho cả một khu vực rộng lớn, lại là dự án chậm nhất.
Hiện TPHCM đang triển khai công tác chống ngập theo 2 quy hoạch. Thứ nhất, quy hoạch thủy lợi chống ngập úng theo hướng ngăn triều cường, hỗ trợ thoát nước mưa bằng hệ thống bơm công suất lớn. Theo đó, TP sẽ xây 12 cống kiểm soát triều cường tại các cửa sông lớn và khoảng 170km đê bao. Thứ hai, đến năm 2020 phải đầu tư 6.000km cống nước từ các tuyến đường thoát ra sông, kênh rạch.
Tuy nhiên, 2 quy hoạch này cần có sự đồng bộ mới phát huy được hiệu quả, nghĩa là phải đầu tư đầy đủ hệ thống cống thoát nước để thu nước mưa đổ ra kênh rạch. Từ đó, hệ thống máy bơm tại các cống kiểm soát triều cường sẽ bơm nước ra ngoài. Đến thời điểm hiện tại, TP đang triển khai 6 cống kiểm soát triều cường, khoảng 8km đê bao. Trong khi đó, theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước, hiện chỉ mới đầu tư được 3.600km cống. Vì thế, theo nhiều chuyên gia, vấn đề đặt ra lúc này là cần rà soát lại toàn bộ 2 quy hoạch này để khớp nối với nhau.
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh TPHCM trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm diễn ra vào ngày 2-5 vừa qua, sau khi nghe báo cáo từ cơ quan chuyên môn, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết qua khảo sát một số quận như Gò Vấp, quận 12, Tân Phú... vẫn còn nhiều nơi người dân xây dựng công trình nhà ở trên cống thoát nước.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TP phải chủ động tính đến những giải pháp duy tu, nạo vét cống, bên cạnh việc triển khai các công trình chống ngập trên khắp địa bàn. Chủ tịch TP đề nghị trung tâm chống ngập có kế hoạch chu đáo, chuẩn bị tốt công tác chống ngập khi mùa mưa bắt đầu. Bên cạnh đó trung tâm chống ngập và các quận huyện cần chủ động kết hợp với người dân để xử lý mọi sự cố có thể xảy ra trong mùa mưa.