TPHCM: Chuyện cái vỉa hè, phải trình lên các bộ

(ĐTTCO) - Đề án thu phí vỉa hè được Sở GTVT TPHCM triển khai nghiên cứu từ năm 2007. Để phục vụ cho đề án này, có 2 đề tài nghiên cứu khoa học lớn được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu phát triển TP và Phân viện Khoa học công nghệ Bộ GTVT phía Nam.

Việc thu phí vỉa hè ở TPHCM khi làm đại trà phải làm tờ trình Bộ GTVT và Bộ Tài chính để chờ hướng dẫn.
Việc thu phí vỉa hè ở TPHCM khi làm đại trà phải làm tờ trình Bộ GTVT và Bộ Tài chính để chờ hướng dẫn.

Ngày 19-9-2023, kỳ họp thứ 11 HĐND TPHCM khóa 10 đã thông qua nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn. TP sẽ chính thức thu phí từ ngày 1-1-2024.

Để hiện thực hóa nghị quyết, ngay trong tháng 1-2024, các bộ máy chức năng chuyển động gấp rút. Các lớp tập huấn được tiến hành, các quận huyện cho khảo sát các địa điểm trong 900 tuyến đường được Sở GTVT xác định đủ điều kiện thu phí; các cán bộ đi đo vẽ, kẻ vạch sơn định ranh giới giữa phần cho thuê và phần dành cho người đi bộ; các hộ gia đình có nhu cầu thuê nhận được thông báo họp để thảo luận tạo sự đồng thuận, các hợp đồng được soạn thảo, và đồng loạt các phương tiện thông tin truyền thông vào cuộc nhằm tạo ra dư luận và sự ủng hộ của xã hội.

Tất cả đã sẵn sàng cho giờ G. Nhưng tiến trình đột ngột buộc phải dừng lại vì chưa đủ cơ sở pháp lý. TPHCM phải làm tờ trình Bộ GTVT và Bộ Tài chính để chờ hướng dẫn và gỡ nút thắt này.

Theo Luật Giao thông đường bộ ban hành 2008 và có điều chỉnh các năm sau đó, Mục 1, Điều 36 về sử dụng đường phố và các hoạt động khác trên đường phố quy định, “lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông”, có nghĩa vỉa hè không có chức năng kinh doanh.

Trong trường hợp đặc biệt liên quan đến vỉa hè, UBND cấp tỉnh được quyền ra quy định. Trường hợp đặc biệt được xác định là “Tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ, vỉa hè”, nhưng việc tổ chức này chỉ ngắn hạn và các hoạt động không được làm ảnh hưởng trật tự, an toàn giao thông.

Dù có Nghị quyết 98 nhưng TPHCM vẫn trăn trở với việc làm sao các bộ rút ngắn được quy trình và thời gian, để các quyết sách ra đời sớm, nhanh đi vào cuộc sống.

Như vậy muốn cho thuê vỉa hè phải điều chỉnh Luật Giao thông đường bộ, bổ sung chức năng kinh doanh, thương mại của vỉa hè. Đây là công việc của Bộ GTVT, và rất có thể Chính phủ phải trình Quốc hội.

Đề án này cũng liên quan đến Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ban hành năm 2017 có điều chỉnh, bổ sung. Bởi lẽ vỉa hè đô thị, nhất là ở các TP loại 1 do Trung ương quản lý, là công sản mà cho công ty tư nhân, hộ gia đình thuê phải thông qua Bộ Tài chính, là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài sản công, và là đơn vị chủ trì xây dựng, trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tài sản công (ở đây là vỉa hè).

Trong một văn bản pháp quy khác, là Nghị định 33/2019/NĐ-CP/2019 có quy định để khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như cho thuê, chuyển nhượng, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, lập đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Ngoài ra việc thuê lòng đường, vỉa hè ở những nơi có giá trị cao, phải tổ chức đấu thầu.

Theo thống kê của Sở GTVT, hiện trên địa bàn TP có 4.869 đường rộng từ 5m trở lên, trong đó 2.271 tuyến đường có vỉa hè, 929 tuyến đường vỉa hè có bề rộng trên 3m với chiều dài 673,3km được khai thác. Sở GTVT đã lập danh sách khoảng 900 tuyến đường ở 18 quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ thực hiện việc thu phí. Đồng thời với đó là hàng ngàn hộ dân sẽ phải ký kết các bản hợp đồng thuê vỉa hè với nhiều mức 20.000-350.000 đồng/m2/tháng.

TPHCM dự tính thu được hơn 1.500 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách. Điều đó cho thấy đây là đề án lớn, cần có sự hướng dẫn của các bộ chức năng, cũng như cần được tính toán kỹ lưỡng để duy trì thành quả lâu dài, bền vững.

Thế nhưng, với những rắc rối về thủ tục, TPHCM chưa thể triển khai ngay đề án thu phí vỉa hè, phải làm tờ trình lên 2 bộ và chờ đợi phản hồi, thời gian có thể 6 tháng hoặc hơn. Vậy bao lâu đề án sẽ tiếp tục triển khai?

Điều này thật khó nói trước, vì vấn đề vượt quá thẩm quyền của TPHCM, và nếu như sửa Luật Giao thông có thể tính bằng năm. Đã có ý kiến đề nghị áp dụng Nghị quyết 98 vào trường hợp này. Bởi theo Điều 5, Mục 1 về chính sách phí, lệ phí, HĐND TPHCM có quyền quyết định áp dụng trên địa bàn: phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Tuy nhiên, nghị quyết không thể cao hơn luật, do vậy TPHCM vẫn phải trình các bộ có chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành để được hướng dẫn và hỗ trợ…

Việc phân quyền đang được tiến hành sâu rộng, nhưng khác với các nước là họ phân quyền theo lãnh thổ, có nghĩa bộ máy lãnh đạo có toàn quyền chịu trách nhiệm mọi hoạt động diễn ra trên địa bàn họ quản lý. Còn ở nước ta phân quyền theo cấp, có nghĩa phân quyền sâu rộng đến đâu vẫn phải đảm bảo sự thống nhất cao từ Trung ương đến địa phương, nhất là các chính sách liên quan đến ”quốc kế, dân sinh”.

Các bộ chức năng là nơi đảm bảo các dự án, đề án, các sáng kiến không đi chệch khỏi quỹ đạo quốc gia. Do vậy, các tỉnh thành dù muốn hay không vẫn cần đến 22 bộ và cơ quan ngang bộ. Điều quan trọng ở đây là làm sao việc trình báo qua các bộ với thời gian ngắn hơn, giản lược hơn và nếu cần đến Thủ tướng nhanh hơn, không bị ngâm và không bị hành.

Ngoài việc các bộ phải tiến hành cải cách, thu gọn đầu mối, nâng cao chất lượng phục vụ, cần tính đến thay đổi quy trình theo hướng rút gọn và giản lược. Vì thế, dù có Nghị quyết 98 nhưng TPHCM vẫn trăn trở với việc làm sao các bộ rút ngắn được quy trình và thời gian, để các quyết sách ra đời sớm, nhanh đi vào cuộc sống.

Các tin khác