TPHCM: 'Cỗ xe' kinh tế đã sẵn sàng tăng tốc

(ĐTTCO) - Nửa đầu năm 2023, các động lực tăng trưởng đã phần nào TPHCM "hóa giải" thành công, thậm chí có phần ngoạn mục, trong đó đầu tư công là điểm sáng đầy ấn tượng.
TPHCM: 'Cỗ xe' kinh tế đã sẵn sàng tăng tốc

Ngay cả khi Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 6 “cơn gió ngược” đang cản trở sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và Việt Nam thì các tổ chức quốc tế vẫn đưa ra nhận định tăng trưởng của Việt Nam cao nhất trong các nước Đông Nam Á với mức dự kiến 6-6,5%.

Cơ sở cho nhận định nói trên chính là sự phục hồi và mở cửa toàn diện của kinh tế Trung Quốc (nhất là trong lĩnh vực du lịch và thương mại) và các gói đầu tư công lớn của chính phủ đang được đẩy mạnh thực thi.

Lời cam kết đó được hiện thực hóa bằng 2 sự kiện quan trọng, cũng là 2 đầu việc lớn đã được TPHCM khởi động trong tháng 6 và quý 2, là khởi công dự án đường Vành đai 3 TPHCM (cùng hàng loạt dự án giao thông kết nối có tính trọng điểm quốc gia đồng khởi công) và nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM với 7 nhóm chính sách vượt trội được Quốc hội thông qua, sẽ là khởi đầu cho thời kỳ “cất cánh” của thành phố.

Cả 2 sự kiện - đầu việc trọng yếu này là đòn bẩy để kích hoạt, tháo nút, thúc đẩy cho nhiều ngành, lĩnh vực, địa bàn khác cùng lưu thông, chuyển động. Đầu tiên là việc khởi động lại các dự án cho vay kích cầu, tập trung các lĩnh vực sản xuất, thúc đẩy tiêu dùng, cũng như các dự án trong lĩnh vực mới về logistics, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Yếu tố thứ 2 là khởi động lại các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị do vướng giải phóng mặt bằng, vướng cơ chế BT và BOT (trên đường hiện hữu) như các tuyến còn lại của Vành đai 2, nút giao An Phú, cầu đường Nguyễn Khoái…

Thứ 3, tiếp tục phân cấp ủy quyền cho quận, huyện và TP Thủ Đức để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, giải quyết các thủ tục dự án.

Cuối cùng là việc xây dựng và triển khai các phương án tạo thêm nguồn thu cho ngân sách TPHCM để phục vụ chi đầu tư phát triển như xúc tiến đấu giá lại các lô đất Thủ Thiêm, phát hành trái phiếu đô thị - công trình, cải cách các doanh nghiệp nhà nước của TP.

Sự chuyển động của “vốn mồi” đầu tư công đã chuyển đổi tích cực mặt bằng tiêu dùng, dịch vụ; cộng với lạm phát được kiểm soát nên trong quý II, hầu hết các chỉ số đều có xu hướng được cải thiện so với quý 1 (sản xuất công nghiệp, doanh thu bán lẻ, tổng kim ngạch xuất/nhập khẩu). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 298.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 9% so với quý I và cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đẩy mạnh các chương trình kích cầu, hội chợ mua sắm, TPHCM gia tăng việc kết nối với các tỉnh, thành để tiêu thụ hàng hóa là kết quả tích cực của việc xúc tiến thương mại trong nước. Cùng với đó, 2 kênh thương mại trực tiếp và thương mại trực tuyến đều phát huy mãi lực cộng với xu hướng giảm lạm phát đã góp phần vào tỷ lệ tăng trưởng khu vực dịch vụ, riêng nó đã đóng góp 86% vào tốc độ tăng GRDP nửa đầu năm của TP.

Với tinh thần “lộ thông, tài thông”, trong 6 tháng cuối năm 2023 (và những năm kế tiếp), thành phố sẽ tiếp tục tăng tốc đầu tư cho hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông liên vùng. Lộ trình này được trợ lực từ đòn bẩy nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 và “hoa tiêu” Nghị quyết 31, Nghị quyết 24.

Cùng với đó là tiếp tục nghiên cứu và đồng chuẩn bị các đề án, kế hoạch, dự án quan trọng, mang tính đột phá của phát triển thành phố những năm sắp tới để thông qua hoặc trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định cả về quy hoạch, xây dựng thể chế đến khởi động các dự án trọng điểm quốc gia tại Cần Giờ, Thủ Đức, và thúc đẩy các xu hướng phát triển mới về kinh tế xanh, kinh tế số.

“Cỗ xe" kinh tế của TPHCM đang chuyển động và tăng tốc, bất chấp các "cơn gió ngược".

Các tin khác