Đến nay, sức mua bán lẻ đã trở về mức tương đương so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Cùng với đó là sự cải thiện đáng kể trong thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; với vốn đầu tư thực hiện xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện tháng 5 là 2.419,5 tỷ đồng, tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Điều này phần nào phản ánh “sức dân”, “lực nước” có chuyển động, tăng tốc, dù tình hình chung vẫn nhiều khó khăn, như lạm phát chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát cơ bản tiếp tục giảm nhẹ, nhưng lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao; dòng vốn FDI chậm lại do tác động của những bất ổn toàn cầu lên niềm tin lẫn năng lực của nhà đầu tư.
Trong khi đó, ngược với đà suy giảm của sản xuất công nghiệp cả nước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) TPHCM lại tăng 1,5% (so với tháng 4) và 5,5% (so với cùng kỳ) trong tháng 5. Nếu tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số IIP trên địa bàn thành phố tăng 1,6% so với cùng kỳ.
Cũng như thương mại hàng hóa, trong tháng 5, xuất khẩu hàng hóa cả nước vẫn thấp hơn 6% so với một năm trước. Nhập khẩu giảm 18,4% (so với cùng kỳ), thể hiện sự sụt giảm liên tục của các yếu tố đầu vào nhập khẩu - cho thấy khu vực doanh nghiệp dự đoán hoạt động xuất khẩu sẽ còn yếu trong những tháng tới.
Trong khi TPHCM duy trì tốc độ tăng trưởng tốt với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm qua cửa khẩu cả nước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm ước đạt 28,4 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất tái cấp vốn từ 5,5% xuống 5% và lãi suất cho vay qua đêm từ 6,0% xuống 5,5% nhưng tăng trưởng tín dụng của cả nước tiếp tục chậm lại, giảm 9,0% (so với cùng kỳ) trong tháng 5...
Riêng TPHCM, với sự điều hành linh hoạt theo chủ trương linh hoạt điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã có tín hiệu cải thiện về tăng trưởng tín dụng có xu hướng được cải thiện. Tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tính đến hết tháng 5 đạt 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 0,8% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng ước tính đến 31-5 đạt 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ.
Tất nhiên,TPHCM vẫn đối diện không ít áp lực khi tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giảm, trong khi tổng chi lại tăng, dẫn tới thu đủ chỉ tiêu ngân sách sẽ là một nhiệm vụ nhiều thách thức.
Do đó, cả nước nói chung, TPHCM nói riêng dù đã có những cải thiện đáng kể về kiểm soát kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng các ngành chủ lực, thúc đẩy hiệu quả đầu tư công; song với nhu cầu thấp của thị trường toàn cầu thì chắc chắn xuất nhập khẩu sẽ bị thu hẹp, sản xuất công nghiệp tiếp tục chậm lại, nguồn cung suy yếu. Điều này dẫn tới khan hiếm việc làm nên lại đặt ra chính sách tìm kiếm việc làm thay thế và kích hoạt hệ thống bảo trợ xã hội - an sinh đủ sức “phủ sóng” lên người lao động.
Trong 6 tháng còn lại của năm 2023, nỗ lực thực thi sẽ phải tiếp tục đi cùng nhận diện rõ những nguy cơ tiềm ẩn lẫn cơ hội tiềm năng. Trong đó quyết liệt hợp lý hóa các thủ tục hành chính, loại bỏ các rào cản pháp lý để khơi thông sức phát triển.
Cần làm rõ vì sao nhu cầu tiêu dùng trong nước ổn định, khá bền vững nhưng nhu cầu tín dụng lại yếu và thấp? Vì sao doanh thu bán lẻ luôn tăng trưởng tốt thì doanh thu dịch vụ lại giảm? Phải chăng một trong các nguyên nhân chính là do sự tăng trưởng chậm lại của các dịch vụ du lịch và dịch vụ khách sạn.
Các số liệu trên khẳng định lại các mục tiêu của TPHCM là tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn; ưu tiên đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số và công nghệ xanh, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để thúc đẩy sự phát triển bền vững lâu dài.