Cơ bản hoàn thành hỗ trợ lao động tự do
Phóng viên: Thưa ông, có bao nhiêu người dân đã được nhận tiền hỗ trợ của TPHCM?
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM LÊ MINH TẤN: Từ ngày 5-7 đến nay, có gần 236.000 trong tổng số 237.500 lao động tự do đã nhận được hỗ trợ. Các quận, huyện và TP Thủ Đức tích cực tới nhà người dân chi trả tiền hỗ trợ, trong đó có nỗ lực chi hỗ trợ tới gần 10.000 người ở các khu cách ly, phong tỏa.
Nhiều quận, huyện tổ chức chi trả đến 22 giờ đêm như quận 5, huyện Nhà Bè nhằm kịp thời chuyển tiền hỗ trợ tới người dân. Mỗi lao động tự do được nhận 1,5 triệu đồng (50.000 đồng/ngày). Như vậy, đến nay có gần 100% lao động tự do được nhận hỗ trợ trong đợt này và TPHCM cơ bản hoàn thành việc chi hỗ trợ đối với lao động tự do.
- Không ít NLĐ tự do phàn nàn là chưa nhận được tiền hỗ trợ. Ông giải thích sao về việc này?
- Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM có quy mô 886 tỷ đồng, hỗ trợ 6 nhóm đối tượng. Trong đó, đối với lao động tự do là người làm các công việc cụ thể như: người buôn gánh bán bưng, thu gom rác, bốc vác, bán vé số, xe ôm truyền thống…
Nhận được hỗ trợ là những người mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/người/tháng và cư trú hợp pháp trên địa bàn TPHCM. Theo quy định của Luật Cư trú, công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phường, xã, thị trấn nơi đăng ký thường trú từ 30 ngày trở lên phải đăng ký tạm trú.
Luật đã quy định rõ ràng và khi chúng ta thượng tôn pháp luật thì sẽ hưởng các quyền lợi tương xứng. Thực tế, có trường hợp cư trú tại TPHCM từ nhiều năm nhưng chưa đăng ký thường trú, tạm trú, khiến quyền lợi bị ảnh hưởng.
- Nhiều lao động tự do cho biết, họ chưa có được xác nhận của chủ hộ kinh doanh, chủ cơ sở kinh doanh bởi chủ cơ sở đang về quê nghỉ tránh dịch Covid-19. Thủ tục phải chăng còn phức tạp, thưa ông?
-Đối với NLĐ tự làm công việc (không phụ thuộc vào hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh) thì phường, xã, thị trấn lập danh sách và làm hồ sơ, NLĐ không phải làm thủ tục. Đối với NLĐ làm thuê tại các hộ, các cơ sở thì chủ sử dụng lao động lập danh sách và gửi tới phường, xã, thị trấn.
Nếu chủ cơ sở đi vắng thì phường, xã, thị trấn - nơi hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh trú đóng và NLĐ tự do đến làm việc - lập ngay danh sách hỗ trợ đối với NLĐ tự do mà không cần xác nhận của chủ hộ, chủ cơ sở. Trường hợp NLĐ tự do ở quận này sang quận khác làm việc nếu chưa nhận hỗ trợ ở địa phương nơi đến làm việc thì phường - nơi NLĐ cư trú hợp pháp - vẫn lập ngay danh sách hỗ trợ, không cần xác nhận của chủ cơ sở.
Đề xuất hỗ trợ thợ hồ, bảo vệ, giúp việc nhà, bán báo dạo…
-Đối với những NLĐ không nằm trong 6 nhóm đã nêu trong Nghị quyết 09, TPHCM có sự chia sẻ gì không?
-Hiện nay, nhiều NLĐ tự do, khoảng 27.000 người - nằm ngoài 6 nhóm hỗ trợ đã nêu trong Nghị quyết 09. Đó là những người phụ hồ, bảo vệ, giúp việc nhà, bán báo dạo… Họ chưa nhận được hỗ trợ và đời sống đang rất khó khăn.
Thấu hiểu điều đó, Sở LĐTB-XH TPHCM đang xem xét, đề xuất TPHCM bổ sung hỗ trợ những lao động này từ nguồn Quỹ phòng chống dịch Covid-19. Nếu đề xuất được thông qua, dự kiến những NLĐ này sẽ nhận được hỗ trợ từ ngày 25-7 trở đi. TPHCM sẽ cố gắng hỗ trợ tối đa, không để một ai vì tác động của dịch Covid-19 mà rơi vào cảnh khốn khổ, khó khăn.
-Việc hỗ trợ đối với người có hợp đồng lao động mà đang ngừng việc, nghỉ việc đang thực hiện đến đâu?
-Ngay khi hoàn thành chi hỗ trợ đối với NLĐ tự do, TPHCM tập trung chi hỗ trợ cho công nhân ở các khu chế xuất - khu công nghiệp và các doanh nghiệp (DN) đóng trên địa bàn các quận, huyện.
Đó là những lao động ở các DN đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (khoảng 68.000 người); NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (24.000 người). Đồng thời, chi hỗ trợ tới 60.000 điểm kinh doanh ở các chợ truyền thống và khoảng 10.000 hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động.
Với lao động có hợp đồng thì trách nhiệm lập danh sách, làm hồ sơ thuộc về DN, NLĐ cũng không phải làm thủ tục. Việc chi hỗ trợ NLĐ tại các DN được triển khai nhanh gọn trong 10 ngày (từ 16-7 đến 25-7). Trong đó, dự kiến đến ngày 19-7, có khoảng 50% NLĐ thuộc diện trên sẽ nhận được hỗ trợ. Tiền được chuyển khoản thẳng tới NLĐ.
-TPHCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Vậy những NLĐ đã nhận hỗ trợ trong 30 ngày TPHCM giãn cách theo Chỉ thị 15 có được nhận thêm tiền hỗ trợ trong những ngày áp dụng Chỉ thị 16 hay không?
-Tôi khẳng định là NLĐ sẽ được nhận thêm hỗ trợ cho những ngày TPHCM áp dụng Chỉ thị 16. Từ ngày 1-5 đến ngày 31-12, cứ bao nhiêu ngày TPHCM giãn cách, NLĐ sẽ được hỗ trợ bấy nhiêu ngày. TPHCM đã chi trả hỗ trợ đối với 30 ngày đầu tiên (đợt 1).
Dự kiến, từ ngày 25-7, TPHCM tập trung hỗ trợ đối với NLĐ cho những ngày giãn cách theo Chỉ thị 16. Đồng thời với chi trả gói hỗ trợ 886 tỷ đồng của TPHCM, TP cũng trích ngân sách TP để thực hiện hỗ trợ theo gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Nguyên tắc là trường hợp người được hỗ trợ thuộc diện hưởng từ 2 chế độ trở lên thì chỉ được hưởng 1 chế độ hỗ trợ (1 diện) cao nhất.
Các mốc đáng chú ý: - Đợt 1, từ 5-7 đến 15-7: hỗ trợ NLĐ tự do (trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 15). Từ 16-7 đến 25-7: hỗ trợ NLĐ có hợp đồng (trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 15); hỗ trợ các điểm kinh doanh tại chợ truyền thống, hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động. - Đợt 2, từ 25-7 trở đi: hỗ trợ cho NLĐ tự do, NLĐ có hợp đồng, điểm kinh doanh tại chợ truyền thống, hộ kinh doanh cá thể trong những ngày giãn cách theo Chỉ thị 16. Đồng thời, dự kiến bổ sung diện hỗ trợ là những NLĐ tự do nằm ngoài 6 nhóm hỗ trợ theo Nghị quyết 09. |