Ngày 12.1, Sở Công thương TP.HCM báo cáo UBND TP.HCM về việc đề xuất hình thành phố ẩm thực hàng rong trên đường Vĩnh Khánh (Q.4). Theo đó, các sở ngành thống nhất hình thành phố ẩm thực này.
Để công tác tổ chức phố ẩm thực hàng rong Vĩnh Khánh đạt hiệu quả, theo ý kiến của các sở ngành, UBND Q.4 phải có các phương án cụ thể về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, giao thông công cộng, vệ sinh môi trường… phù hợp với quy định hiện hành và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, UBND thành phố thống nhất chủ trương để Q.4 tổ chức phố ẩm thực Vĩnh Khánh nhằm thực hiện chỉnh trang đô thị, sắp xếp, bố trí các hộ kinh doanh trên tuyến đường Vĩnh Khánh; đồng thời tạo địa điểm vui chơi, giải trí cho người dân thành phố, du khách nói chung và Q.4 nói riêng.
UBND Q.4 cho biết việc hình thành phố ẩm thực Vĩnh Khánh nhằm phát triển ngành du lịch trên địa bàn Q.4 giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu lâu dài. Do đó, quận đã xây dựng kế hoạch, phương án phù hợp đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu đề ra.
Dự kiến trong quý 1.2018 phố ẩm thực Vĩnh Khánh sẽ đi vào hoạt động. Theo đó, sẽ đảm bảo phương án giữ xe, phân luồng giao thông, an ninh trật tự… phù hợp, thuận tiện và đảm bảo an toàn cho thực khách đến tham quan tại khu vực.
Đặc biệt, công tác về kiểm soát hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ… sẽ được thực hiện nghiêm. Các hộ kinh doanh phải tuân thủ chặt chẽ quy định an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến, kinh doanh ăn uống.
Trong năm 2017, song hành với “chiến dịch” giành lại vỉa hè, UBND Q.1 đã hình thành 2 khu vực buôn bán hàng rong tại đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp (P.Bến Nghé, Q.1). Nhiều người dân Q.1 buôn bán hàng rong được bố trí vào 2 khu vực này để có cơ hội mưu sinh, hoạt động quy củ trong những tháng vừa qua.
Theo một lãnh đạo UBND TP.HCM, thành phố không khuyến khích bán hàng rong tự phát trên các tuyến phố. Theo vị lãnh đạo này, đa phần người bán hàng rong ở thành phố có hoàn cảnh khó khăn, đến từ các địa phương khác.
Tuy nhiên, tại TP.HCM nói chung hiện có rất nhiều việc để làm (công nhân may, giúp việc nhà, giúp việc quán ăn, nhà hàng…), chứ không nhất thiết cứ phải đổ xô ra vỉa hè như hiện nay, bởi ai cũng đổ xô ra chiếm hết vỉa hè thì không có đô thị nào chịu nổi. Việc kinh doanh hàng ăn uống tự phát trên vỉa hè phát sinh hình ảnh nhếch nhác, mất an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt là mất mỹ quan đô thị.