TP.HCM sẽ hỗ trợ nâng cấp nhà trọ

(ĐTTCO)-Sở Xây dựng TP.HCM cho biết sau khi kiểm tra, phân loại chất lượng nhà trọ, sở sẽ có đề xuất đến UBND TP những chính sách hỗ trợ để các chủ nhà trọ sửa chữa, nâng cấp giúp công nhân, người lao động có chỗ ở tốt hơn.
Người lao động thuê nhà trọ sinh sống tại TP Thủ Đức - Ảnh: HOÀNG AN
Người lao động thuê nhà trọ sinh sống tại TP Thủ Đức - Ảnh: HOÀNG AN

Chúng tôi tìm đến khu trọ ở đường số 8, khu phố 4, phường Tân Tạo A, Q.Bình Tân, nhà trọ mọc lên san sát với giá thuê bình dân.

Phòng 10m2, ở mấy người cũng được!

Ở đây, một lô đất có chiều ngang chừng 4-5m cũng thành một dãy phòng trọ có chung lối đi hơn 1m. Sau đợt dịch, nhiều người về quê nên đa số các khu trọ treo bảng "còn phòng" kèm số điện thoại chủ nhà. 

Một người đàn ông khoảng 50 tuổi đến mở cửa cho khách xem phòng. Ngoài phòng đầu tiên có mặt quay ra đường lớn, các phòng còn lại cửa nhìn ra lối đi chung và bức tường cao của nhà bên cạnh. 

Đang giữa trưa mà đường vô các phòng trọ tối âm u bởi chỉ có ánh sáng yếu ớt từ đầu và cuối dãy trọ. Đường đi cũng là nơi giăng dây phơi áo quần.

Căn phòng rộng 9m2 kể cả bếp và nhà vệ sinh, thêm căn gác lửng rộng khoảng 5m2 đi lên bằng thang sắt dựng sát vách tường. Buồng vệ sinh không có cửa, giá thuê 1,4 triệu đồng/tháng, điện 3.500 đồng/kWh, nước 15.000 đồng/m3 và... không giới hạn số lượng người ở. 

"Những phòng khác có 1-3 người, phổ biến là hai vợ chồng và một con nhỏ, ở bốn người cũng được. Nhiều người đã ở đây trên 10 năm" - chủ trọ cho biết.

Một dãy trọ gần đó, một trệt một lầu bằng khung thép có cả thảy 20 phòng. Tầng trệt, 10 phòng đối diện nhau, giữa là lối đi hơn 1m, cũng là đường đi lên lầu qua cầu thang sắt cuối dãy. Giữa trưa, nhiều phòng trọ vẫn mở đèn, phòng không có đèn thì tối om, nhìn không rõ mặt người bên trong. 

Áo quần treo phơi ngay trên đầu người đi, xe máy và nhiều thứ cồng kềnh để trước cửa, lối đi càng thêm chật. Một phòng trên lầu rộng hơn 10m2, không có gác, buồng vệ sinh không cửa. 

"Chị muốn ở mấy người cũng được, ở đây được đăng ký tạm trú. Muốn có chỗ phơi áo quần có nắng, có cửa sổ ánh sáng trời thì qua mấy khu cao cấp. Khu này dành cho công nhân, mặt bằng chung chỉ vậy", chủ nhà phân trần.

Phân loại để hỗ trợ

Sở Xây dựng cho biết đã triển khai kế hoạch kiểm tra, rà soát tình hình xây dựng nhà trọ, nhà ở cho người lao động. 

Theo đó, sở sẽ thực hiện kiểm tra trong vòng 20 ngày, các tổ công tác sẽ rà soát tình hình thực tế về xây dựng tại nhà trọ các quận, huyện và phân loại dựa trên tiêu chí về nhà ở cho công nhân, người lao động thuê do Sở Xây dựng ban hành năm 2020. 

Sau đó, các tổ sẽ tổng hợp, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ và nâng cao chất lượng nhà trọ, nhà ở cho công nhân thuê, góp phần bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch COVID-19.

Một cán bộ Sở Xây dựng cho biết trước mắt, nhà trọ không đạt tiêu chuẩn sẽ được phân loại các dạng vi phạm (vi phạm về diện tích, về kết cấu, thông thủy, chiếu sáng, môi trường, vệ sinh...). 

Những trường hợp nào có thể cải tạo, sửa chữa hay điều chỉnh cho đạt tiêu chí thì Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ để chủ nhà trọ sửa chữa, cải tạo cho phù hợp với tiêu chuẩn. Ví dụ như có những khu nhà trọ mà chủ nhà cần vài trăm triệu mới cải tạo đúng chuẩn thì họ không có tiền để làm, Nhà nước có thể hỗ trợ vay tiền cải tạo nhà trọ với lãi suất ưu đãi.

Theo quy định, khi xây dựng nhà trọ, các chủ trọ phải thực hiện đúng chuẩn theo hướng dẫn. Nhưng thực tế rất nhiều phòng không đủ chuẩn, không đủ diện tích bình quân 5m2/người... và các cơ quan chức năng kiểm tra không chặt chẽ. 

Nhiều trường hợp công nhân chấp nhận ở đông người để giảm tiền thuê nhà hằng tháng, chủ trọ cũng tăng thêm một khoản thu nên đôi bên đồng ý với nhau cùng vi phạm. 

Sau khi kiểm tra, Nhà nước có phương án hỗ trợ, những nhà trọ đủ chuẩn sẽ được Nhà nước công nhận và công bố. Phần còn lại là ý thức của người thuê nhà và việc "hậu kiểm" của địa phương.

8b

Sửa sang nhà trọ để đón khách thuê mới - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Diện tích không thấp hơn 5m2/người

Theo hướng dẫn của Sở Xây dựng TP.HCM, phòng trọ, nhà ở cho công nhân, người lao đông thuê có diện tích sử dụng không được nhỏ hơn 10m2, chiều rộng không dưới 2,4m, chiều cao không dưới 2,7m, phòng ở phải có cửa đi, cửa sổ thông gió và chiếu sáng tự nhiên.

Tường bao, tường ngăn, mái nhà làm bằng vật liệu phòng cháy và chống thấm, nền nhà phải lát gạch hoặc láng vữa ximăng và phải cao hơn mặt đường, mặt sân. Diện tích sử dụng bình quân không nhỏ hơn 5m2/người. Phòng phải có đèn đủ sáng. Nếu phòng ở khép kín khu vệ sinh phải có vách ngăn với chỗ ngủ.

Chỉ Nhà nước lo không xuể!

* Sắp tới, người lao động (NLĐ) sẽ trở lại TP.HCM. Giải pháp nào để bảo đảm đủ chỗ ở tươm tất hơn và an toàn phòng dịch?

- Chuyên gia Lê Văn Thành, nguyên trưởng phòng nghiên cứu văn hóa - xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM: Trước mắt, Nhà nước tạo điều kiện cho các chủ nhà trọ cải tạo các khu nhà trọ cho đủ chuẩn theo quy định, tức phải có đủ điều kiện về diện tích, khoảng cách, thông gió, thoáng khí, phòng cháy chữa cháy. Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách cho họ vay lãi suất ưu đãi, vay chính sách, giảm thuế.

Doanh nghiệp (DN) chi ra thêm một khoản tiền để hỗ trợ chỗ ở cho NLĐ. NLĐ nhận khoản hỗ trợ này và cam kết phải thuê nhà ở trong những khu trọ đủ chuẩn.

Công nhân phải đăng ký địa chỉ thuê nhà trọ để DN giám sát, có thể bị cắt khoản tiền hỗ trợ chỗ ở nếu vi phạm. Những khu nhà trọ không đủ chuẩn sẽ không được cho thuê và không có đăng ký tạm trú, công an kiểm tra cư trú và chủ nhà sẽ bị phạt nếu cho ở... chui.

Nhiều lần vi phạm, chủ nhà trọ sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.

* Nếu thực hiện giải pháp này, trình tự như thế nào?

- Chính quyền nên bắt đầu từ nơi đông công nhân. Cần phải có thời gian và lộ trình, nơi nào trọng tâm, trọng điểm sẽ làm trước. Cấp quận, huyện hoặc cấp TP đứng ra thực hiện một vài nơi, theo dõi để ra được một mô hình chuẩn.

Sau đó ban hành một quy trình chặt chẽ để những nơi khác cùng làm theo. Các khu nhà trọ không tập trung, NLĐ tự do thuê sẽ do UBND phường đứng ra giám sát, chủ nhà trọ cải tạo phòng trọ và cam kết với UBND phường không cho ở quá đông người.

NLĐ đang trở lại TP. Nếu chính quyền không có biện pháp gì, mọi việc sẽ tái diễn như cũ. Sau đợt dịch vừa rồi, nhận thức của các bên cũng thay đổi rất nhiều. Vì vậy chính quyền phải bàn nhanh các giải pháp và bắt tay thực hiện ngay.

Theo tôi, đã đến lúc chúng ta phải tiến dần đến việc áp dụng các điều kiện về cư trú tại các đô thị lớn chứ không thể để như lâu nay được: chấp nhận đến đô thị lớn làm việc thì phải chấp nhận những điều kiện tối thiểu như có việc làm và có chỗ ở tươm tất, đủ chuẩn. Nói cách nào đó là "hợp thức hóa" mọi điều kiện ăn, ở, làm việc cho người lao động ngoại tỉnh.

* Về căn cơ lâu dài, chính quyền vẫn phải tính việc xây nhà lưu trú cho công nhân, thưa ông?

- Ngoài việc phải quy hoạch đất để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân tại các khu vực tập trung nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất lớn, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho DN.

Chi phí xây dựng nhà lưu trú phải được hạch toán dần vào chi phí DN, DN có nhà lưu trú cho công nhân sẽ được hưởng ưu đãi thuế suất trong một thời gian nhất định... Các thủ tục xây dựng nhà lưu trú cho công nhân sẽ được chính quyền thực hiện nhanh, thậm chí phải "bao lo thủ tục" để mời DN xây nhà.

Trong cơ chế thị trường, nếu có nhiều bên tham gia sẽ làm nhẹ gánh tài chính của ngân sách. Xây nhà trọ cho thuê cũng là một hình thức làm kinh tế gia đình. Tư nhân sẵn sàng bỏ vốn ra làm theo quy chuẩn của Nhà nước. Tôi nghĩ việc kiểm soát cũng rất dễ khi có đủ quy chuẩn.

Nếu ngày xưa công nhân bỏ ra 500.000 đồng/tháng để thuê chỗ ở trong một phòng trọ 15m2 có 4 người ở thì giờ họ phải bỏ ra khoảng 800.000 - 1 triệu đồng/tháng để thuê chỗ ở tốt hơn.

Nếu doanh nghiệp hỗ trợ thêm, chủ nhà trọ không tăng giá, NLĐ được ở trong điều kiện thông thoáng hơn, an toàn hơn. Mỗi bên nhân nhượng, hy sinh một chút, rõ ràng sẽ có lợi ích hài hòa. Nhà nước không lo hết nổi, DN khó gánh một mình, càng không thể để cho công nhân tự lo.

Các tin khác