Niềm vui khi có sổ hồng
Sau gần 10 năm mua căn hộ tại dự án chung cư 5 tầng ở phường Tân Thới Nhất (quận 12), ông Bình chính thức được cấp GCN. Đó là một quãng thời gian khá dài chờ đợi không chỉ riêng của ông Bình, mà của vài trăm con người ở chung cư này. Ông Bình chia sẻ nỗi nhọc nhằn để có được sổ hồng, đó là khi mua căn hộ xong, tất cả thủ tục và nghĩa vụ tài chính, hợp đồng… đều đầy đủ, nhưng GCN thì vẫn cứ chờ. Nhiều lần kiến nghị lên chủ đầu tư, UBND quận, rồi UBND TPHCM. Nhiều cuộc họp diễn ra, cuối cùng những vướng mắc được tháo gỡ.
“Có GCN mình giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày, như đăng ký tạm trú, việc học hành của con cái, lớn hơn nữa là cầm cố, vay mượn bằng chính căn hộ của mình để lấy vốn làm ăn, giải quyết cuộc sống khó khăn cho gia đình”- ông Bình nói.
Tâm trạng của người dân ở chung cư 5 tầng nói trên, cũng là tâm trạng chung của nhiều người dân khi nhận GCN sau nhiều năm chờ đợi. Tại một khu đô thị mới ở quận 7, anh Vinh sau khi nhận GCN cho biết, ngôi nhà anh mua đóng tiền đầy đủ, ở cả chục năm nhưng có cảm giác cứ như “ở trọ” trên chính nhà mình. Cho đến khi cầm được GCN trên tay lúc đó mới có cảm giác là nhà của mình.
Việc liên thông giữa cơ quan thuế với các chi nhánh VPĐKĐĐ đã có quy chế phối hợp, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, sắp tới Sở TN-MT sẽ báo cáo lãnh đạo UBND TPHCM để tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại hiện nay. Nếu làm quyết liệt như vậy mới đạt được tỷ lệ hồ sơ đúng hẹn 98% như UBND TPHCM đã giao.
Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG,
Giám đốc Sở TN-MT TPHCM
Dù việc nhận sổ hồng cho chính căn nhà của mình là chuyện hiển nhiên, nhưng với nhiều người đây thật sự là niềm vui. Thực tế nhiều dự án nhà ở tại TPHCM vì nhiều nguyên nhân, mà người mua nhà - nhận nhà - vào ở có khi đến 20 năm sau mới được cấp GCN.
Không riêng người dân khi nhận GCN mới “vỡ òa”, mà nhiều vị chức sắc tại các cơ sở tôn giáo sau nhiều năm được cấp GCN cũng vui mừng không kém. Chia sẻ niềm vui sau khi nhận GCN trong năm 2023, Thượng tọa Thích Minh Hóa, Pháp viện Minh Đăng Quang (TP Thủ Đức) vui mừng cho biết: “Hôm nay là một ngày đặc biệt, là ngày vui không chỉ riêng của Pháp viện mà còn của tất cả 30 cơ sở tôn giáo được trao GCN đợt này. Khi có GCN, chúng tôi sẽ tiến hành cho tu bổ, xây dựng thêm cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của tôn giáo, của nhân dân”.
Khắc phục tình trạng chậm trễ
Theo Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM (VPĐKĐĐ), đơn vị đã tiếp nhận giải quyết cấp GCN cho 575 dự án, với tổng 206.204 căn nhà, trong đó Sở TN-MT đã tiếp nhận hồ sơ 137.545 căn nhà. Đến nay, Sở TN-MT đã cấp GCN cho 127.833 căn nhà, chưa cấp 9.658 căn, và số lượng chưa nộp hồ sơ là 78.371 căn nhà. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn của toàn hệ thống VPĐKĐĐ đối với tất cả thủ tục hành chính là 5,76%.
Về nguyên nhân trễ hạn có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, trong đó chủ yếu là chủ quan. Đơn cử công tác phối hợp với cơ quan thuế, đó là thời gian giải quyết hồ sơ của Chi cục Thuế TPHCM, kể cả thời gian trả hồ sơ yêu cầu chỉnh sửa, phần nhiều bị trễ so với thời gian quy định. Nhiều trường hợp yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ không theo quy định tại Thông tư liên tịch số 88/2016/TTLT-BTC-BTNMT ngày 22-6-2016. Bên cạnh đó, Chi cục Thuế TPHCM phải xác minh giá mua bán đối với đa số hồ sơ chuyển nhượng, dẫn đến hồ sơ của chi nhánh VPĐKĐĐ thường xuyên bị trễ hẹn.
Cũng theo VPĐKĐĐ, công tác phối hợp với các UBND cấp xã và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện còn chưa “ăn ý”. Các trường hợp nhà đất cấp GCN lần đầu đa phần đều là những trường hợp có vướng mắc về pháp lý (giấy tờ, nguồn gốc nhà đất không rõ ràng, mua bán bằng giấy tay, thừa kế có yếu tố nước ngoài, có phát sinh thay đổi hiện trạng nhà không phép, sai phép), nên quá trình nghiên cứu, thụ lý, xác minh hồ sơ cũng mất nhiều thời gian.
Một số UBND phường, xã và các phòng ban chuyên môn trả lời xác minh về nguồn gốc, thông tin quy hoạch bị chậm trễ, thiếu thành phần hồ sơ xác minh, khiến công đoạn trình thẩm định và trình ký GCN nhận trễ. Nhiều trường hợp chưa được cập nhật theo hệ tọa độ VN-2000, nên việc cập nhật thông tin trên vào cơ sở dữ liệu địa chính phát sinh nhiều trường hợp chồng ranh, lấn thửa, sai vị trí cũng cần sự phối hợp giữa các đơn vị để xử lý.
Một vướng mắc nữa là phần mềm liên thông thuế hiện nay, tức sự liên kết giữa 2 phần mềm chuyên ngành đất đai và Chi cục Thuế TPHCM chưa thông suốt, nên nhiều trường hợp nội dung kê khai của người dân trên các tờ khai thuế chưa đầy đủ, các chi nhánh VPĐKĐĐ tiếp nhận chuyển Chi cục Thuế TPHCM thì bị trả về đề nghị bổ sung dẫn đến hồ sơ bị trễ; có một số trường hợp dữ liệu truyền bị lỗi, vẫn phải vừa làm, vừa sửa lỗi kỹ thuật nên ảnh hưởng tới thời gian giải quyết hồ sơ.
Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân chủ quan, như bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (1 cửa) nhận sai quy trình. Chẳng hạn hồ sơ đăng ký biến động, cấp mới 15 ngày làm việc, lại nhận quy trình cấp đổi 7 ngày làm việc, dẫn đến kết quả thống kê theo loại quy trình là trễ hạn. Một số viên chức, người lao động còn hạn chế về xác định pháp lý, nhận định chưa đúng…
Từ thực tế này, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng, yêu cầu các chi nhánh VPĐKĐĐ có hồ sơ trễ hẹn cần phải nhanh chóng phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục trong các quý còn lại. Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của ngành tập trung khắc phục ngay, những vấn đề nào ngoài thẩm quyền của Sở TN-MT thì tham mưu, đề xuất để Sở báo cáo, tham mưu lãnh đạo UBND TPHCM có sự chỉ đạo, phối hợp giữa quận, huyện, TP Thủ Đức và các sở ngành với ngành trong công tác cấp GCN.