(ĐTTCO) - Chỉ với nhóm từ khóa "bánh kẹo La Phù", "Kinh đô" bánh kẹo miền Bắc hiện ra với hàng chục nghìn đường link, mô tả chi tiết nhịp sống hối hả, chuyện sản xuất, bán buôn tại mảnh đất cửa ngõ Thủ đô này. Và bên cạnh bức tranh "thiên đường đồ ngọt" ấy là một màu xám xịt đến tệ hại.
Đường vào La Phù tấp nập người xe vào lấy hàng bánh kẹo đưa đi các đại lý. |
Thực tế, những cụm từ người ta gắn cho La Phù như: "thủ phủ hàng nhái", "trung tâm bánh kẹo giả"… hay "làng chuyên công nghệ… rùng mình", đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến vùng quê vốn trông cả vào nghề sản xuất bánh kẹo...
Thiên thời, địa lợi…
Xã La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) có hai nghề chính mang lại thu nhập "như mơ" so với nhiều vùng quê khác thuộc ngoại thành Hà Nội: Nghề dệt kim và sản xuất bánh kẹo. Nhắc tới nơi này, người ta nhớ tới danh xưng một thời: Kinh đô bánh kẹo miền Bắc. Vị trí địa lý thuận lợi, nghề truyền thống trăm năm cùng sự nỗ lực bám nghề của người La Phù đã mang lại "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" cho nghề sản xuất, kinh doanh bánh kẹo ở địa phương. Hàng chục công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh lớn nhỏ, hàng trăm hộ gia đình làm nghề cùng hơn 3.000 lao động thường xuyên từ khắp nơi đổ về… giữ cho La Phù một nhịp độ làm việc không thể khẩn trương, sôi động hơn, đặc biệt vào những ngày áp Tết.
Vào những ngày giá rét kỷ lục cuối năm này, nhiều công việc, hoạt động bị ảnh hưởng, thậm chí đình trệ, thì không khí sản xuất, kinh doanh ở La Phù vẫn không "giảm nhiệt". Đều đặn như bao ngày, từ tinh mơ tới nhọ mặt người, xe "ăn hàng", đeo biển số Thanh Hóa, Nghệ An, Lai Châu, Vĩnh Phúc…, tấp nập đổ về trục đường liên xã, tạo nên những ách tắc nho nhỏ. Người người hối hả nhập nguyên vật liệu, xuất thành phẩm, kho hàng liên tục đầy lại vơi. Đầu thôn tới cuối xóm, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những cửa hàng ăm ắp bánh kẹo, đồ uống, ngũ cốc, mứt Tết… đa chủng loại, nhiều tên gọi. Tất cả, dường như tập trung cho một mục tiêu duy nhất, bảo đảm nguồn hàng phục vụ tết Nguyên đán đang cận kề.
Không hổ danh trung tâm sản xuất, trung chuyển bánh kẹo, đồ uống lớn nhất, nhì miền Bắc, ở La Phù, mọi sản phẩm từ thượng hạng tới bình dân đều có chỗ đứng. Từ bỏng ngô, kẹo quẩy… không bao bì đến bánh trứng, socola, kẹo dẻo… đóng hộp, cộp mác, bất kể mặt hàng nào cũng có thể tìm thấy. Người làng nghề thừa nhận: Thuận lợi trong truyền nghề và việc tìm đầu ra cho sản phẩm đã giúp La Phù tránh được những bước thăng trầm như nhiều làng nghề truyền thống khác.
Còn sự nhanh nhạy, chịu khó học hỏi, đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại cũng như việc nắm bắt thị trường..., đã giúp nghề sản xuất, kinh doanh bánh kẹo nơi đây ngày một lớn mạnh, mang về địa phương hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Ngoài việc chiếm lĩnh phân khúc bánh kẹo bình dân, không ít sản phẩm làng nghề, được chăm chút bởi những công ty sản xuất chuyên nghiệp đã từng bước có mặt tại những kệ hàng của nhiều trung tâm thương mại, siêu thị lớn ở Hà Nội như: Big C; fivimart, Vinmart…
Những điều trăn trở
Nắm trong tay cơ hội, điều kiện sản xuất, kinh doanh lý tưởng, nhưng bấy nay, người La Phù dường như chỉ biết tận dụng những lợi thế có sẵn để tranh thủ làm ăn. Dường như họ bỏ quên trách nhiệm xây dựng, bảo vệ thương hiệu, giúp làng nghề phát triển bền vững. Cố công thu được nhiều nhất đơn hàng, không ít cơ sở sản xuất sẵn sàng mua các sản phẩm đang bán chạy trên thị trường, rút ruột, thay vỏ, hạ giá thành, tạo đà cạnh tranh "ảo" với dụng ý chờ cơ hội chín muồi, sẽ tung sản phẩm thật của mình ra để thu lời lại. Kiểu làm ăn láu cá này đã bị cơ quan chức năng phát hiện, tuy nhiên để hoàn toàn chặn đứng tình trạng này không đơn giản.
Một cách làm ăn khác mà người làng nghề La Phù thường sử dụng là đặt tên cho sản phẩm của mình "na ná" những nhãn hiệu nổi tiếng với quan niệm: "Dựa theo những sản phẩm mạnh để phát triển không phải là việc đáng chê trách" như cách mà anh Ngô Trọng Hài, chủ một cơ sở sản xuất ở La Phù khẳng định. Lối tư duy hồn nhiên này trở thành nguồn cơn cho những sản phẩm "ăn theo", gắn mác La Phù. Một vài cơ sở còn "rút ruột" sản phẩm, miễn sao tư thương hài lòng, tiếp tục hợp tác… Vấn đề là, không biết nguồn lợi từ kiểu làm ăn này mang đến bao nhiêu nhưng hệ lụy kéo theo nó thì rõ là không dễ đong đếm.
Chiếm thị phần rất lớn trên thị trường bánh kẹo nội, song tiếng tăm của sản phẩm làng nghề La Phù không được xem là tích cực. Thông tin liên quan tới cung cách làm ăn thời vụ, chụp giật ở làng nghề bánh kẹo La Phù, xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin, càng khiến hình ảnh làng nghề trở nên rất xấu trong mắt người tiêu dùng. Về La Phù những ngày cuối năm, lắng nghe tâm sự, trăn trở của người làng nghề, càng thấy rõ hơn những khó khăn, thiệt thòi mà người làm nghề chân chính đang phải hứng chịu.
"Báo chí phản ánh nhiều phần đúng nhưng đây là việc con sâu làm rầu nồi canh". Anh Nguyễn Hữu Thi (chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Việt Thái) than thở: Một vài con sâu thôi cũng đủ để công sức của những người tâm huyết với nghề trở thành "dã tràng xe cát". Không ít người làng vì mặc cảm đành phải chuyển xưởng sản xuất đi nơi khác, tránh tên làng nghề gắn trên sản phẩm mình làm ra".
Trăn trở về hướng đi của làng nghề, ông Đỗ Hoàng Thuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề La Phù có cách nhìn đầy tích cực: "Cuối năm bao giờ cũng là lúc người lao động căng toàn lực đáp ứng nhu cầu sử dụng bánh kẹo dịp Tết. Nhìn dòng người, xe đổ về làng nhập hàng, chúng tôi có lòng tin rất lớn vào cơ hội xây dựng, củng cố hình ảnh cho làng nghề bánh kẹo La Phù. Bên cạnh việc vận động, nhắc nhở các thành viên trong hiệp hội chú trọng xây dựng, gìn giữ thương hiệu, Hiệp hội Làng nghề mong cơ quan chức năng mạnh tay hơn nữa trong việc kiểm tra, giám sát, xử phạt các cơ sở vi phạm...