Traphaco gia nhập cuộc chơi toàn cầu

(ĐTTCO) - Ngày 8-11, CTCP Traphaco đã khánh thành Nhà máy sản xuất thuốc tân dược hiện đại nhất Việt Nam với 5 dây chuyền sản xuất tại Hưng Yên (ảnh). 

Ông Mathias Ehrtmann, Giám đốc phụ trách lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm Tập đoàn Rieckermann (Đức), nhận xét vận hành thành công dây chuyền BFS đưa Traphaco là một trong số các công ty sản xuất thuốc nhỏ mắt hàng đầu trên thế giới.

Nhà máy thông minh
Trở lại nhà máy dược Traphaco những ngày đầu tháng 11, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Trên khu đất trống, cỏ dại mọc lút chân ngày nào, một nhà máy dược bề thế, hiện đại đã chính thức vận hành. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 46.288m2, với tổng vốn đầu tư 477 tỷ đồng, gồm 3 phân xưởng và 5 dây chuyền sản xuất. Tại đây, cụm từ cách mạng 4.0 hiện diện trong từng ngóc ngách nhà xưởng. Đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và vận hành sản xuất, các dây chuyền được đầu tư đồng bộ và tự động hóa hoàn toàn.
Ấn tượng nhất là dây chuyền thuốc nhỏ mắt - mũi công nghệ BFS. Theo ông Mathias Ehrtmann, đây là công nghệ vô trùng tiên tiến hiện đại nhất thế giới. Ở Việt Nam, Traphaco là công ty đầu tiên áp dụng công nghệ này vào việc sản xuất thuốc nhỏ mắt. Điểm khác biệt của dây chuyền này là không sử dụng bao bì nhựa làm sẵn. Thay vào đó, lọ đựng thuốc nhỏ mắt được thổi từ hạt nhựa nguyên sinh nóng chảy và đúc thành lọ trực tiếp trên dây chuyền. Rồi gần như cùng lúc, kim rót bơm dịch vô trùng vào, và lọ thuốc lập tức được hàn kín.
Toàn bộ quá trình nạp hạt nhựa - đúc thành lọ - rót dịch thuốc - hàn kín chỉ diễn ra vẻn vẹn trong 13 giây. Với đặc tính tự động, đồng bộ và khép kín 100%, công nghệ BFS cho phép sản xuất những sản phẩm thuốc nhỏ mắt với độ vô trùng tuyệt đối, chất lượng vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho một sản phẩm mắt thông thường, tương đương với các chế phẩm tiêm truyền dùng sau hậu phẫu trong bệnh viện.
Traphaco gia nhập cuộc chơi toàn cầu ảnh 1
Ở các phân xưởng khác, dây chuyền thuốc viên trang bị hệ thống thiết bị công nghệ tự động, liên hoàn được vận hành nhờ cánh tay robot đạt chuẩn châu Âu. Các dây chuyền thuốc nước, siro công suất lớn hoàn toàn đồng bộ và kết nối tự động. Dựa trên nguyên tắc “No touch, No dust” trong sản xuất (Không có tác động con người, không sinh bụi), toàn bộ dây chuyền hạn chế đến mức thấp nhất sự can thiệp của con người vào sản xuất.
PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực Dược của Bộ Y tế, cho biết trong sản xuất thuốc, người ta sợ nhất nhiễm chéo, tức là cùng hệ thống máy móc sản xuất nếu không được làm sạch sau khi sản phẩm này sản xuất sẽ còn tồn dư dược chất trong máy móc lẫn sang sản phẩm sau. Công nghệ “No touch, No dust” hạn chế tối đa nồng độ bụi, máy móc tự động vệ sinh sẽ giảm thiểu nguy cơ này, đảm bảo chất lượng thuốc, tác dụng điều trị ở mức cao nhất. Bên cạnh máy móc hiện đại, nguồn nguyên liệu tân dược được công ty nhập khẩu trực tiếp từ các nhà cung ứng có thương hiệu và uy tín trên thế giới, như Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản…

Hiện thực chiến lược 2020
Nhà máy tân dược vận hành vượt tiến độ dự kiến đã mở ra bước ngoặt mới đối với Traphaco: Lọt vào top dẫn đầu tân dược, bên cạnh vị thế số một về Đông dược. Nhà máy thông minh, ứng dụng công nghệ hiện đại còn có một lợi thế khác. Đó là năng suất lao động rất cao.
Nhà máy có công suất 1,2 tỷ đơn vị sản phẩm/năm, Traphaco chỉ cần 130 công nhân viên đảm nhiệm toàn bộ các công đoạn trong quá trình sản xuất. “Nhà máy đã giảm 1/2 về số người tham gia vận hành so với các quy trình sản xuất cũ. Trong khi đó, năng suất lại tăng gấp 3 lần so với công nghệ trước” - ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc công ty, chia sẻ. 
Nhìn nhận cục diện của ngành dược trong thời gian tới, PGS.TS Lê Văn Truyền đánh giá các doanh nghiệp dược trong nước bắt đầu có hiện tượng tách tốp để ứng dụng các tiêu chuẩn cao hơn như GMP/EU, GMP/PICs (nhà máy của Traphaco hướng đến việc đáp ứng các chuẩn này). Đây là xu hướng tất yếu và không gian tăng trưởng của những doanh nghiệp có chiến lược đầu tư bài bản còn rất rộng mở. “Thành công của Traphaco trong việc ứng dụng công nghệ sản xuất tối tân nhất không chỉ là câu chuyện của riêng Traphaco, mà còn là câu chuyện phát triển của cả ngành dược Việt Nam” - PGS.TS Lê Văn Truyền nhìn nhận.

Các tin khác