Thiếu động lực để vươn lên
Tuy có vai trò to lớn nhưng khối DNTN Việt Nam chưa trở thành lực lượng hùng mạnh như kỳ vọng. Dù một số DNTN lớn đã xuất hiện (7 tập đoàn của Việt Nam nằm trong nhóm 200 DN trên 1 tỷ USD ở châu Á là Masan, Thế Giới Di Động, Sabeco, Vietjet, Vinamilk, Techcombank, Vingroup - theo Forbes), nhưng số lượng chưa nhiều và các thương hiệu Việt vẫn có giá trị thấp hơn thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Đáng lưu ý, biến động của VPE500 giữa các năm khá lớn. Chỉ hơn 50% VPE500 tồn tại liên tục trong vòng 5 năm liền, tỷ lệ bị mất đi giữa các năm khoảng 20% - khá cao so với một số nước, cho thấy sự biến động nhanh của thị trường ở Việt Nam cũng như tính thiếu bền vững của các DN lớn nước ta.
Lý giải về DNTN “khó lớn” (số lượng DNTN từ quy mô nhỏ vươn lên quy mô vừa, từ vừa lên lớn khá ít ỏi, tốc độ chuyển dịch quy mô khá chậm, nhiều DN phải mất 10-20 năm phát triển thành quy mô vừa), báo cáo chỉ ra trong quá trình phát triển, DNTN quy mô nhỏ và vừa gặp phải nhiều trở ngại.
Trở ngại khách quan là môi trường kinh doanh vẫn thiếu thuận lợi, vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử giữa DNTN trong nước với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DNNN; DNTN gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, vốn, thị trường, khách hàng và các bất lợi về thuế, hải quan; rủi ro về thay đổi chính sách và pháp luật khiến việc đầu tư kinh doanh thường có tính ngắn hạn, nhỏ lẻ, không có tính chiến lược dài hạn.
Trở ngại chủ quan là DNTN trong nước hầu hết có quy mô nhỏ, quản trị yếu kém, công nghệ thấp, thiếu các nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh…
Quá nhiều rào cản
“Các DNTN hiện không lớn được do môi trường kinh doanh có quá nhiều hạn chế và cản trở, hoặc các chính sách đưa ra lại không thể áp dụng để đẩy DN lên” - bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Công ty May Hồ Gươm, chia sẻ.
Những cản trở theo bà Hiền đó là các loại văn bản, giấy tờ không thống nhất. Mỗi địa phương có một thủ tục yêu cầu khác nhau, rườm rà, không có một quy trình thủ tục đầy đủ, thống nhất từ khi chuẩn bị đầu tư cho đến khi vận hành dự án để công khai và minh bạch.
Thời gian hoàn thành các thủ tục đất đai dài, chưa kể trong quá trình thực hiện còn có sự chồng chéo, trùng lặp về mục tiêu, nội dung quản lý và cơ quan thực hiện, xuất hiện nhiều “thủ tục con”. Việc giải phóng mặt bằng là một trong những khâu khó khăn cho DN. Chỉ cần 1 hộ dân không đồng ý sẽ ảnh hưởng toàn bộ dự án. DN đã bỏ vốn nhưng không hoàn thành được thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính quyền địa phương không vào cuộc, thả nổi cho DN tự giải quyết.
“Hiện nay, chính sách nói chung vẫn là “trên rải thảm nhưng dưới lại rải đinh”. Các yếu tố cản trở kinh doanh hiện nay là các vấn đề liên quan đến luật đất đai, thuế, thủ tục hành chính, vay vốn kinh doanh” - bà Hiền nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng điều quan trọng nhất với DN là môi trường kinh doanh bình đẳng. Đặc biệt cần quan tâm nhiều hơn tới khu vực kinh doanh hộ gia đình, DNNVV, có chính sách khuyến khích để hộ gia đình trở thành DN, như miễn thuế 3 năm…
Bình luận về VPE500, ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, đề nghị cần phân tích rõ xem các DN này lớn lên bằng gì, có phải từ chênh lệch đất đai là chính hay không? Nếu không điều tra được cả 500 DN cũng cần điều tra những DN lớn.
Đồng thời cần nghiên cứu việc DN đầu tư cho công nghệ như thế nào. Nếu DN không đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số, 20% DN lọt vào danh sách 500, chỉ vài năm sau sẽ lại ra khỏi danh sách.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận, môi trường kinh doanh nếu nhìn vào văn bản pháp lý không có sự phân biệt đối xử, nhưng thực tế sự phân biệt đối xử vẫn nặng nề, nhất là trong phân bổ nguồn lực, điều này báo cáo chưa nêu rõ.
Thực tế, do yếu tố lịch sử, nguồn lực lớn đang ở trong tay DNNN; DN FDI luôn dễ tiếp cận nguồn lực đất đai hơn DN nội và DN lớn; DN thân hữu dễ tiếp cận hơn DNNVV, siêu nhỏ, hộ kinh doanh.
Theo bà Lan, nhóm nghiên cứu nên tham vấn thêm báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong đó, 69% DN cho biết muốn có thông tin phải có quan hệ, tức là có thân hữu. Ngoài ra, khả năng vận động hành lang của DN lớn tác động như thế nào đến chính sách cũng cần được nghiên cứu. Không nên đề nghị có chính sách riêng cho DN lớn mà chỉ có chính sách ưu đãi chung cho khu vực tư nhân.
“Các nước dành sự ưu đãi cho DNNVV và họ tập trung chính sách để hỗ trợ các ngành phát triển. DN nào tham gia thực hiện các chương trình dự án lớn được hưởng chính sách đó” - bà Lan chia sẻ.
Các cải cách hiện nay là đáng ghi nhận, tuy nhiên báo cáo cũng chỉ ra việc cải thiện môi trường kinh doanh đang hướng nhiều vào khía cạnh gia nhập thị trường hơn là giúp DN tăng trưởng nhanh và phát triển về quy mô cũng như chiều sâu.
Do đó, Chính phủ cần đặc biệt chú ý về môi trường kinh doanh đối với các DN đang hoạt động, tạo sân chơi bình đẳng và tăng cường cạnh tranh, đặc biệt là các chính sách giúp DN cải thiện năng lực cạnh tranh và đạt được lợi thế theo quy mô.
Mỗi địa phương có một thủ tục yêu cầu khác nhau, rườm rà, không có một quy trình thủ tục đầy đủ, thống nhất từ khi chuẩn bị đầu tư cho đến khi vận hành dự án để công khai và minh bạch. Thời gian hoàn thành các thủ tục đất đai dài, chưa kể trong quá trình thực hiện còn có sự chồng chéo, trùng lặp về mục tiêu, xuất hiện nhiều “thủ tục con”. |