Nhiều tín hiệu tích cực
Theo bài viết, đánh giá lạc quan được đưa ra dựa trên nền tảng kinh tế vững chắc nhờ GDP tăng trưởng ổn định, trung bình 6%/năm cho đến năm 2019. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% vào năm 2022, trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra con số cao hơn là 6,6%, so với mức tăng trưởng 2,6% của năm 2021. Ông Jason Ng, Giám đốc điều hành VCG Partners, dự báo GDP của Việt Nam tăng hơn 7% trong năm nay với các yếu tố gồm sự phục hồi tiêu dùng, khả năng mở cửa trở lại hoàn toàn để đón khách du lịch nước ngoài và gói kích cầu trị giá 15,3 tỷ USD vừa được thông qua vào tháng 1-2022 để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng đại dịch.
Bài viết nhấn mạnh một trong những động lực kinh tế quan trọng là công nghiệp hóa với sự hỗ trợ của các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). FDI không sụt giảm nhiều dù bị ảnh hưởng của đại dịch. Theo WB, khoảng 15,8 tỷ USD vốn nước ngoài đã đổ vào Việt Nam trong năm 2020, giảm nhẹ so với 16,1 tỷ USD của năm 2019. Con số chính thức cho năm 2021 dự kiến duy trì ở mức này do sức hấp dẫn của lao động giá rẻ, lực lượng lao động trẻ và có trình độ của Việt Nam, đồng tiền ổn định và các ưu đãi cho doanh nghiệp. Bài viết lưu ý, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN, giúp Việt Nam nâng cao vị thế như một trung tâm sản xuất và xuất khẩu.
Một động lực chính khác là tiêu dùng gia tăng trong nước. Đầu tư nước ngoài gia tăng trong những năm gần đây đã tạo ra việc làm và tầng lớp trung lưu đông đảo cũng như giúp nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương trở thành nhà cung cấp cho các nhà sản xuất lớn. Sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu - những người kiếm được 700 USD/tháng - sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Dịch vụ tài chính, bất động sản nhà ở, công nghệ kỹ thuật số và các sản phẩm “xanh” là những cơ hội đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên, ông Jason Ng nhận định, rủi ro lớn nhất hiện nay đối với các nhà đầu tư nước ngoài là lạm phát bùng phát trở lại và đồng Việt Nam có thể mất giá so với USD. Dù vậy, theo ông, với dự trữ ngoại hối hơn 100 tỷ USD và thặng dư thương mại tốt, Việt Nam vẫn có thể trụ vững.
Nỗ lực phục hồi du lịch
Nhiều kênh thông tin của Đức dẫn nguồn hãng tin DPA đăng tải thông tin, Việt Nam cho phép du khách quốc tế nhập cảnh, nhằm tạo điều kiện để thu hút khách du lịch trong nỗ lực mở cửa trở lại ngành du lịch vốn gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo tờ Zeit, Việt Nam đã cho phép du khách quốc tế nhập cảnh mà không cần cách ly và điều kiện cho việc này là du khách phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính được thực hiện không quá 72 giờ hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính không quá 24 giờ trước khi xuất cảnh... Báo này cũng cho biết, ngày 15-3, Chính phủ Việt Nam đã ban hành quy định mới về quản lý thị thực, sẽ được áp dụng như trước đại dịch. Theo đó, du khách đến từ 13 quốc gia, bao gồm cả Đức, được miễn thị thực với thời hạn tạm trú ở Việt Nam 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Báo Stuttgart khuyến nghị, du khách nên tới Việt Nam để thực hiện chuyến du lịch xuyên Việt kéo dài khoảng 1 tháng bằng xe đạp. Theo bài báo, Việt Nam có cảnh quan đa dạng với rừng rậm, núi non, bãi biển và những cánh đồng lúa. Con đường dài từ Bắc vào Nam (hoặc ngược lại), còn được gọi là Đường mòn Hồ Chí Minh, là tuyến đường du lịch phổ biến của dân du lịch ba lô và họ thường di chuyển bằng xe máy hoặc xe khách. Nếu quyết định chinh phục con đường này bằng xe đạp, du khách có thể dễ dàng lên kế hoạch thực hiện chuyến đi trong một tháng…