Ưu tiên hàng đầu chống dịch
Không chỉ chuẩn bị hạ tầng y tế và tập huấn kỹ lưỡng cho đội ngũ nhân viên trên tuyến đầu chống dịch, tinh thần “chống dịch như chống giặc” cũng được Chính phủ xác định ngay từ đầu. Vì sao chống dịch lại giống như chống giặc? Rất đơn giản, dịch bệnh cũng nguy hiểm như chiến tranh, có khả năng tàn phá sức khỏe và sinh mạng con người.
Chống giặc là cảnh giới cao nhất đối với một dân tộc, cần sự chung tay, cần sự gắng sức và cần cả sự hy sinh. Người xưa đã nhắc “quốc gia hưng vong, thất thu hữu trách” và cũng đã nhắc “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Cho nên, tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không trừ ai và không riêng ai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần dùng từ “chiến đấu” để nói về chủ trương phòng chống Covid-19. Nhận định 2 tuần đầu tháng 4-2020 sẽ căng thẳng với những ca lây nhiễm chéo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu người đứng đầu chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người, dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người.
Đồng thời, đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như massage, vũ trường, các cơ sở du lịch, tham quan, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các rạp chiếu phim, quán bia hơi, nhà hàng ăn uống… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 3 chữ an, như phương châm hành động: “An” thứ nhất là an toàn tính mạng, “an” thứ hai là an sinh xã hội và “an” thứ ba là an tâm chắc chắn đại dịch sẽ đi qua.
Trong khi Chính phủ đang cân nhắc đến một gói cứu trợ quốc gia về an sinh xã hội để đáp ứng kịp thời yêu cầu của người dân lúc hậu dịch, thì Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng có động thái tương tự. Dự đoán nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, không có thu nhập để trả lương, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người lao động, lãnh đạo TPHCM thống nhất các cán bộ, công chức sẽ giảm một nửa phần thu nhập tăng thêm năm nay, để hỗ trợ cho người lao động mất việc làm, không có thu nhập duy trì cuộc sống thường nhật.
Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Có 600.000 người thành phố mình mất thu nhập do ảnh hưởng của dịch. Theo chúng tôi ước tính nếu lấy một nửa thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức sẽ đủ hỗ trợ 600.000 người lao động với mức 1 triệu đồng/tháng”. Của ít lòng người, ngay giữa đại dịch toàn cầu thì quan hệ “lá lành đùm lá rách” càng thêm ấm áp và cao đẹp.
Đại dịch toàn cầu tác động lên mọi mặt xã hội. Dĩ nhiên, kinh tế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế nhưng, ưu tiên số một vẫn là chống dịch. Còn người thì còn của, không có gì phải âu lo và hoang mang. An ninh lương thực được đặt lên hàng đầu nhằm ổn định nhu cầu tồn tại của cộng đồng.
Ai cũng muốn tích trữ trong mùa Covid-19, cá nhân có kiểu tích trữ cá nhân, mà quốc gia có kiểu tích trữ quốc gia. Giá gạo xuất khẩu tăng cao cũng từ tâm lý này. Tuy nhiên, tầm nhìn chiến lược của một Chính phủ không nằm ở những khoản lợi nhuận thu về trước mắt, bởi lẽ ngoài dịch bệnh thì vựa lúa ĐBSCL cũng đang đối mặt với thiên tai hạn mặn. Đừng nhìn kho lúa đang đầy mà không nghĩ đến nguy cơ “người ăn núi lở”.
Hãy đồng lòng, đừng cá nhân hóa
Hãy đồng lòng, đừng cá nhân hóa
Có thể nói, những chỉ đạo mạnh mẽ và kịp thời của Chính phủ đã và đang thiết lập phòng tuyến chống lại Covid-19 một cách hiệu quả. Còn sự hưởng ứng từ phía người dân thì sao. Đây cũng là điều đáng băn khoăn.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã phải yêu cầu lãnh đạo quận Thủ Đức có biện pháp siết chặt quản lý địa bàn, không để tái diễn tình trạng tụ tập động người xung quanh ký túc xá Đại học quốc gia TPHCM đang được trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Suốt mấy ngày vừa qua, từng dòng người từ trung tâm TPHCM và nhiều tỉnh đã ùn ùn đổ về khu cách ly này để tiếp tế cho thân nhân, gây ra khung cảnh không kém hỗn loạn và bát nháo. Đặc biệt, ở phía khu A, đã hình thành cả những dịch vụ ăn theo như quầy giải khát, đóng gói bao bì, khuân vác vật dụng…
Và tất nhiên, không ai bảo đảm sự chen lấn nháo nhào hoàn toàn không ẩn họa lây nhiễm chéo Covid-19.
Ký túc xá Đại học quốc gia TPHCM trong thời gian sinh viên nghỉ học, đã là khu cách ly tập trung lớn nhất tại TPHCM. Hiện nay, đã có hơn 5.000 trường hợp cách ly ở đây, với phần lớn là người vừa từ nước ngoài trở về, đông nhất là du học sinh. Dù ban quản lý chia làm hai khung giờ để nhận tiếp tế, buổi sáng 8-10 giờ, buổi chiều 14-16 giờ, nhưng lượng hàng hóa gửi vào vẫn quá tải đối với đội ngũ phục vụ khu cách ly tập trung.
Theo quy định, không được mang thức ăn thêm từ ngoài vào khu cách ly tập trung, nhưng phụ huynh muốn bồi dưỡng thêm cho con em thì cũng không nỡ cấm đoán. Và hệ lụy tiếp diễn, người nọ gửi được đồ hộp và trái cây, thì người kia gửi chăn nệm và quạt máy, thậm chí gửi cả cái tủ lạnh.
Gia đình đã cho con em đi du học thì đều có điều kiện kinh tế khá giả. Không yên tâm với môi trường lây nhiễm virus corona ở châu Âu và Mỹ, phụ huynh đã hối hả mua vé cho con em trở về quê hương. Sự tự vệ đầy hoang mang giữa đại dịch toàn cầu, cũng không đáng trách giận.
Thế nhưng, khi đã vào khu cách ly tập trung thì không ai được quyền tiếp tục thể hiện nhu cầu của cậu ấm cô chiêu. Ưu tiên số một là phòng chống Covid-19, chứ không phải hưởng thụ một kỳ nghỉ dưỡng đầy đủ tiện nghi. Đành rằng, cho mẹ nào mà chả thương yêu con cái. Tuy nhiên, tiếp tế một cách vô lối sẽ ảnh hưởng đến nhiều người khác. Thứ nhất, phơi bày khoảng cách giàu nghèo lố bịch trong khu cách ly tập trung. Thứ hai, tạo áp lực tinh thần và tạo nguy cơ lây nhiễm bên ngoài hàng rào khu cách ly tập trung.
Vậy cách nào tiếp tế cho người cách ly hiệu quả? Ngân sách đang phải gồng gánh để chăm lo cho bệnh nhân Covid-19 cũng như người đang được theo dõi sức khỏe để sàng lọc y tế. Phụ huynh có nguồn tài chính dư dả, hãy đóng góp cho chương trình “Toàn dân ủng hộ phòng chống Covid-19”.
Mỗi đồng tiền từ thiện của người quyên tặng, không chỉ tăng chất lượng bữa ăn và giấc ngủ cho con em mình trong khu cách ly tập trung, mà còn san sẻ cho cộng đồng trong cơn nguy khốn. Tương thân tương ái luôn là một giá trị bất biến, giữa ngày thường bình yên lẫn giữa đại dịch toàn cầu.