Bàn về việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, khái niệm “làm tổ cho đại bàng” cần được sửa thêm là “làm tổ cho cả đại bàng Việt Nam”, chứ không phải chỉ làm tổ để đón đại bàng nước ngoài.
Lý giải điều này, ông Thiên cho hay, nếu FDI chỉ chiếm chừng 20-22% GDP, mà chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu là có chuyện. “Có nghĩa doanh nghiệp FDI được hưởng hầu hết lợi ích thương mại do nỗ lực hội nhập của ta mang lại. Tồn tại khiếm khuyết rất lớn về quan điểm nội lực và ngoại lực. Cho nên, cách tiếp cận về phát triển doanh nghiệp Việt Nam phải sửa lại” - ông Thiên nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, cần dựa vào năng lực nội địa, dựa vào lực lượng kinh tế trong nước, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Doanh nghiệp tư nhân phải là doanh nghiệp Việt và nếu tới đây chúng ta làm đúng tinh thần của Đảng, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, thì nền kinh tế còn tăng trưởng cao hơn nữa.
Thực tế, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 10, khối doanh nghiệp tư nhân được bảo vệ hơn cũng như có sân chơi tốt hơn khi tham gia các lĩnh vực kinh tế, với những dấu ấn rõ nét khi thu hút khoảng 85% lực lượng lao động; đóng góp trong cơ cấu GDP luôn ở mức trên 43%, trong khi khu vực kinh tế nhà nước khoảng gần 29% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 18% GDP.
Nhận xét về điều này, TS. Nguyễn Thị Luyến, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, hiện nay doanh nghiệp tư nhân đã tham gia vào những lĩnh vực trước đây độc quyền nhà nước như hàng không với Vietjet Air, Bamboo Airway đã làm cho thị trường cạnh tranh hơn và đông đảo người dân được hưởng lợi. Tuy nhiên, câu chuyện kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng giữa các khối doanh nghiệp vẫn luôn là vấn đề nóng khi bàn về những thiệt thòi của khối tư nhân, đặc biệt trong việc tiếp cận những nguồn lực quan trọng như lao động, thị trường, quyền kinh doanh, thông tin...
Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét, sự chênh lệch về nhiều mặt giữa khu vực kinh tế tư nhân với các doanh nghiệp thuộc khu vực doanh nghiệp nhà nước và FDI có nguyên nhân gốc rễ là môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế chưa thực sự được tạo lập. Tình trạng “không chịu lớn” và không muốn chính thức hóa hoạt động kinh doanh của số đông doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa phản ánh niềm tin kinh doanh còn thấp và bấp bênh ở khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.
“Nhà nước cần thực hiện đầy đủ, thực chất chính sách về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đặt khu vực này vào sân chơi bằng phẳng với doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân. Những ưu đãi tràn lan, quá mức, thiếu chính đáng, thiếu công bằng dành cho FDI và doanh nghiệp thân hữu phải được xóa bỏ” - bà Lan cho hay.