(ĐTTCO) - Khi các đại công ty tìm cách né thuế, các chính phủ sẽ hụt thu một khoản lớn. Để bù đắp, nhiều chính phủ tìm cách tăng các loại thuế/phí đánh vào dân thường. Nói cách khác, Nhân dân chính là những người phải còng lưng gánh các khoản thuế bị các đại công ty trốn tránh.
Trốn thuế vẫn phổ biến (K1): Những gương mặt quen
600 đại công ty, 0 đồng thuế
Hơn 1/3 các công ty đại chúng lớn và công ty đa quốc gia lớn nhất ở Australia không trả một xu tiền thuế nào trong những năm tài chính gần đây, theo báo cáo minh bạch đầu tiên vừa được Tổng cục Thuế Australia (ATO) công bố. Qantas Airways là công ty có tổng thu nhập cao nhất không đóng thuế, theo sau là một công ty con của tập đoàn khai thác mỏ Glencore (GHP 104 160 689 Pty Ltd), ExxonMobil Australia và Lend Lease. Các công ty này báo cáo thu nhập chịu thuế của họ là zero, dù có doanh thu hàng tỷ USD trong giai đoạn 2013-2014.
Thật phi lý và cũng thật bất công khi biết rằng một đại công ty toàn cầu đóng thuế cho nhà nước ít hơn một người lao động bình thường trong hàng chục năm qua. Pascal Saint-Amans, Giám đốc Trung tâm Chính sách thuế và quản trị OECD |
Dữ liệu công bố của ATO bao gồm các công ty đại chúng và thực thể nước ngoài, công ty tư nhân… có doanh thu hàng năm từ 100 triệu USD trở lên. Trong tổng cộng 1.539 công ty trong báo cáo, có 579 công ty (37,6%) không đóng thuế và 920 công ty (62,4%) đóng thuế ít năm 2013-2014. Lĩnh vực năng lượng và tài nguyên là nơi có nhiều công ty không đóng thuế nhất, với 60%. Trước đây, các cán bộ thuế nói các dự án tài nguyên lớn thường phát sinh chi phí trả trước lớn, nên các loại thuế nói chung không thu cho đến khi dự án đi vào giai đoạn sản xuất.
Các công ty đã dùng rất nhiều “chiêu” để không phải đóng thuế. Báo cáo cho biết 346 công ty (22%) báo cáo lỗ trong năm 2013-2014; trong khi 120 công ty (8%) nói phải bù lỗ cho các năm trước. “Qantas báo cáo lỗ kỷ lục 2,8 tỷ USD trong năm 2013-2014. Chúng tôi không có thu nhập chịu thuế nên không phải đóng thuế” - một thông cáo của Qantas viết. Glencore nói phải gánh lỗ lớn khi sáp nhập Xstrata năm 2013. Công ty cho biết báo cáo hợp nhất của các chi nhánh Glencore Australia cho thấy tổng doanh thu lên đến 24 tỷ USD, nhưng tổng thu nhập chịu thuế chỉ 315 triệu USD, nên chỉ đóng thuế 88 triệu USD. Lend Lease nói các khoản khấu trừ thuế của của họ cao hơn thu nhập chịu thuế trong năm.
Đảng Lao động Australia nói dữ liệu làm gia tăng những “quan ngại lớn” và kêu gọi chính phủ trấn áp các hoạt động né thuế. “Trong hơn 1.300 đại công ty được báo cáo nhắc đến, cứ 3 công ty lại có 1 công ty không đóng thuế. Với những công ty sở hữu nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, có đến một nửa không đóng thuế” - Andrew Leigh, một quan chức đảng Lao động, nói.
Tổn thất 240 tỷ USD/năm
Liên hiệp quốc (LHQ) và Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) ước tính hoạt động trốn/né thuế của các công ty đa quốc gia khiến thế giới tổn thất khoảng 240 tỷ USD mỗi năm. Nhưng giới quan sát tin rằng ước tính này còn quá thấp, nếu xem xét trường hợp báo cáo của ATO. Theo đó, gần một nửa các công ty nước ngoài có tổng doanh thu 21,2 tỷ AUD chẳng trả một xu tiền thuế nào.
2 trong số những công ty khai khoáng đa quốc gia lớn nhất ở Australia là BHP Billiton và Rio Tinto đã dùng những biện pháp chuyển giá phức tạp để che giấu hàng tỷ USD lợi nhuận. Khi các công ty toàn cầu lớn và được trọng vọng bất chấp liêm sỉ và đạo đức để né thuế theo kiểu này, họ làm tổn hại tới xã hội và làm gương xấu cho các công ty khác. Tình trạng này khá phổ biến. Tại Việt Nam, các công ty toàn cầu như Coca Cola, Metro, Adidas, Keangnam, PepsiCo… cũng bị lên án đã né thuế nhiều năm trời bằng cách chuyển giá. Theo VnExpress, từ khi thành lập vào tháng 2-1994 đến năm 2014 chưa năm nào Coca Cola Việt Nam khai có lãi, dù doanh thu hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, nên chưa hề đóng 1 xu tiền thuế thu nhập doanh nghiệp nào. Tại Hoa Kỳ, các đại gia như Apple, Google, hay gần đây là Pfizer cũng cố thay đổi cấu trúc công ty để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (xem Kỳ 1). Tại Anh, đại gia mạng xã hội Facebook khai báo lỗ 28,5 triệu bảng, nhưng lại thưởng cho cán bộ-công nhân viên tổng số tiền lên tới 35 triệu bảng…
Gabriel Zucman, tác giả cuốn The Hidden Wealth of Nations: The Scourge of Tax Havens, viết: “55% tất cả lợi nhuận nước ngoài của các công ty Hoa Kỳ hiện đang được giữ ở các thiên đường né thuế. Hành vi này khiến Hoa Kỳ tổn thất 130 tỷ USD mỗi năm”. Tầm mức to lớn của hành vi né thuế là nguyên nhân khiến cuộc họp thượng đỉnh các nước G20 ở London năm 2009 các nhà lãnh đạo đã triển khai một cuộc tấn công và các thiên đường thuế, tuyên bố sẽ “chấm dứt thời đại bí mật ngân hàng”. Tuy nhiên, đáng thất vọng là từ đó đến nay số tiền giữ ở các thiên đường né thuế lại tăng thêm 25%.
Qantas Airways nằm trong số 600 đại công ty chẳng đóng 1 xu tiền thuế nào trong năm 2013-2014 ở Australia. |
Cá nhân hơn đại công ty
Theo một nghiên cứu của OECD, do các chính phủ thất thu thuế từ các đại công ty, nên phải tìm cách thu bù bằng cách gia tăng các loại thuế/phí lên người lao động và tiêu dùng. Điều này đặc biệt phổ biến ở các nước phát triển trong những năm gần đây. “Các doanh nghiệp tiếp tục tìm cách để có thể đóng thuế ít hơn, hậu quả là người dân phải trả nhiều hơn cho hóa đơn thuế của mình. Điều này cho thấy sự cấp thiết phải nỗ lực để đảm bảo các công ty phải đóng thuế một cách công bằng hơn” - Pascal Saint-Amans, Giám đốc Trung tâm Chính sách thuế và quản trị của OECD, cho biết.
Nghiên cứu công bố ngày 3-12-2015 cho thấy tỷ lệ giữa tăng trưởng và thu thuế ở 34 nước OECD năm 2014 đã tăng thêm 0,2%, đạt 34,4%. Mức tăng này tiếp nối mức tăng bình quân 1,5% trong giai đoạn 2009-2013. Trước đó, tỷ lệ này liên tục giảm từ 34,1% năm 2007 xuống 32,7% năm 2009. Tỷ lệ 34,4% năm 2014 là mức cao nhất kể từ khi OECD ghi nhận tỷ lệ này vào năm 1965. Nước có tỷ lệ thuế/GDP cao nhất là Đan Mạch, với 50,9% năm 2014, kế đó là Pháp (45,2%) và Bỉ (44,7%). Nước có tỷ lệ thuế/GDP thấp nhất trong OECD là Mexico (19,5%) và Chile (19,8%); tiếp theo là Hàn Quốc và Hoa Kỳ với lần lượt 24,6% và 26%.
Tuy nhiên, số liệu cho thấy các chính phủ đang yêu cầu người dân phải gánh vác nhiều gánh nặng thuế hơn các công ty. OECD cho biết khoảng 80% sự gia tăng thuế này là do gánh nặng gia tăng lên các cá nhân dưới hình thức đóng thuế tiêu thụ và thuế thu nhập cá nhân. Gánh nặng cá nhân cũng đóng góp tới 2/3 mức tăng tiền thu thuế ở OECD từ năm 2009-2014. Chẳng hạn, biên lai thu thuế doanh nghiệp bình quân ở các nước OECD tương đương chỉ 2,8% GDP năm 2014, so với 3,6% năm 2007. Trong khi đó, các khoản đóng góp an sinh xã hội đã tăng từ 8,5% lên 9,2% GDP; thuế thu nhập cá nhân đã tăng từ 8,8% đến 8,9%; và VAT tăng từ 6,5% lên 6,8%.
(Còn tiếp)