1. Vốn có cái thú lang thang, lại sống ở thành phố sầm uất nhất phương Nam, tôi không xa lạ gì những chiếc xe ôm vẫn đưa đón khách giữa đêm hôm khuya khoắt. Khi những người lao động bình thường đã yên giấc ngủ ngon, cánh xe ôm chỉ còn hoạt động ở hai nơi bến xe và bệnh viện.
Và thực sự tôi sẽ không để ý đến họ, nếu không có một lần ngồi ở quán đêm đối diện Bến xe Miền Đông, bất ngờ nghe một anh xe ôm khe khẽ hát nhạc Trịnh. Không gian im ắng xung quanh khiến tiếng hát dù nhỏ đủ cho riêng mình của anh xe ôm vẫn khiến tôi nhận ra ca khúc không phải ai cũng thuộc “Ta thấy em đi quanh từng giọt nước mắt, ta thấy em đi quanh từng ngọn nến tắt, nghe tiếng em kêu tên một ngày xa lắc muôn trùng. Ta biết em đêm đêm chờ đợi tiếng hát, ta biết em đêm đêm ru đời đã mất, nghe tiếng em run theo từng ngọn gió bấc sang mùa”.
Sự ngạc nhiên làm tôi thoáng giật thột khi nhìn thấy khuôn mặt khắc khổ và đen sạm của anh xe ôm tuổi ngoài bốn mươi. Tôi hiếu kỳ đến mời điếu thuốc: “Ông có vẻ mê nhạc Trịnh nhỉ?”. Anh xe ôm tròn mắt: “Đâu có. Tui có mê gì đâu”. Tôi vặn: “Thì ông mới hát đấy”. Anh xe ôm cười xòa: “Thì ra dzậy. Tôi nghe nó hát riết rồi quen”. Tôi chưa kịp hỏi “nó” thì anh xe ôm đã xua tay: “Thôi, nó ra rồi, tui phải chở nó đi. Hôm nào rảnh nói chuyện tiếp. Đêm nào tôi cũng quẩn quanh ở đây mà”.
Từ khu nhà nghỉ chập chờn ánh điện, một cô gái ngay từ cách ăn mặc đã dễ dàng “bắt tín hiệu” của khách làng chơi, hấp tấp đi ra. Nghe máy nổ, tiếng rồ ga, chiếc xe lao vút vẫn còn thoáng lại mùi nước hoa lạnh lẽo của “nó”.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. |
2. Có thể tôi và nhiều người may mắn hơn, sống bằng công việc tử tế. Chúng ta thật khó lòng hiểu hết những xót xa và ngậm ngùi của những thân phận lấm lem vẫn được gọi là “dưới đáy xã hội”. Vì định mệnh đẩy đưa hoặc sa ngã khôn lường, họ chuồi dần cuộc đời vào bóng tối và kiếm tìm miếng ăn trong bóng tối. Làm sao chúng ta dám chắc, nơi vũng lầy buồn thương và lầm lỗi ấy, không có những đốm lửa le lói của trắc ẩn lương thiện.
Tôi không rõ mặt cô đào kia, cũng không kịp hỏi anh xe ôm tên gì, nhưng câu chuyện của họ cứ nhoi nhói tận trái tim tôi một chút gì đắng đót xen lẫn âu lo. Tôi thử hình dung cô đào kia có tâm trạng như thế nào khi ngồi sau lưng anh xe ôm thầm thì hát trong một đêm mưa rả rích, mà không cách nào cắt nghĩa được tiếng ca ấy vang lên cho niềm đau khổ cá nhân hay cho nỗi lênh đênh kiếp người.
Cách đây không lâu, một đồng nghiệp của tôi mang một khuôn mặt đầy bí mật tâm sự. Có một đêm đi trực tòa soạn về khuya, anh bị hai tên lưu manh ép xe vào đường giật máy tính xách tay. Khi anh bạn tôi còn bàng hoàng, một dáng người từ trong bóng tối lao xe máy ra đâm thẳng vào hai tên cướp. Kết quả, hai tên cướp bỏ của chạy lấy người.
Anh bạn tôi rối rít cảm ơn người lạ mặt “nhớ câu kiến ngãi bất vi” và đề nghị cho phép viết tin lên báo để tuyên dương hành động dũng cảm, không ngờ chỉ nhận được sự từ chối rụt rè: “Tui làm nghề chở “đào”, ông ạ”. Lúc nghe câu chuyện của đồng nghiệp, tôi không tin, và còn chế giễu khả năng bịa đặt. Bây giờ, đối chiếu với câu chuyện của anh xe ôm và cô gái tên "nó", tôi cảm giác hối hận vì mối hoài nghi dạo nào. Tôi gọi điện cho anh bạn, có ý hỏi han về anh xe ôm chở “đào” từng ra tay nghĩa hiệp. Thật bất ngờ, anh bạn cho biết vẫn giữ liên lạc với anh xe ôm kia.
3. Lại một đêm ra phố nửa khuya, nhưng lần này tôi và anh bạn đến khu vực ngã năm Gò Vấp. Anh bạn tôi bấm điện thoại, chốc lát đã thấy một anh xe ôm xuất hiện. Anh bạn giới thiệu: “Cậu Hùng, ân nhân ngày xưa của tớ”. Anh xe ôm tên Hùng e ngại nhìn tôi với ánh mắt dè chừng, nhưng rồi không khí thân mật cũng giúp mỗi người cởi mở hơn. 23 tuổi, Hùng đã từng thi đại học 3 lần nhưng không đậu. Nản chí, anh rời miền Trung vào TPHCM tìm kế sinh nhai.
Hùng muốn mở tiệm sửa xe, nhưng chưa có tiền, đành chạy xe ôm. Quá trình gia nhập đường dây chở “đào” của Hùng cũng đáng gọi là lâm ly. Có đêm, anh chở một người khách mặt mũi bặm trợn từ Công viên Phú Nhuận về cầu vượt ngã tư Ga. Tên khách xuống xe và… tỉnh queo đi thẳng. Thế là đánh nhau một trận tơi bời. Gã khách thượng cẳng tay hạ cẳng chân với Hùng hôm ấy có chút “máu mặt”, sau khi bị Hùng hạ đo ván, không những trả tiền đầy đủ mà còn giới thiệu mối chở “đào”.
Hùng khoe với giọng tự hào: “Hồi học phổ thông, tui đã đeo đai vàng Vovinam đấy chứ”. Tranh thủ Hùng đang hưng phấn, tôi hỏi về cô “đào” Hùng nhận chở hàng đêm. Hùng hơi ngập ngừng, rồi thong thả hé lộ góc khuất nghề xe ôm vẫn luôn giấu giếm: “Cô ấy tên M., xinh lắm. Cũng thuộc loại hạng sang đấy, mỗi “dù” 500.000-600.000 đồng. Nói chung, mỗi ngày tui cũng được chia gần 200.000 đồng”.
Trong đôi mắt ánh lên một chút khác lạ, Hùng kể tiếp: “Có hôm tui chở M. đến khách sạn. Vừa xuống xe M. gặp người đồng hương. Thấy M. lúng túng, tui chủ động nắm tay cô ấy. M. giới thiệu tui là bạn trai, để chào xã giao. Người đồng hương của M. còn khen tụi tui xứng đôi nữa chứ”. Tôi chen ngang: “Nếu M. hoàn lương, cậu có nghĩ đến hạnh phúc thực sự của hai người không?”.
Hùng xoa bàn tay tỏ ra bối rối, hồi lâu anh mới trả lời: “Với nhan sắc của M., nếu có điều kiện gia đình tốt đẹp, cô ấy có thể cưới một đại gia. Nhưng hoàn cảnh hiện nay, không biết M. sẽ trôi dạt về đâu…”. Hùng bỏ lửng như vậy, và tôi cũng không nỡ truy vấn nữa. Chúng tôi im lặng nhìn ra con đường vắng vẻ, chỉ có những tán cây đong đưa dưới ánh điện vàng hiu hắt. Chuông điện thoại di động của Hùng reo lên, có lẽ M. gọi đến rước ở “bãi đáp” nào đó.
Tạm biệt, Hùng tha thiết dặn: “Anh đừng đưa chuyện của tui và M. lên báo nghen. Tụi tui chịu đựng cay cực để sống qua ngày thôi. Đừng mỉa mai tụi tui làm gì”. Đúng, tôi không bao giờ dùng thái độ miệt thị để viết về những người bất hạnh hơn mình. Tôi chỉ mong bài báo nhỏ này có thể giúp người đọc hiểu hơn về những mảnh đời ngậm ngùi. Hùng ơi, có lẽ Hùng ngượng ngùng không bộc bạch, nhưng tôi nhận ra hình như Hùng đã có tình cảm với M.
Có thể sau một đêm mệt nhoài trở về phòng trọ, Hùng chìm vào giấc mơ với hình ảnh M. mặc váy cưới trong một ngày hạnh phúc. Và chính tôi cũng không dám đoán định, giấc mơ giản dị mà lộng lẫy ấy, có quá xa vời tầm tay của Hùng không?