Trung Quốc ít quan tâm đến các vấn đề đạo đức hay chính trị ở quốc gia đối tác. Gần đây, cuộc khủng hoảng tài chính ở phương Tây đã mở ra cơ hội lớn cho Trung Quốc xâm nhập.
Những bánh vẽ
Tại Cộng hòa Dân chủ Congo ở Trung Phi, Trung Quốc đã giành được một hợp đồng tùy ý khai thác đồng và cobalt trong 30 năm, đổi lại, Trung Quốc sẽ xây dựng hàng ngàn km đường bộ, cầu, đường sắt, bệnh viện, sân bay, đập, trường đại học, được cho là bệ phóng đưa quốc gia lạc hậu này vào thế giới hiện đại.
Hợp đồng này được giới thiệu như là “thỏa thuận thế kỷ” cho người dân châu Phi, nhưng thực tế chỉ là bánh vẽ. Trung Quốc chi chừng 5,7 tỷ USD “chào sân” Congo, ngược lại, doanh thu từ việc được nhượng quyền khai thác khoáng sản có thể lên tới hơn 110 tỷ USD.
Thỏa thuận này cũng đảm bảo nguồn cung dài hạn các tài nguyên quan trọng cho các nhà máy của Trung Quốc, thí dụ đồng để sản xuất các loại cáp điện, sợi quang học và vũ khí; cobalt để chế tạo pin cho điện thoại di động, lap top và xe hơi.
Về các cơ sở hạ tầng Trung Quốc đã hứa hẹn, trong một đất nước mà 90% dân số mù chữ, các bệnh viện và trường đại học mới nhiều khả năng bị bỏ không, không có bác sĩ và giảng viên mà cũng không có điện để hoạt động.
![]() |
Doanh nhân Richard Shen, chủ chuỗi cửa hiệu kim hoàn Tesiro, |
Angola là quốc gia dường như đã lên hương nhờ sự hào phóng của Bắc Kinh. Hầu như bị phá hủy bởi 1/4 thế kỷ nội chiến, Angola bây giờ đã có những dự án xây dựng đầy tham vọng. Mặc dù đã chuẩn bị trợ giúp Angola nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn khăng khăng yêu cầu cải cách chính trị và kinh tế ở một đất nước nổi tiếng là tham nhũng, độc tài.
Trong lúc đó, Trung Quốc không đưa ra điều kiện như vậy. Gần 500 công ty Trung Quốc sẵn sàng tham gia để đổi lấy dầu của Angola. Kết quả là những dự án xây dựng trọng yếu vẫn nằm trên giấy, tiền thì đang bị ăn mòn bởi các các quan chức chính phủ và chính trị gia tham nhũng.
Một trong những tính chất các liên doanh nước ngoài của Trung Quốc là họ không quan tâm đến tình hình chính trị của nước đối tác. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác kinh doanh với Iran bất kể các biện pháp trừng phạt quốc tế chống lại chương trình hạt nhân của nước này.
Trong vòng 5 năm ngắn ngủi, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Iran với khoảng 35 tỷ USD mỗi năm. Những biện pháp trừng phạt Iran bỗng trở thành lợi thế kinh doanh cho Trung Quốc vì “họ bước vào sân chơi không có đối thủ” - giám đốc điều hành một công ty dầu phương Tây đã buộc phải ngừng giao dịch với Tehran, nhận xét.
Trong những thương vụ nhiều triệu đô la, các doanh nhân Trung Quốc cũng hiếm khi quan tâm đến hậu quả. Thí dụ với công trình xây dựng một con đập ở thế giới thứ ba, những nhà cho vay quốc tế khác cẩn thận xem xét các vấn đề môi trường, vấn đề xã hội, bảo vệ di tích lịch sử, trong khi Trung Quốc không quan tâm. Nhu cầu cấp thiết về nhiên liệu cho “công xưởng của thế giới” và nhà của 1/5 dân số trái đất được đặt lên hàng đầu.
Tây tiến
Sẽ là sai lầm nếu đáng giá thấp thành tựu của Trung Quốc trong những năm gần đây. Người Trung Quốc thật đáng kinh ngạc với khả năng hy sinh vô hạn, lăn xả vào thế giới với những mơ ước thành công, dám tiến lên chinh phục những thị trường mà người phương Tây e dè hoặc đã chuốc lấy thất bại. Nhưng cùng lúc, Trung Quốc đang thiết lập một siêu cường chuyên quyền không chịu bất kỳ sự can thiệp nào từ sự giám sát quốc tế.
Nếu đánh hơi thấy mối lợi, dù là mối lợi về nguyên vật liệu thô hay chỉ đơn giản là sức ảnh hưởng, Trung Quốc sẽ vung tay từ túi tiền không đáy của mình. Một chỗ đứng trong một quốc gia có nghĩa là một thị trường tiềm năng cho các sản phẩm của Trung Quốc trong tương lai. Đối với Bắc Kinh, đó là một dự án dài hạn, tuy nhiên, với tốc độ mở rộng đáng kinh ngạc của Trung Quốc, “dài hạn” có thể là ngay ngày mai.
Cuộc khủng hoảng tài chính hiện đang diễn ra ở phương Tây đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp của Trung Quốc. Trung Quốc đã chinh phục hành tinh và bây giờ họ bước vào giai đoạn thứ hai: thâm nhập các thị trường phương Tây.
Trong 5 năm qua, các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua lại khoảng 20 lâu đài ở vùng rượu vang Bordeaux, Pháp. Các công ty may mặc Trung Quốc đã đặt cơ sở ở Tuscany để khai thác uy tín của thương hiệu quốc gia “Made in Italia”.
Các tay triệu phú Trung Quốc đang săn tìm bất động sản cao cấp ở London và New York. Như vụ các nhà đầu tư Trung Quốc đã nắm giữ 49% cổ phần tại tòa văn phòng One Angel Square ở Manchester khi chi ra 110 triệu USD. Trước đó, tháng 5 họ trả 438,2 triệu USD để mua Drapers Gardens, một tòa nhà văn phòng 16 tầng tại London. Đặc biệt, đầu năm nay, công ty có trụ sở tại Anh Gingko Tree Investment - đơn vị thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của Cục Quản lý ngoại hối Quốc gia Trung Quốc (SAFE), đã mua lại 40% cổ phần tại UPP Group Holdings - nhà cung cấp chỗ ở cho sinh viên đại học của Anh - khi bỏ ra 834 triệu USD mua số cổ phần này.
Và những khuôn mặt phương Đông đã trở nên nổi bật trong các bức ảnh đám đông chen lấn mua hàng sale Giáng sinh trong các cửa hàng cao cấp của London. Một công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc hiện đang điều hành cảng Piraeus ở Hy Lạp theo một hợp đồng thuê 35 năm.
Ở Đức, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, đẩy Hoa Kỳ rớt khỏi vị trí hàng đầu. Một quỹ nhà nước Trung Quốc đã mua hơn 8% Thames Water và một tập đoàn quốc doanh nước này cũng đang chen chân vào ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân của Anh…