Trung Quốc không còn mặn mà là công xưởng thế giới?

(ĐTTCO) - Danh xưng công xưởng của thế giới được gắn cho Trung Quốc trong nhiều thập niên qua. Truy nhiên, những nỗ lực nhằm cải tổ nền kinh tế, đang đưa nước này dịch chuyển khỏi địa vị công xưởng của thế giới.
Ảnh: Trung Quốc được cho đang dẫn trước Mỹ một số lĩnh vực của AI. Ảnh: Businnes Insider.
Ảnh: Trung Quốc được cho đang dẫn trước Mỹ một số lĩnh vực của AI. Ảnh: Businnes Insider.

Nền công nghiệp sản xuất của Trung Quốc từ trước đến nay dường như không có đối thủ về độ sâu rộng. Bởi vì đây là nơi tập trung của những nhà máy sản xuất quốc tế lớn nhất thế giới. Đây chính là cốt lõi để hình thành và duy trì vị trí công xưởng thế giới.

Tuy nhiên, gần đây điều đó có thể sớm thay đổi, vì ngay cả các công ty Trung Quốc cũng đang chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi đất nước.

"Chúng tôi đã thấy rất nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang tích cực tìm cách thiết lập các cơ sở sản xuất ở nước ngoài" - Shay Luo, Giám đốc Công ty tư vấn Kearney, nói.

Dĩ nhiên, các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ không chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất ra khỏi đại lục. Nhưng sự kết hợp giữa rủi ro địa chính trị - chẳng hạn như căng thẳng với Mỹ - và chi phí gia tăng đang thúc đẩy họ tìm kiếm các giải pháp thay thế.

Thực tế, vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc đã được dự báo khó duy trì, khi chi phí nhân công, đất đai tăng cao và chiến tranh thương mại sẽ thúc đẩy làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.

Theo đó, trong phần lớn thời gian của thập niên vừa qua, Trung Quốc luôn nhập khẩu nguyên liệu thô và xuất khẩu ra khắp thế giới những sản phẩm giá rẻ.

Vậy nhưng, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy việc chi phí lương công nhân tăng lên khiến giá thành sản xuất tăng theo, có thể khiến lợi nhuận của các hãng sản xuất bị thu hẹp về con số 0. Trung Quốc đang mất dần ưu thế lớn nhất, đó là nguồn nhân công giá rẻ.

Điều này khiến lợi thế của Trung Quốc trong một số lĩnh vực sản xuất đã giảm nhiều. Thêm vào đó, việc đồng Nhân dân tệ tăng giá khiến giá cả các mặt hàng "made in China" tăng lên tại các thị trường vốn đã quen với hàng Trung Quốc giá rẻ, không muốn phải trả thêm tiền.

Tuy nhiên, có nguyên nhân quan trọng ít được thế giới chú ý đến. Đó là giờ đây có rất nhiều thứ đang được sáng tạo ra ở Trung Quốc, thay vì nước này chỉ là công xưởng sản xuất như trước kia.

“Những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm cải tổ nền kinh tế nước này đã đưa Trung Quốc dịch chuyển khỏi địa vị công xưởng của thế giới" - ngân hàng Thụy Sỹ UBS nhận định.

"Trung Quốc đang đi đầu trong nhiều thay đổi của công nghệ tài chính. Bởi vậy, ngày càng có nhiều công ty tài chính dùng công nghệ của Trung Quốc, bao gồm cả các công ty trong và ngoài nước" - bà Kathryn Shih, Chủ tịch UBS khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nói.

Ngành sản xuất của Trung Quốc đang chứng kiến những thay đổi lớn khi nước này tiến mạnh vào những ngành công nghệ cao. Dẫn chứng cho chuyển biến này là sự phát triển của ngành công nghiệp xe hơi chạy điện tại Trung Quốc.

"Xe chạy điện đang phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đang nỗ lực trở thành nước đi đầu thế giới trong lĩnh vực này" - bà Shih nói.

Sự chuyển biến của toàn nền kinh tế Trung Quốc nói chung diễn ra cùng với kế hoạch của Bắc Kinh về đưa nền kinh tế từ mô hình sản xuất dẫn đầu sang một nền kinh tế với các ngành dịch vụ và sáng tạo nắm vai trò chủ đạo.

Trong khi đó, giới chuyên gia cũng cho rằng Trung Quốc đang dẫn trước Mỹ ở nhiều mảng của cuộc đua về trí tuệ nhân tạo (AI).

"Còn quá sớm để nói, nhưng Trung Quốc có lẽ đang dẫn đầu về AI phục vụ cho bán lẻ và tiêu dùng, còn Mỹ có lẽ dẫn đầu về công nghệ xe không người lái" - ông Daniel Tu, Chủ tịch kiêm Giám đốc sản phẩm của Gen.Life, công ty startup về sử dụng AI, nhận định.

Ông Tu cũng cho rằng, về sự hậu thuẫn của Chính phủ đối với ngành AI, Trung Quốc có vẻ như đang có ưu thế hơn so với Mỹ. Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển AI thành ngành công nghiệp trị giá 150 tỷ USD trong vài năm tới, và trở thành một trung tâm sáng tạo AI vào năm 2030.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều nhân vật đi đầu trong ngành AI ở Mỹ đang kêu gọi Chính phủ, các doanh nghiệp và cộng đồng tập trung nỗ lực để tăng sức mạnh cạnh tranh cho ngành này.

"Các tổ chức học thuật ở Mỹ đang cảm nhận sự cấp bách phải có chính sách tập trung và nhất quán hơn từ Chính phủ liên bang. Trong khi đó, Trung Quốc đã có tầm nhìn rõ ràng cho ngành AI" - ông Tu nói.

Các tin khác