Gần 5.000 sàn phá sản
Theo Tân Hoa Xã ngày 8-12-2019, số sàn kết nối cho vay P2P ở Trung Quốc đã giảm xuống còn 456 vào cuối tháng 11. Đây là sự sụt giảm kinh hoàng nếu so với con số hơn 6.200 sàn. Riêng trong 2 tháng 6 và 7 của năm 2018, gần 247 sàn cho vay P2P của Trung Quốc đã vỡ nợ, khoảng 2.305 sàn bị một số vấn đề tài chính và hoạt động. Các sàn này đã ngừng hoạt động vì không thể trả nợ cho nhà đầu tư (NĐT) hoặc lãnh đạo sàn bỏ trốn. Một “hiệu ứng domino” đang diễn ra do sự sụp đổ của các sàn cho vay P2P này.
Thị trường P2P của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi việc chiếm dụng tiền, tiêu chuẩn cho vay không rõ ràng và gian lận. Cuộc khủng hoảng sẽ là bài học nghiêm túc cho các nhà quản lý ở các thị trường khác khi họ tìm cách điều tiết và kiềm chế những gì ngoài tầm kiểm soát. Trade Finance Global |
Đặc biệt, nhiều sản P2P phá sản có liên quan đến lừa đảo. Vụ việc lớn nhất xảy ra vào năm 2016, khi sàn Ezubao lừa đảo các NĐT hơn 7,6 tỷ USD thông qua kế hoạch Ponzi (vay tiền của người này để trả nợ người khác). Nhiều quy định khắc nghiệt được áp đặt sau vụ lừa đảo Ezubao nhằm hạn chế hoạt động P2P, lại càng khiến các sàn hoạt động khó khăn hơn.
Một vụ vỡ nợ sàn P2P khác cũng gây chấn động không kém là của công ty Tairan. Công ty này tuyên bố phá sản chỉ sau 2 tuần nộp đơn IPO trên sàn Nasdaq của Mỹ. Tairan sụp đổ sau khi người sáng lập Pan Baofeng đầu hàng cảnh sát ở Hàng Châu, Chiết Giang vào ngày 1-11-2019, thừa nhận công ty của ông có liên quan đến việc gây quỹ bất hợp pháp.
Theo trang web của công ty, Tairan bắt đầu kinh doanh cho vay trực tuyến vào tháng 9-2014. Đến ngày 1-11-2019, họ đã thực hiện 4,05 triệu giao dịch, với tổng giá trị khoản vay đạt 53,98 tỷ NDT (7,71 tỷ USD) và thu hút 3,14 triệu người dùng. Trong số những người dùng đã đăng ký, hơn 19.900 người hiện đang hoạt động cho vay.
Khi một công ty P2P ở Trung Quốc ngừng hoạt động, những người cho vay thường thu hồi rất ít hoặc không có khoản nào. Trong trường hợp của Tairan, số dư hiện tại 3,72 tỷ NDT (530 triệu USD), giá trị hiện tại của khoản lãi chưa trả 197 triệu NDT (28,15 triệu USD), có thể không bao giờ được thu hồi cho những người cho vay.
Nguồn vốn quan trọng cho SME
Nguồn vốn quan trọng cho SME
Cho vay P2P là sự lựa chọn tài chính thay thế chủ yếu phục vụ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đang tìm kiếm các khoản vay khó tiếp cận ở ngân hàng. Cho vay P2P diễn ra trên thị trường trực tuyến, kết nối trực tiếp người vay với NĐT không qua trung gian. Hồ sơ cho vay thường của NĐT cá nhân đang tìm kiếm lợi nhuận tiền mặt tốt hơn so với gửi tiết kiệm, trong khi người vay tìm cách hưởng lợi từ việc tiếp cận các khoản vay dễ dàng hơn với lãi suất hợp lý. Các sàn P2P kiếm doanh thu thông qua phí của bên vay và lãi suất, phí dịch vụ của NĐT.
Nhằm đảm bảo nguồn vốn vay quan trọng cho SME, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) đã đề xuất một số biện pháp kiểm tra hoạt động kinh doanh của các sàn cho vay P2P. Theo đó quy định các công ty P2P phải tự xem xét và báo cáo số liệu thống kê như các khoản vay chưa trả và không thực hiện được; quyền kiểm tra được trao cho Hiệp hội Tài chính Internet Quốc gia và các hiệp hội ngành công nghiệp địa phương; hình phạt được đặt ra để răn đe; thiết lập các cửa sổ giao tiếp để hỗ trợ khách hàng khiếu nại; thực hiện kiểm tra tuân thủ trên các sàn; cấm việc thành lập công ty cho vay P2P mới; người vay P2P không trả được nợ sẽ bị phạt trong hệ thống xếp hạng tín dụng xã hội của Trung Quốc; các sàn phải công khai chi tiết công việc của mình…
Các quy định mới của Trung Quốc về P2P được Moody gọi là tín dụng tích cực. Những thay đổi được thực hiện đối với hệ thống và các quy định được đưa ra sẽ bảo vệ tốt hơn cho người cho vay, đồng thời giúp tránh rủi ro cho hệ thống tài chính. Các quy định đã có tác động tích cực khi các sàn trực tuyến yếu hơn hoặc có yếu tố lừa đảo sẽ không thể tồn tại.
Còn theo Trade Finance Global (TFG), việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát các sàn P2P đã khiến hơn 80% trong tổng số 6.200 sàn phải đóng cửa hoặc phá sản. Ban đầu, cho vay P2P trở nên phổ biến nhanh chóng ở Trung Quốc do khả năng lấp đầy khoảng trống trong thị trường tín dụng tiêu dùng kém phát triển của đất nước, và do xu hướng tiết kiệm cao của nước này (46%, một trong những mức cao nhất trên thế giới). Sự sụp đổ của Tairan và trước đó là Zendai như dấu hiệu của một ngành công nghiệp phát triển quá xa và quá nhanh theo hướng sai lầm.
Kiểm soát ngay từ đầu
Cho vay P2P chỉ đơn giản là một kênh nhanh chóng và thuận tiện để huy động vốn ngắn hạn từ các NĐT cá nhân. Ban đầu, cho vay P2P được thả lỏng bởi các nhà chức trách. Chính sự thiếu kiểm soát này đã dẫn đến tăng trưởng ngành công nghiệp P2P tăng vọt, với các khoản vay từ gần như bằng 0 vào năm 2012, lên tới 217,96 tỷ USD vào năm 2018. Hiện nay, với sự bùng nổ của gian lận và số nạn nhân khởi kiện, chắc chắn CBIRC mạnh tay hơn để kiểm soát quy định P2P.
Phần lớn trong số 80% sàn P2P bị đóng cửa được cho do thực hiện các kế hoạch lừa đảo hoặc các quyết định đầu tư kém. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những lỗ hổng trong thị trường cho vay P2P bắt nguồn từ việc người tham gia thiếu nhận thức và thiếu niềm tin của công chúng. Một số nhà phân tích blockchain tin rằng khi mạng lưới P2P phát triển, rủi ro càng lớn và người dùng càng ít tin tưởng vào nó.
Để đối phó với sự tăng trưởng chậm lại và sự không đáng tin cậy của việc cho vay P2P, cơ quan quản lý tài chính ở Anh (FCA), đã đưa ra các chính sách hạn chế đối với việc tiếp thị sàn P2P vào tháng 4-2019. FCA Xác định các sàn chứa các khoản đầu tư rủi ro cao, cần được xem xét cẩn thận bởi người vay và người cho vay; các sàn P2P chỉ được tiếp thị cho các khách hàng được chứng nhận là NĐT sành sỏi, NĐT có nhận được tư vấn đầu tư hoặc dịch vụ quản lý đầu tư được công nhận, NĐT được chứng nhận là “NĐT hạn chế” (không đầu tư hơn 10% tài sản có thể đầu tư ròng vào sàn P2P).
Mặc dù các quy định này dường như giải quyết vấn đề kiểm soát rủi ro của các khoản đầu tư và khuyến khích niềm tin, nhiều sàn P2P không đồng ý với chính sách này. Các sàn P2P lo ngại rằng quy tắc FCA sẽ hạn chế cho vay đối với NĐT tinh vi và phá hủy ưu điểm cho vay của P2P, đồng thời tạo ấn tượng sai lệch về rủi ro đầu tư P2P và không khuyến khích sự tham gia.
Dù vậy, Rhydian Lewis, Giám đốc điều hành của P2P RateSetter có trụ sở tại Vương quốc Anh, cho rằng: “Các sàn trong tương lai nên học hỏi từ những nhược điểm nhiều đồng nghiệp đã trải qua trong giai đoạn 2018-2019. Bởi lẽ, hiểu được hành vi và thất bại của các loại huy động vốn thay thế như P2P rất quan trọng. Đó là, sự tăng trưởng chậm và ổn định trong nhận thức và niềm tin sẽ là con đường bền vững cho lợi nhuận trong ngành cho vay P2P, thay vì theo đuổi tăng trưởng nhanh chóng và sụp đổ như nhiều sàn cho vay của Trung Quốc”.