Trung Quốc - Nguy cơ hạ cánh cứng (K1): Chưa xác lập đáy

(ĐTTCO) - Nguy cơ “hạ cánh cứng” của nền kinh tế Trung Quốc một lần nữa được chú ý, đặc biệt khi đại gia đánh giá tín nhiệm toàn cầu Moody's Investors Service hôm 24-5 tuyên bố hạ bậc tín nhiệm lần đầu tiên sau gần 30 năm. 
 
Suy giảm sức mạnh tài chính
Hôm 24-5, Moody’s đã giảm điểm tín nhiệm nợ dài hạn bằng nội tệ và ngoại tệ của Trung Quốc về mức A1 từ mức Aa3 trước đó. Không dừng lại đó, ngày 26-5, đại diện của hãng này còn cảnh báo bậc A1 vẫn chưa phải mức cuối cùng chờ đợi nền kinh tế số 1 châu Á.
Giải thích việc này, Moody’s viết trong tuyên cáo: “Việc hạ điểm tín nhiệm phản ánh kỳ vọng của Moody’s rằng sức mạnh tài chính của Trung Quốc sẽ xói mòn phần nào trong những năm tới với mức nợ của nền kinh tế tiếp tục tăng, trong khi tốc độ tăng trưởng tiềm năng đi xuống”. 
 Nếu trong tương lai việc cải tổ cấu trúc của Trung Quốc có thể ngăn chặn hiệu quả những rủi ro gia tăng trong lĩnh vực ngân hàng, hiển nhiên họ sẽ được đánh giá tích cực. Nhưng nếu có những dấu hiệu cho thấy nợ vẫn gia tăng với tốc độ cao hơn ước lượng của chúng tôi, dẫn đến việc phân bổ vốn không hợp lý, nó sẽ tiếp tục đè nặng lên tăng trưởng kinh tế trong trung hạn và có tác động tiêu cực đến xếp hạng tín nhiệm. Khi đó, Trung Quốc thậm chí không đáp ứng yêu cầu của hạng A1.
Ông Li Xiujun, Phó Chủ tịch Chuẩn mực và
Chiến lược tín dụng của Moody’s 
Đây không phải lần đầu tiên Moody’s có nhận định tiêu cực về tình hình tài chính Trung Quốc. Tháng trước, đại gia tín nhiệm này đã nhận định về lợi nhuận của các ngân hàng ở nền kinh tế số 1 châu Á.
Theo đó, 11 ngân hàng thương mại quốc doanh và ngân hàng thương mại cổ phần của nước này, trong đó có Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), đang đối mặt nhiều khó khăn về lợi nhuận.
Cụ thể, Moody’s cho biết dù nhìn chung tính thanh khoản và vốn hóa của những ngân hàng vẫn ở mức ổn định, nhưng đang có xu hướng suy yếu so với các ngân hàng nhỏ hơn. Trong năm 2016, 11 ngân hàng trên tăng trưởng tín dụng trung bình 12%, so với chỉ 10% năm 2015. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc năm 2006 chỉ tăng trưởng 6,7%, mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua.

Động thái hạ tín nhiệm của Moody’s không hoàn toàn bất ngờ. Vào tháng 3 năm ngoái, hãng này đã hạ triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực” - tức khó giữ được mức tín nhiệm, với lý do nợ gia tăng và sự bấp bênh trong khả năng của Bắc Kinh về thực hiện các cải cách và giải quyết tình trạng mất cân đối trong nền kinh tế.
Cùng thời gian, 1 trong 3 ông lớn đánh giá tín nhiệm khác là Standard & Poor’s cũng hạ triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc xuống “tiêu cực”. Hiện tại, Standard & Poor’s đang dành cho Trung Quốc định hạng tín nhiệm AA-, cao hơn 1 bậc so với mức A1 từ Moody’s và A+ từ Fitch Ratings.

Tăng trưởng thiếu bền vững
  Hiện nay Trung Quốc vẫn dựa vào kích thích kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng. Theo đó, chính quyền Trung Quốc đã cố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách đầu tư ồ ạt vào các dự án cơ sở hạ tầng và duy trì lãi suất ở mức rất thấp, giúp doanh nghiệp nhà nước sống sót, nhất là những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên, chính sách này đã tạo ra tình trạng bong bóng đầu cơ trong các khu vực như nguyên liệu và nhất là địa ốc, với việc giá nhà đất ở một số thành phố tăng đến chóng mặt.
Ghi nhận cho biết tổng tín dụng bất động sản ở Trung Quốc trong năm 2016 đã lên tới gần 700 tỷ USD, chiếm tới 45% tổng số khoản vay ngân hàng. Bong bóng địa ốc từ lâu đã được cảnh báo đang chực chờ nổ, nếu không có biện pháp xử lý nó có thể gây ra những hậu quả rất nặng nề cho nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Nhận rõ rủi ro này, ngay sau khi được bổ nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Quản lý Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) hồi tháng 3 vừa qua, ông Quách Thụ Thanh đã tuyên bố sẽ siết chặt quản lý ngành ngân hàng, tấn công nạn đầu cơ địa ốc và tín dụng đen.
Trung Quốc - Nguy cơ hạ cánh cứng (K1): Chưa xác lập đáy ảnh 1 Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm lại. 
Tuy nhiên, siết kỷ cương tài chính và hạ nhiệt địa ốc lại có tác dụng tiêu cực với tăng trưởng. Trong khi đó, Bắc Kinh lo ngại GDP tăng chậm lại sẽ khiến căng thẳng xã hội bùng phát và đồng NDT có thể giảm giá sâu hơn, chưa kể có thể đẩy mạnh dòng chảy máu vốn đang diễn ra.
Để dung hòa, chính phủ đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm nay ở mức 6,5%, thấp hơn năm 2016. Tuy nhiên, ngay cả mục tiêu này cũng không dễ đạt nếu không có các biện pháp kích thích.
Moody’s cảnh báo: “Những bước tiến đang diễn ra trong cải cách có thể sẽ dần chuyển đổi nền kinh tế và hệ thống tài chính, nhưng điều này khó ngăn mức nợ trong toàn nền kinh tế tăng thêm đáng kể, và hậu quả kéo theo là nghĩa vụ nợ gia tăng đối với chính phủ Trung Quốc”.
Hãng này dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc có thể giảm về mức 5% trong những năm tới, trong khi nợ trực tiếp của chính phủ sẽ tăng dần lên mức 40% GDP vào năm 2018 và lên gần ngưỡng 45% GDP vào cuối thập niên này. Ngoài ra, nợ của các hộ gia đình và các công ty phi tài chính của Trung Quốc cũng dự báo tiếp tục tăng.

Chưa phải mức cuối cùng
  Phản ứng trước động thái này, Bộ Tài chính Trung Quốc cho rằng Moody's đã thổi phồng quá mức những rủi ro của nền kinh tế dựa trên những phương pháp tính toán không hợp lý.
“Quan điểm của Moody’s rằng nợ phi tài chính của Trung Quốc sẽ gia tăng nhanh và chính phủ sẽ tiếp tục giữ tăng trưởng bằng các biện pháp kích thích là quá thổi phồng những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời xem nhẹ khả năng cải tổ cấu trúc kinh tế sâu rộng của chính phủ từ tăng trưởng bằng cung sang bằng cầu” - tuyên bố của Bộ Tài chính viết.

Mức tín nhiệm A1 vẫn còn nằm trong ngưỡng có thể đầu tư. Tuy nhiên, việc bị hạ bậc chắc chắn sẽ khiến chi phí vay nợ đối với chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp quốc doanh nước này tăng lên. Theo ước tính của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (Bank for International Settlements), tổng nợ của Trung Quốc tính đến năm 2016 đã lên đến 255,6% GDP, chỉ kém Hoa Kỳ một chút (255,7%).
Đáng chú ý, trong vòng 10 năm từ 2006-2016, tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc đã tăng hơn 100% từ mức 146%. Nhưng điều đáng lo ngại là nợ tư nhân (nợ của doanh nghiệp và hộ gia đình) ở Trung Quốc tăng quá nhanh, từ 119,7% năm 2006 lên 209,5% năm 2016, nhanh hơn hẳn so với các nền kinh tế nặng nợ khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Eurozone.
(còn tiếp)

Các tin khác