Trung Quốc: Nợ địa phương được kiểm soát và không có rủi ro hệ thống

Trung Quốc cho biết, nợ của chính quyền địa phương là có thể quản lý được và chính quyền có đủ nguồn lực tài chính để tránh rủi ro lan rộng, đồng thời nhằm xoa dịu lo ngại của nhà đầu tư về khả năng vỡ nợ.
Trung Quốc: Nợ địa phương được kiểm soát và không có rủi ro hệ thống

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã đã đăng tải 1 bài viết hôm thứ Hai (5/6) nhằm phản hồi những lo ngại gần đây về vấn đề tài chính của chính quyền địa phương. Tờ báo dẫn lời một quan chức giấu tên từ Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, tình hình tài chính của chính phủ nói chung là lành mạnh và kêu gọi chính quyền địa phương giải quyết các khoản nợ.

Thách thức hiện nay là “việc phân bổ nợ của chính quyền địa phương không cân bằng, trong đó một số khu vực chịu rủi ro tương đối cao và chịu áp lực thanh toán gốc và lãi khá lớn”, Tân Hoa Xã dẫn lời quan chức này cho biết.

Quan chức này cho biết, Bắc Kinh đã thúc giục chính quyền địa phương “giữ vững mục tiêu cuối cùng là không để rủi ro hệ thống nào xảy ra”.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Bloomberg, mức độ vay nợ đô thị ngày càng tăng của Trung Quốc là rủi ro tài chính lớn nhất trong năm nay đối với các nhà đầu tư trên khắp châu Á. Nhiều chính quyền địa phương đang phải đối mặt với căng thẳng tài chính nghiêm trọng sau khi doanh thu từ việc bán bất động sản giảm mạnh trong bối cảnh thị trường bất động sản suy thoái. Điều đó làm giảm khả năng tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế của chính phủ vào thời điểm mà sự phục hồi đang yếu đi.

Goldman Sachs ước tính rằng nợ chính phủ - bao gồm cả từ các nguồn ngoài bảng cân đối kế toán - ở mức 156 nghìn tỷ nhân dân tệ (22 nghìn tỷ USD), tương đương 126% tổng sản phẩm quốc nội vào năm ngoái. Nghiên cứu từ Rhodium Group cho thấy một nửa số thành phố ở Trung Quốc gặp khó khăn trong việc quản lý các khoản thanh toán lãi cho khoản nợ sắp tới hạn.

Wang Tao, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại UBS Group cho biết, sẽ là “không thực tế” nếu mong đợi chính quyền trung ương can thiệp và cứu trợ chính quyền địa phương vì những lo ngại về rủi ro đạo đức – một tình huống trong đó một gói cứu trợ khuyến khích các doanh nghiệp hoặc chính quyền địa phương tiếp nhận các khoản nợ rủi ro hơn.

Trung Quốc có thể sẽ dựa vào các ngân hàng để tái cơ cấu nợ và thúc đẩy chính quyền địa phương bán các tài sản khác ngoài đất đai, chẳng hạn như cổ phần doanh nghiệp nhà nước.

“Về lâu dài, chính phủ, đặc biệt là chính quyền địa phương sẽ đóng vai trò nhỏ hơn trong nền kinh tế tổng thể vì sẽ có ít doanh thu từ đất đai hơn và do đó sẽ có ít nguồn tài chính hơn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Sẽ rất khó để tăng thuế một cách đáng kể để bù đắp cho việc bán bất động sản”, nhà kinh tế Wang Tao cho biết.

Các tin khác