Giấc mơ của Đặng Tiểu Bình
Để đạt mục tiêu đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thu nhập khả dụng phải tăng gấp đôi so với năm 2010, và không có công dân Trung Quốc nào sống dưới mức nghèo khổ quốc gia (340USD/năm). Trước Tết Nguyên đán 2020, triển vọng đạt được tiểu khang có vẻ khả quan. Để đạt được mục tiêu GDP, nền kinh tế phải tăng khoảng 6% trong năm nay, giảm nghèo cũng tương tự. Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS), năm 2019 Trung Quốc có 11 triệu người thoát khỏi nghèo đói, nhưng vẫn còn 5,5 triệu người. Vì thế, việc xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói trong năm nay có thể đạt được, dù vẫn khó khăn.
Nhưng đại dịch Covid-19 đã làm tê liệt nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian 3 tháng, dẫn đến sự sụt giảm lịch sử GDP 6,8% trong quý I-2020. Dù vậy, trong báo cáo thường niên trước Quốc hội ngày 5-6, Thủ tướng Lý Khắc Cường vẫn bày tỏ tự tin. Ông tuyên bố lần đầu tiên sau 30 năm Trung Quốc sẽ không đặt mục tiêu GDP hàng năm, nhưng sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống đói nghèo và đạt được mục tiêu xây dựng "tiểu khang xã hội" về mọi mặt.
Tuy nhiên, đối mặt với đại dịch, điều gì sẽ xảy ra đối với người dân Trung Quốc? Để trả lời những câu hỏi này, cần nhắc lại "tiểu khang" là khái niệm được đưa ra bởi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trong cuộc nói chuyện vào tháng 10-1979 với Thủ tướng Nhật Bản Masayoshi Ohira. Sau đó, ông Đặng đã liên kết tiểu khang với mục tiêu chính sách cụ thể: từ năm 1980-2000 tăng gấp 4 lần GDP và GDP bình quân đầu người. Những mục tiêu này đã hoàn thành, lần lượt cao hơn năm 1980 gấp 4 lần vào năm 1995 và 1997.
Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2015-2020), Bắc Kinh phác thảo một xã hội tiểu khang về mọi mặt, như tăng gấp đôi GDP và thu nhập khả dụng từ năm 2010-2020. Hồi tháng 3, ông Tập đảm bảo với người dân Trung Quốc rằng dù cuộc khủng hoảng Covid-19, chính phủ cam kết xóa đói giảm nghèo theo kế hoạch để xây dựng một tiểu khang xã hội trên mọi phương diện. Ngoài ra, phát triển kinh tế là cách để chính phủ tạo dựng uy tín. Trong nhiều thập niên, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và giảm nghèo đói đã giúp người dân Trung Quốc tin tưởng vào chính phủ.
Đã sa vào suy thoái?
Đã sa vào suy thoái?
Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn dữ liệu xuất khẩu, cho thấy sự phục hồi của nó chủ yếu xuất phát từ nhu cầu toàn cầu về nguồn cung cấp y tế, nhưng điều này khó kéo dài. Nhập khẩu trong tháng 4 giảm 14,2% theo năm, cho thấy nhu cầu nội địa yếu. Trên hết, quy mô thực sự của thiệt hại kinh tế sẽ chỉ được nhìn thấy sau khi các ngành công nghiệp trên toàn thế giới mở cửa trở lại. Để tăng gấp đôi GDP 2010, nền kinh tế sẽ phải tăng khoảng 6% trong năm nay. Nhưng với mức giảm 6,8% trong quý I và sự sụt giảm nhu cầu quốc tế, mục tiêu đó bây giờ dường như không thể.
Khảo sát mới nhất của China Beige Book (CBB), cho biết Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng âm trong quý II, tức đã rơi vào suy thoái. Khảo sát của CBB cũng cho thấy nền kinh tế có khả năng tăng trưởng âm trong cả năm 2020. Trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự kiến tăng trưởng giảm xuống mức 1,2% trong năm nay. Bằng cách không đặt mục tiêu GDP năm nay, chính phủ cho thấy việc tăng gấp đôi GDP trong năm nay là không thể.
Nhưng tại sao ông Lý Khắc Cường vẫn cam kết sẽ đạt được tiểu khang? Dường như Bắc Kinh đang chuyển trọng tâm từ tăng trưởng kinh tế định lượng sang phát triển kinh tế xã hội. Liu Minquan, GS. kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, nói: "Mục tiêu của tiểu khang xã hội không chỉ về thống kê GDP, cần phản ánh sự cải thiện thực sự của người dân".
Các mục tiêu chính sách mới được Quốc hội công bố đã nhấn mạnh đến tạo việc làm và giảm nghèo. Cụ thể, họ đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở 6% (mức hiện tại), bảo đảm mức sống và đẩy mạnh các nỗ lực để đạt được xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Trong bài phát biểu của mình, ông Lý đã liên kết rõ ràng các mục tiêu này với tiểu khang. Tuy nhiên, điều này đặt ra câu hỏi liệu chính phủ có sẵn sàng chấp nhận ưu tiên ổn định việc làm và giảm nghèo hơn là thúc đẩy tăng trưởng GDP?
Thiệt thòi lao động nhập cư
Thiệt thòi lao động nhập cư
Tỷ lệ thất nghiệp chính thức của Trung Quốc đã tăng lên 6% trong tháng 4, từ mức 5,9% trong tháng 3. Đã có nhiều tranh luận về tính chính xác của những con số này. Một số nhà phân tích cho rằng thất nghiệp thực tế có thể đã ở mức 12%. Hiện Trung Quốc có 290 triệu lao động nhập cư, trong đó 170 triệu người là cư dân nông thôn. Mặc dù phương pháp điều tra thất nghiệp hiện nay đã bỏ qua hộ khẩu của người lao động, nhưng các cuộc khảo sát chắc chắn đánh giá thấp tỷ lệ thất nghiệp của lao động nhập cư ở nông thôn, vì họ thường làm việc không chính thức và thay đổi công việc thường xuyên. Vì thế, người di cư thất nghiệp có thể không được đưa vào các số liệu thống kê, sẽ là trở ngại trong việc xây dựng chính sách giúp đỡ nhóm này.
Những ảnh hưởng của Covid-19 đối với nghèo đói cũng rất khó giải quyết. Một lần nữa, người di cư nông thôn có lẽ là nhóm dễ bị tổn thương nhất. Theo GS. Liu, đại dịch đã và sẽ tiếp tục có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến mọi người, nhưng tác động đối với người lao động nhập cư có lẽ lớn nhất. Nhiều người trong số này hiện đã mất việc vì nhà máy ngừng hoạt động hoặc cửa hàng bị đóng. Dù họ có đất đai ở quê, nhưng điều đó khó có thể giúp họ thoát nghèo. GS. Liu giải thích, họ không được hưởng mức bảo trợ xã hội như cư dân tại các thành phố họ di cư đến. Dường như không thể tránh khỏi việc nhiều người di cư và những người phụ thuộc của họ sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói.
Tuy nhiên, cũng có những điểm sáng đối với người dân Trung Quốc. Với những cam kết mạnh mẽ của các lãnh đạo cấp cao về tiểu khang xã hội, Bắc Kinh có lẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tìm cách bảo vệ mức sống của người dân. Bắc Kinh đã chứng minh trong quá khứ, họ đã giúp đỡ người nghèo bất chấp những cú sốc kinh tế. Số người nghèo ở nông thôn đã giảm 120 triệu trong giai đoạn 2005-2010, bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, trong khi số lượng người nghèo hiện tại nhỏ hơn nhiều.