Trung Quốc với nỗi lo đứt gãy sản xuất

(ĐTTCO)-“Đại công xưởng” của thế giới là Trung Quốc đang trong giai đoạn thiếu điện trầm trọng, ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thiếu than và khí đốt

Giá than tại Trung Quốc gần đây tiếp tục tăng do thiếu hụt nguồn cung trong nước, trong khi lệnh cấm nhập khẩu than từ Úc được duy trì, cộng với áp lực phải giảm phát thải khiến nhiều nhà máy điện than cắt giảm sản lượng nhằm hạn chế thua lỗ. Việc cắt giảm sản lượng điện trong bối cảnh nhu cầu tăng cao là do giá bán điện bị giới hạn, vốn thấp hơn so với thế giới.

Với trên 60% sản lượng điện tại Trung Quốc đến từ nhiệt điện chạy than, tình trạng thiếu điện trong bối cảnh nhu cầu tăng vọt đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của hầu hết các ngành, từ luyện nhôm đến dệt may, chế biến đậu tương.

Trung Quốc với nỗi lo đứt gãy sản xuất ảnh 1

Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) là loại năng lượng được ưu tiên thay thế than cũng có giá tăng vọt, làm tăng chi phí của không ít ngành công nghiệp như gốm sứ, luyện kim, thủy tinh, hoa quả sấy khô.

LNG còn là nhiên liệu được sử dụng phổ biến để sưởi ấm. Ông Ciaran Roe, Giám đốc toàn cầu về LNG tại S&P Global Platts dự báo, nhiệt độ mùa Đông năm nay có thể thấp hơn mức trung bình hàng năm ở Trung Quốc và Hàn Quốc, sẽ khiến giá LNG tăng cao hơn. Giá LNG ở châu Á hiện đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh tồn kho thấp, thiếu than và tình hình tranh giành nguồn cung khí đốt trở nên căng thẳng.

Giá silic tăng phi mã

Trung Quốc là nhà sản xuất silic lớn nhất thế giới. Vật liệu này gần như được sử dụng trong mọi thứ, từ chip máy tính đến bê tông, kính, bộ phận ô tô, đồ gia dụng. Nước này yêu cầu các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng để tiết kiệm điện góp phần khiến giá silic tăng hơn 300% trong chưa đầy 2 tháng, từ 8.000 - 17.000 nhân dân tệ/tấn (1.200 - 2.600 USD/tấn) lên 67.300 nhân dân tệ/tấn.

Silic có thể được tinh chế thành vật liệu siêu dẫn điện, giúp chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành điện năng trong các tấm pin mặt trời, nên giá tăng khiến ngành năng lượng mặt trời cũng đang chịu áp lực lớn. Trong tuần qua, giá tấm pin năng lượng mặt trời đạt 32,6 USD/kg, mức cao nhất kể từ năm 2011 và tăng hơn 400% so với đầu tháng 6/2020.

Yang Xiaoting, nhà phân tích cấp cao tại Shanghai Metals Market nhận định, giá silic có khả năng tiếp tục tăng cho đến mùa Hè năm sau, do nhu cầu ngày càng tăng.

Một loạt nguyên nhiên liệu cơ bản tăng giá và nguồn cung khan hiếm đang tạo nên sức ép lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Tác động kép của tình trạng này đối với đà tăng trưởng của kinh tế thế giới là hiện hữu, làm tăng lo ngại về lạm phát kèm suy thoái kinh tế.

Ông Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura Holdings dự báo, thị trường toàn cầu sẽ chứng kiến sự thiếu hụt nguồn cung từ đồ dệt may, đồ chơi đến linh kiện máy móc. Cú sốc nguồn cung có thể đẩy lạm phát lên cao, đặc biệt ở những nền kinh tế phát triển như Mỹ.

Dịch chuyển khỏi Trung Quốc

Thiếu điện cộng với tình trạng tắc nghẽn trong quá trình vận chuyển và những yêu cầu giới hạn trong việc di chuyển đến Trung Quốc khiến không ít doanh nghiệp đa quốc gia cân nhắc việc chuyển một số hoạt động sang thị trường khác.

Theo ông Johan Annell, đối tác tại Asia Perspective - công ty tư vấn làm việc chủ yếu với các công ty Bắc Âu đang hoạt động ở Đông Á và Đông Nam Á, một số công ty quyết định không đầu tư vào Trung Quốc, dù trước đó đã lên kế hoạch cho khoản đầu tư trị giá hàng chục triệu USD. Mặc dù Trung Quốc vẫn là một điểm đến rất mạnh cho sản xuất, nhưng các doanh nghiệp đang tìm cách chuyển hướng đầu tư vào Đông Nam Á, nhất là Việt Nam.

Hiện giới chức Trung Quốc đang có những động thái giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng như yêu cầu tăng cường sản xuất than và vận chuyển đến các nhà máy nhiệt điện, trấn an rằng có đủ nguồn cung khi mùa Đông đến. Theo Bloomberg, nước này cũng đang xem xét tăng giá điện để giảm bớt tình trạng căng thẳng nguồn cung.

Các tin khác