![Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM theo mô hình nào?](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/evofjasfzyr/2025_02_08/fintech-concept-with-city-background-7853-1520.jpg.webp)
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, cho đến nay nhiều TTTC lớn trên thế giới đã đi trước và thành công, vậy TPHCM nên hướng đến mô hình TTTC nào để tạo được sự cạnh tranh?
PGS.TS NGUYỄN HỮU HUÂN: - Về mô hình cũng đã có nhiều đề xuất trước đó, tôi cho rằng TPHCM nên đi theo mô hình trung tâm công nghệ tài chính (fintech). TTTC quốc tế tại TPHCM cần phải có sự khác biệt và cụ thể, đó là đưa yếu tố công nghệ vào. Còn nếu chỉ đi theo mô hình TTTC đã có, TPHCM sẽ khó cạnh tranh với những TTTC hiện tại như Hồng Kông, Thượng Hải, Singapore hay Dubai…
Tuy nhiên, khi thực hiện mô hình này đòi hỏi phải có những chính sách liên quan về hạ tầng, ngoài cơ sở hạ tầng phần cứng phải quan tâm đặc biệt đến hạ tầng mềm, hạ tầng công nghệ để thúc đẩy phát triển TTTC mới này.
Đồng thời, cần phải có những mô hình hoạt động hoàn toàn mới, chẳng hạn thị trường chứng khoán mới với những công nghệ mới blockchain để đảm bảo được giao dịch T+0 (bên mua nhận được chứng khoán và bên bán nhận được tiền trong cùng ngày diễn ra giao dịch), và theo nguyên tắc công khai minh bạch, để tạo ra sự khác biệt. Vì hiện nay trên thế giới cũng chưa có thị trường chứng khoán nào theo hình thức phi tập trung dựa trên công nghệ blockchain.
Song song đó, TTTC mới này không chỉ khuyến khích các tập đoàn tài chính đa quốc gia, mà cần khuyến khích cả những công ty fintech tham vào để phát triển. Cần tạo ra một hệ sinh thái để hỗ trợ các công ty fintech phát triển, có những cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) để thử nghiệm những sản phẩm mới trên TTTC, từ đó tạo ra sự khác biệt so với các TTTC khác.
![ts-huan-5482.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/evofjasfzyr/2024_12_27/ts-huan-5482-2652-4604.jpg.webp)
Hiện nay theo quy hoạch, TPHCM sẽ dùng Thủ Thiêm và một phần của quận 1 để xây dựng TTTC quốc tế. Tuy nhiên, có một nhược điểm là chi phí thuê văn phòng ở đây hiện khá cao và lượng văn phòng cũng gần như đã kín chỗ. Do đó, bên cạnh việc đặt TTTC quốc tế ở đây, cần có những trung tâm vệ tinh nằm ở Cần Giờ hoặc Bình Chánh, để có thể tận dụng thêm các quỹ đất lớn từ những khu vực này để xây dựng những công trình mang tính biểu tượng và những tòa nhà phục vụ cho hệ sinh thái khởi nghiệp (start up), fintech…
Vì nếu kêu gọi các doanh nghiệp start up hay fintech tham gia và đặt văn phòng ở trung tâm như Thủ Thiêm hay quận 1 với chi phí thuê cao, họ cũng khó tham gia. Trên thế giới, TTTC quốc tế Tokyo (Nhật Bản) cũng có vệ tinh bên ngoài như vậy. Hay ở Anh, TTTC quốc tế cũng xây dựng bên ngoài trung tâm thành phố hiện hữu đã tạo ra một khu hoàn toàn mới. TPHCM có thể cân nhắc thêm vấn đề này.
- Nếu TPHCM thực hiện theo mô hình như ông đề xuất sẽ cần các điều kiện gì để triển khai?
- Như tôi đã nói, để triển khai mô hình này, cần phải có những cơ chế sandbox để thử nghiệm cho những sản phẩm mới về fintech. TPHCM cần xây dựng hệ thống dữ liệu tài chính mạnh mẽ, tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và dữ liệu lớn (Big Data) để hỗ trợ hoạt động tài chính.
Với mô hình đó, an ninh mạng là vấn đề rất quan trọng, đòi hỏi Bộ Công an và các tổ chức phòng chống an ninh mạng cũng phải có sự phối hợp chặt chẽ với trung tâm để đảm bảo tính an toàn cho hệ thống của trung tâm.
Đồng tiền giao dịch ở TTTC quốc tế này phải đa dạng, phải sử dụng những đồng tiền mạnh của thế giới như USD, Eur, bảng Anh hay cả Nhân dân tệ, và cân nhắc sử dụng những đồng tiền crypto, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số để tạo độ mở lớn hơn so với các TTTC quốc tế khác trong khu vực, chẳng hạn như Singapore.
Dòng tiền phải tự do luân chuyển, không chịu kiểm soát chặt chẽ giữa trung tâm và bên ngoài thế giới nhưng tách biệt với phần còn lại của Việt Nam, để tránh việc bị tấn công tiền tệ. Bên cạnh đó phải có những quy định chặt chẽ phòng chống rửa tiền như các TTTC quốc tế khác, để tránh trở thành nơi rửa tiền của thế giới.
TTTC quốc tế tại TPHCM cần phải tạo ra đột phá về công nghệ để tiết giảm được chi phí giao dịch cũng như thời gian giao dịch. Còn nếu chỉ ưu đãi thuế, trên thế giới những “thiên đường thuế” đã làm, đã có những TTTC quốc tế áp dụng mức thuế 0%, nếu chúng ta cạnh tranh cũng chỉ có thể đưa về 0%, không thể hơn được.
Hiện nay, vấn đề quan trọng nhất vẫn là cải cách thể chế. Quy trình để đầu tư vào TTTC mới này phải tinh gọn hơn về thời gian và trung tâm này phải có độ mở, đăng ký và phê duyệt theo quy trình tự động…
- Thưa ông, nguồn nhân lực đã được lãnh đạo TPHCM xác định yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của các TTTC. Theo ông làm thế nào để phát huy yếu tố then chốt này để phục vụ cho TTTC quốc tế tại TPHCM?
- Hiện nay, các trường đại học trên địa bàn TPHCM cũng đáp ứng tương đối nguồn nhân lực về lĩnh vực fintech, vì đã có rất nhiều trường đào tạo ngành fintech. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phối hợp thêm với trường đại học lớn trên thế giới để đào tạo thêm nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo được trình độ lao động của Việt Nam tương ứng với trình độ của thế giới. Cần chú trọng các chương trình đào tạo chuyên sâu về tài chính, quản lý rủi ro, phân tích dữ liệu và công nghệ tài chính.
Đặc biệt, đội ngũ vận hành TTTC quốc tế tại TPHCM cần được đào tạo rất kỹ hoặc đưa đi tu nghiệp ở những trung tâm lớn trên thế giới như New York, London để học hỏi cách vận hành của họ.
Với những công nghệ mới này, phải cử đội ngũ đi để tiếp nhận và chuyển giao công nghệ và học hỏi những mô hình hiện đại trên thế giới, chứ không chỉ học hỏi ở các TTTC trong khu vực. Điều này nhằm có được những sự am hiểu nhất định về độ sâu tài chính ở những trung tâm lớn của thế giới, từ đó phát triển TTTC quốc tế tại TPHCM.
-Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
TPHCM cũng cần triển khai các chính sách thu hút nhân tài quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và công nghệ. Kế hoạch của TPHCM là từ 5-10 năm nữa sẽ hình thành TTTC quốc tế, thời gian như vậy là phù hợp và ngay bây giờ cần chuẩn bị cơ chế pháp lý, hành lang pháp lý, hệ sinh thái, hạ tầng để tiến hành xây dựng trung tâm này.