Theo tờ Newsweek (Mỹ), khi đề cập đến mối quan hệ tương lai giữa Washington và Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 20/1 đã cố gắng tách biệt giữa chính quyền đương nhiệm và chính quyền cũ của Mỹ.
Chỉ vài phút sau khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ, Trung Quốc tuyên bố trừng phạt 28 quan chức làm việc trong chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Đáng chú ý trong danh sách này có cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Lệnh trừng phạt cấm những nhân vật có tên trong danh sách được nhập cảnh hoặc kinh doanh tại Trung Quốc đại lục, Hong Kong cũng như Macau. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết những người này đã “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc” và “phá hoại quan hệ Mỹ-Trung”.
Truyền thông Trung Quốc dẫn nhận định từ các nhà phân tích cho rằng những biện pháp gần đây đã tạo “vạch đáy” trong mối quan hệ giữa hai quốc gia và là cảnh báo từ Bắc Kinh gửi với nội các ông Biden rằng không nên đi theo con đường cựu Tổng thống Trump đề ra.
Chính quyền tân Tổng thống Biden cũng có lời đáp trả nhanh chóng trong ngày 20/1 khi chỉ trích các lệnh trừng phạt của Bắc Kinh. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Emily Horne lập luận với hãng thông tấn Reuters (Anh): “Áp đặt các lệnh trừng phạt trong ngày tuyên thệ nhậm chức là động thái chia rẽ đảng phái. Cả hai đảng của Mỹ nên chỉ trích hành vi không sinh lợi và bất cần đạo lý này. Tân Tổng thống Biden hướng tới phối hợp cùng lãnh đạo của cả hai đảng để đưa Mỹ vượt qua Trung Quốc”.
Nhiều nhân sự cấp cao được tân Tổng thống Biden đề cử như ông Antony Blinken cho vị trí Ngoại trưởng, ông Lloyd Austin tại Lầu Năm Góc và bà Janet Yellen cho chiếc ghế bộ trưởng Bộ Tài chính, đều bày tỏ quan điểm coi Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và ổn định kinh tế Mỹ cùng các đồng minh của Washington.
Trong hàng loạt bài đăng trên tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 20-21/1, các cây bút đều cảnh báo tân Tổng thống Biden về “nguyên tắc và ranh giới” của Trung Quốc. Một bài viết thậm chí có nội dung “khuyên bảo” tân Tổng thống Biden “có trách nhiệm và dung cảm” để chỉnh sửa các chính sách sai lầm của chính quyền người tiền nhiệm Trump và lệnh trừng phạt gần đây là “ranh giới đỏ” Bắc Kinh vạch ra về tương lai quan hệ Mỹ-Trung.
Cũng theo các cây bút của Thời báo Hoàn Cầu, việc ông Blinken cùng những cá nhân khác bày tỏ quan ngại về Trung Quốc là nhằm nhận được “ủng hộ tối đa” và các phát biểu của họ không nên coi như chính sách cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), mặc dù tân Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã biết nhau hơn một thập niên nhưng quan hệ Mỹ-Trung đã thay đổi rất nhiều so với thời ông Biden còn giữ chức Phó Tổng thống. Trong thời gian từ đó đến nay, Trung Quốc đã tăng cường sức mạnh quân sự. Về kinh tế, Chủ tịch Tập Cận Bình áp dụng lập trường cứng rắn với Mỹ. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần kêu gọi nước này “tự lực” trong những lĩnh vực then chốt.