Bùng nổ thanh khoản
Thanh khoản có dấu hiệu sụt giảm trong những phiên giao dịch cuối tháng 6, nhưng thị trường vẫn chứng kiến quý II có dòng tiền đổ vào TTCK mạnh mẽ. Với giá trị giao dịch bình quân của sàn HOSE đạt gần 6.300 tỷ đồng/phiên, thanh khoản tương đương quý II-2018, chỉ kém giai đoạn thị trường bùng nổ trong quý I-2018.
Riêng trong tháng 6, thanh khoản thị trường CP ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 9,55 tỷ CP, tổng giá trị giao dịch khoảng 146.660 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng lần lượt 59,62% về khối lượng và 31,32% về giá trị.
Cũng trong tháng ghi nhận phiên có tổng giá trị giao dịch bao gồm khớp lệnh và thỏa thuận cao kỷ lục, nhờ thương vụ mua thỏa thuận 15.000 tỷ đồng VHM (Vinhomes) của một nhóm quỹ đầu tư nước ngoài.
Nếu không có thương vụ mua thỏa thuận VHM, động thái giao dịch của NĐTNN bám khá sát với diễn biến của chỉ số, khi khối ngoại giao dịch khá cân bằng trở lại sau chuỗi bán ròng ở những tháng đầu năm.
Cụ thể, NĐTNN bán ròng chỉ thực sự diễn ra trong những ngày cuối tháng 6 trước lo ngại về làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19.
Điểm sáng của khối ngoại vẫn đến từ việc bỏ tiền vào các chứng chỉ quỹ (CCQ) ETF nội mới. Đơn cử, FUEVFVND và FUESSVFL ETF lần lượt phát hành mới 61 CCQ và 22 triệu CCQ, trong khi quỹ E1VFVN30 ETF phải mua lại 46 triệu CCQ.
Trong bối cảnh đó, các quỹ ETF ngoại không ghi nhận nhiều hoạt động trong tháng 6. Trường hợp của CCQ VNM ETF là điểm sáng hiếm hoi từ ETF ngoại khi phát hành 500.000 CCQ trong tháng 6.
“Khẩu vị” F0
“Khẩu vị” F0
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký CK (VSD), NĐT trong nước đã mở mới 35.046 tài khoản CK trong tháng 6, trong đó bao gồm 34.965 tài khoản cá nhân và 81 tài khoản tổ chức. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp thị trường ghi nhận số lượng tài khoản mở mới ở mức trên 30.000. Lũy kế trong 4 tháng gần nhất, NĐT nội đã mở mới 137.753 tài khoản CK, tương đương 73% số lượng tài khoản CK mở mới trong năm 2019.
Như vậy, tính đến thời điểm cuối tháng 6, số lượng tài khoản CK trên TTCK đạt hơn 2,54 triệu tài khoản.
Như ĐTTC đã từng phản ánh trong bài viết “Cẩn trọng hồi sinh cổ phiếu siêu nhỏ”, tâm lý NĐT mới (giới đầu tư gọi là NĐT F0) là mua “bắt đáy” sau chuỗi giảm giá của thị trường do lo ngại dịch bệnh Covid-19.
Do đó, họ thường có xu hướng chọn những mã CP có giá thấp, thậm chí giá càng thấp càng kích thích họ mua vào. Sự gia nhập của NĐT F0 đóng vai trò tương đối quan trọng, giúp VN Index hồi phục mạnh từ vùng 650 điểm cuối tháng 3 lên mức hiện tại.
Thực tế, tỷ trọng giao dịch của NĐT cá nhân trong nước đang tăng lên trong những tháng gần đây. Theo thống kê của CTCK Bảo Việt (BVSC), tỷ trọng đạt khoảng 76,4% và 78,6% trong tháng 5 và tháng 6, từ mức chỉ khoảng 72% của thời điểm đầu năm.
Sau đợt bùng nổ, các NĐT F0 tỏ ra thận trọng hơn trong những ngày cuối tháng 6, khiến thanh khoản có phiên chỉ đạt 3.000 tỷ đồng. Về cơ cấu dòng tiền, nhóm CP xây dựng và vật liệu xây dựng vẫn dẫn đầu khả năng hút vốn, với tỷ trọng chiếm 26,7% toàn thị trường. Tiếp theo là các nhóm ngân hàng (18,6%), thực phẩm (9%), bất động sản (7,5%).
Kỳ vọng dòng tiền mới
Kỳ vọng dòng tiền mới
Sự thận trọng của NĐT F0 khiến dòng tiền bị chững lại trong những phiên giao dịch gần đây do lo ngại làn sóng bùng phát dịch bệnh thứ 2. Tuy nhiên, chỉ cần Covid-19 được kiểm soát, dòng vốn này sẽ đổ mạnh vào thị trường. |
Theo nhận định CTCK KIS Việt Nam (KIS), trong nửa cuối năm nay, dù định giá VN Index không còn rẻ nhưng với việc thanh khoản dồi dào, sẽ định giá lại toàn thị trường. Lãi suất tiết kiệm thấp dẫn đến mức định giá P/E của CP cao hơn, vì đây là những công cụ đầu tư thay thế. Có thể thấy rõ điều này trong giai đoạn 2009-2015.
Cụ thể, trong giai đoạn 2009-2011, lãi suất tiền gửi 1-6 tháng đã tăng gấp đôi, từ 7% lên 14% và P/E của VN Index giảm từ 20 lần xuống 7 lần. Trong giai đoạn 2012-2015, lãi suất đã bị cắt giảm gần 2/3, từ 14% xuống còn 5,4% và P/E tăng từ 10 lần lên đến 15 lần.
Trong giai đoạn 2016-2018, dù lãi suất tiết kiệm không đổi, dòng tiền từ Hàn Quốc đã giúp P/E đạt đỉnh 21,5 lần trong tháng 3-2018. Hiện tại, vì lãi suất tiết kiệm bị cắt giảm từ 5,5% xuống 4,25% kể từ cuối năm 2019, P/E có thể tăng cao hơn từ mức trung bình năm 2019 là 16,4 lần.
Với cùng nhận định này, các chuyên gia phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), cho rằng chênh lệch tăng trưởng cung tiền và tín dụng duy trì mức dương tháng thứ 10 liên tiếp và đang ở mức cao kể từ năm 2016.
Lãi suất liên ngân hàng (NH) kỳ hạn 1 tháng vẫn đang duy trì ở mức thấp, phần nào cho thấy dòng tiền trong hệ thống vẫn tiếp tục dồi dào trong ít nhất một tháng tới. Trong khi đó, thị trường mở (OMO) hầu như vắng bóng giao dịch giữa NHTM với NHNN.
Tổng hợp các yếu tố trên cho thấy nhu cầu vốn cho hoạt động kinh tế khả năng vẫn duy trì ở mức thấp trong tháng tới. Việc các NHTM liên tiếp giảm lãi suất huy động, một mặt giúp các NH giảm chi phí vốn, song cũng sẽ kích thích dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư như CK và bất động sản, 2 kênh đầu tư phổ biến nhất ở Việt Nam.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ít bị tổn thương hơn so với giai đoạn khủng hoảng 2007-2008, khoảng cách giữa lợi tức CP (P/E đảo ngược) với lãi suất tiết kiệm đang ở mức cao kỷ lục so với các con số âm của năm 2008-2012.
Một nửa thời gian trong số 12 năm qua, việc định giá lại là yếu tố chính dẫn dắt VN Index ở cả thị trường tăng và giảm. Khả năng cao VN Index có thể kết thúc năm nay ở mức 900-1.000 điểm, với giả sử EPS giảm 9% và VN Index giao dịch với mức định giá P/E cao hơn so với mức trung bình 2019 là 16,4 lần.