F0 “tỉnh mộng”
Sự kiện lãnh đạo Tân Hoàng Minh gửi “tâm thư” với nội dung từ chối nộp tiền mua khu đất Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) chính là “phát súng” phá tan giấc mộng làm giàu của rất nhiều NĐT, đặc biệt NĐT F0.
Trên bảng điện, nhóm CP BĐS có sóng tăng mạnh sau phiên đấu giá đất Thủ Thiêm, như CII, NBB, DIG, DLG, HQC, QCG, DRH, HAR, CEO, BII, DXG, SCR, ITC, KHG… chỉ thường trực màu xanh lơ (giảm sàn) do không có người mua.
Việc NĐT “đào thoát” khỏi nhóm CP BĐS khiến nhiều mã mất hơn 20% giá trị chỉ sau 3 phiên giao dịch. Với NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính (margin), mức thua lỗ có thể lên đến 40%.
Song NĐT muốn bán cắt lỗ cũng rất khó khăn, khi bên bán luôn chực chờ hàng chục triệu CP đặt bán ở mức giá sàn trên bảng điện. Đơn cử, CII của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM, là mã BĐS hưởng lợi nhiều nhất sau phiên đấu giá đất Thủ Thiêm khi có chuỗi tăng từ mức 28.000 đồng/CP lên 60.000 đồng/CP. Yếu tố giúp CII trở thành mã CP hút dòng tiền là thông tin doanh nghiệp này có quỹ đất lớn tại TP Thủ Đức.
Theo những NĐT tranh mua CII, giá trị những lô đất doanh nghiệp này đang nắm giữ sẽ gia tăng chóng mặt, giá CP sẽ nhanh chóng vượt mốc 100.000 đồng/CP. Kỳ vọng quá lớn nên thất vọng với CII cũng kinh hoàng. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, trong khi nhiều mã BĐS có dấu hiệu hồi phục, CII vẫn nằm trong tình trạng dư bán giá sàn (45.650 đồng/CP) hơn 20 triệu CP.
Điều đáng nói, trong cơn lao dốc của nhóm CP BĐS, nhiều mã không liên quan cũng bị vạ lây. Như mã HNG dù hoạt động sản xuất kinh doanh chính là nông nghiệp, vẫn bị bên nắm giữ bán ra ào ạt, với lý do công ty mẹ Thaco tham gia lĩnh vực BĐS.
Trên các diễn đàn, nhiều NĐT F0 than vãn CP mình đang nắm giữ không liên quan đến BĐS, thậm chí nhiều mã được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh đột biến trong quý IV-2021 và không hề tăng trong sóng tăng của thị trường, cũng quay đầu song hành trong hành trình lao dốc cùng nhóm BĐS.
Thời điểm trước phiên đấu giá đất Thủ Thiêm cuối năm 2021, nhóm CP BĐS đã có đợt tăng kinh hoàng. Nhiều mã ghi nhận mức tăng bằng lần, chỉ cần điều kiện đơn giản là doanh nghiệp có chút liên quan đến BĐS. Thậm chí nhiểu doanh nghiệp không có ý định tham gia BĐS nhưng có quỹ đất lớn, cũng trở thành tâm điểm của dòng tiền đầu cơ.
Đơn cử, mã VHG của CTCP Cao su Quảng Nam bật tăng gấp đôi trong thời gian ngắn, với tin đồn doanh nghiệp này có nhiều lô đất đang trồng cao su có khả năng chuyển đổi mục đích thành đất thổ cư. Cũng như CII, VHG bị bán tháo từ mức trên 15.000 đồng/CP xuống chỉ còn 9.400 đồng/CP.
Hậu quả của “bánh vẽ”
Anh M., NĐT F0 tại TPHCM, tham gia một diễn đàn kín với “chủ xị” là thành viên HĐQT một công ty BĐS có biệt danh “Anh 7”. “Anh 7” được nhiều NĐT hâm mộ khi liên tục “phím” hàng cho các thành viên với hàng loạt mã CP BĐS, đặc biệt mã L14 (CTCP Licogi 14), mã CP hiện đang có giá cao nhất trên TTCK là 435.600 đồng/CP. Trong danh sách những mã CP BĐS “Anh 7” khuyến nghị NĐT mua vào gồm có CEO, NBB, DIG và CII.
Từ thông tin của “Anh 7”, anh M., đã rút sổ tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng mua full margin CII và NBB với mức giá sát đỉnh. Tuy nhiên, việc Tân Hoàng Minh bất ngờ “hủy kèo” vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, khiến anh M. trở thành NĐT dài hạn bất đắc dĩ. “Số CP này đã bị call margin, nhưng muốn bán cũng không được. Bây giờ tôi đành phó mặc tài khoản cho CTCK muốn bán giải chấp hay làm gì đó thì làm” - anh M. chua xót nói.
Trước sóng tăng này, nhiều chuyên gia CK đã cảnh báo NĐT về sự bất hợp lý của nhiều mã CP BĐS. Song những khuyến cáo đã không nhận được sự quan tâm của các F0 trong “cơn say” với CP BĐS. Cụ thể, từ đầu năm 2022 CTCK Sacombank (SBS) đã phải dùng từ “nguy hiểm” để khuyến cáo NĐT không nên giải ngân vào mã CEO của CTCP Tập đoàn CEO.
Báo cáo của SBS chỉ ra rủi ro đầu tư CEO đã tăng cao bất thường, không phản ánh đúng thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp. Định giá doanh nghiệp theo 2 phương pháp so sánh P/B ngành và phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, kể cả trong kịch bản khả quan, SBS nêu ra mức giá hợp lý cho CEO là 21.695 đồng/CP.
Theo SBS, CEO là doanh nghiệp kinh doanh BĐS có quỹ đất giá trị lên đến 962,1ha, tập trung tại Phú Quốc (304ha), Quảng Ninh (383ha), Hà Nội (44ha). Trong dài hạn, quỹ đất của CEO có tiềm năng tăng trưởng ở mảng kinh doanh chuỗi BĐS du lịch. Tuy nhiên, khả năng triển khai dự án của CEO còn hạn chế do thiếu quy mô vốn đầu tư, dẫn đến tiến độ triển khai các dự án vẫn bỏ ngỏ.
SBS cũng chỉ ra điểm yếu của CEO đến từ việc sử dụng đòn bẩy tài chính không hợp lý, khi vay ngắn hạn quá nhiều cho những dự án dài hạn. Cụ thể, tỷ lệ tổng nợ/tổng tài sản đạt 0,54, trong khi tổng nợ/vốn chủ sở hữu 1,17.
Tính đến cuối tháng 9-2021, CEO chỉ có 50 tỷ đồng tiền mặt trong khi nợ ngắn hạn lên đến 2.066 tỷ đồng. Tình hình kinh doanh của CEO cũng không mấy khả quan, lũy kế 9 tháng năm 2021, doanh thu đạt 406 tỷ đồng (giảm 40,5%), lợi nhuận sau thuế âm 224 tỷ đồng. Do liên tục thua lỗ, dòng tiền kinh doanh của CEO đã âm gần 144 tỷ đồng.
Trước đó, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN) Nguyễn Thế Minh cũng đã khuyến cáo NĐT không nên mua mới, đồng thời nên hạ tỷ trọng margin CP BĐS trong thời điểm này vì rủi ro khá lớn.
Theo ông Minh, mua CP BĐS thời điểm này không khác gì đánh bạc. Trong những "ván bạc" đầu tiên, NĐT thường mua với tỷ trọng nhỏ, nhưng khi giá CP tiếp tục tăng đẩy tài khoản tăng gấp đôi gấp 3, sẽ khiến nhiều người đặt kỳ vọng "đây là cơ hội lớn để làm giàu", bung tiền chơi “tất tay”.
Bất chấp cảnh báo này, nhiều F0 vẫn đua nhau lao vào nhóm CP BĐS, đẩy giá CP lên mức cao chót vót. Đơn cử, CEO đã liên tục tăng mạnh từ mức giá hơn 12.000 đồng/CP (đầu tháng 11-2021) lên chạm mốc 100.000 đồng/CP (phiên 7-1). Cũng như CII, mã CP này bị bán ra mạnh trong những phiên giao dịch cuối tuần qua, lùi về mốc 70.000 đồng/CP, khiến nhiều NĐT thua lỗ nặng.
Trong bối cảnh BĐS suy yếu dòng tiền sẽ có xu hướng dịch chuyển sang nhóm CP có mức chiết khấu hấp dẫn như ngân hàng, CK, công nghệ, bán lẻ… để đón sóng kết quả kinh doanh quý IV-2021. |