Tự động hóa bùng nổ sau đại dịch, đe dọa nhiều ngành nghề

(ĐTTCO) – Đại dịch không chỉ đe dọa sức khỏe của con người vào những năm gần đây, mà còn gây ra mối đe dọa lâu dài đối với nhiều công việc chúng ta đang làm.
Khách hàng lên đơn và thanh toán bằng ứng dụng công nghệ ở nhà hàng Bartaco, Arlington, Virginia. Ảnh: APNews.
Khách hàng lên đơn và thanh toán bằng ứng dụng công nghệ ở nhà hàng Bartaco, Arlington, Virginia. Ảnh: APNews.

Khi đặt một chiếc bánh mì thịt bò nướng tại cửa hàng sandwich Arby’s, Los Angeles, khách hàng có thể sẽ nói chuyện với Tori – trợ lý giọng nói trí tuệ nhân tạo. Tori sẽ nhận đơn đặt hàng của khách và chuyển đến cho các đầu bếp.

Gia đình của Amir Siddiqi là những người đã cài đặt giọng nói AI cho thương hiệu Arby’s năm nay ở Ontario, California. Siddiqi cho biết: “Nó không có khả năng bị nhiễm virus corona. Và độ tin cậy của nó rất lớn.”

Nếu không vì đại dịch, Siddiqui đã không bận tâm đến việc đầu tư vào công nghệ mới – điều có thể khiến nhân viên và một số khách hàng khó chịu. Nhưng mọi việc hóa ra lại suôn sẻ. Anh cho biết: “Về cơ bản, chúng tôi cần ít người hơn, và tất cả những người đó hiện đang làm việc trong nhà bếp và các khu vực khác (chứ không phải ở khu vực phục vụ).”

Tại Mỹ, khi phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công và gia tăng chi phí lao động, các công ty đang bắt đầu tự động hóa các công việc trong lĩnh vực dịch vụ mà các nhà kinh tế từng đánh giá là an toàn, với giả định rằng máy móc không thể dễ dàng liên lạc hay cung cấp thông tin mà khách hàng yêu cầu.

Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy, những làn sóng tự động hóa như vậy cuối cùng sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn là phá hủy chúng, nhưng đồng thời cũng quét sạch những công việc cần ít kỹ năng hơn mà người lao động có thu nhập thấp đang phụ thuộc vào.

Kết quả là, nền kinh tế Mỹ phải hứng chịu ngày càng nhiều cú đòn đau và điều này có thể được xem là rất nghiêm trọng.

Johannes Moenius, nhà kinh tế học tại Đại học Redlands, cho biết viễn cảnh lý tưởng nhất là tự động hóa có thể tái bố trí người lao động vào những công việc tốt hơn và thú vị hơn, miễn là họ được đào tạo những kỹ thuật phù hợp. Tuy vậy, mặc dù điều đó đang xảy ra, nó vẫn chưa đủ nhanh, anh nói.

Tệ hơn nữa, toàn bộ nhóm công việc thuộc lĩnh vực dịch vụ có thể phải đối mặt với rủi ro cao nhất. Moenius nói: “Robot đã rời lĩnh vực sản xuất dây chuyền để chuyển sang lĩnh vực dịch vụ - lĩnh vực lớn hơn nhiều. Tôi đã xem đây là lĩnh vực sẽ an toàn (trước tác động của tự động hóa). Tôi hoàn toàn bị bất ngờ.”

Những cải tiến gần đây trong công nghệ robot cho phép máy móc thực hiện nhiều công việc mà trước đây cần đến con người: nhào bột bánh pizza, vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện, phân loại hàng hóa… Đại dịch đã tăng khả năng thích nghi của con người.

Robot không thể bị bệnh hay lây lan bệnh tật. Chúng cũng không xin nghỉ làm để xử lý các trường hợp khẩn cấp hay chăm sóc trẻ con đột xuất.

Các nhà kinh tế tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận thấy rằng các đại dịch trong quá khứ đã khuyến khích các công ty đầu tư vào máy móc theo những cách có thể thúc đẩy năng suất - nhưng cũng giết chết những công việc có kỹ năng thấp. “Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng những lo ngại về sự gia tăng của robot trong đại dịch COVID-19 dường như là chính đáng,” họ viết trong một bài báo vào tháng Giêng.

Hậu quả có thể ảnh hưởng nặng nề nhất đến những phụ nữ ít học, những người có các công việc lương thấp và trung bình và những ngành nghề liên quan đến các bệnh nhiễm virus. Những công việc đó bao gồm nhân viên bán hàng, trợ lý hành chính, thu ngân, y tá trong bệnh viện, nhân viên chăm sóc người bệnh và người già.

Các tin khác