Kỳ vọng Ấn thay thế Trung
Cần phải hành động để đảm bảo chuỗi cung ứng cho sản xuất trong nhóm - đó là một trong những nội dung quan trọng phiên họp trù bị của quan chức kinh tế cao cấp các nước trong khối ASEAN và các khách mời quốc tế (SEOM), diễn ra mới đây.
Cụ thể, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ASEAN cần có hành động chung nhằm duy trì chuỗi cung ứng trong khối, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn cung nguyên vật liệu cho DN, đặc biệt là DNNVV.
Nền kinh tế Trung Quốc tê liệt khiến chuỗi sản xuất khu vực và thế giới bị gián đoạn, do phụ thuộc nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc và ASEAN không ngoại lệ. Trung Quốc là đối tác thương mại chính của 10 nước Đông Nam Á, ở chiều ngược lại ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc (sau EU).
Do đó, tăng trưởng của Trung Quốc giảm sẽ ảnh hưởng đến các nước ASEAN. Báo cáo của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (ARMO), cho rằng năm 2020 GDP của Trung Quốc có thể mất 0,5%, trong khi các nước ASEAN mất khoảng 0,2%.
Việc đảm bảo nguồn cung ứng cho chuỗi sản xuất là vấn đề cấp thiết đối với nền kinh tế các nước ASEAN. Do đó, hiệp định RCEP được hiện thực hóa với đầy đủ 16 nền kinh tế cùng tham gia (dự kiến trong năm nay), đặc biệt với sự góp mặt của Ấn Độ, là điều được nhiều nước ASEAN kỳ vọng khi Ấn Độ có thể “lấp đầy” khoảng trống chuỗi cung ứng Trung Quốc để lại.
Bởi lẽ, RCEP là thỏa thuận thương mại lớn, tác động liên hoàn tới hệ thống thương mại khu vực và toàn cầu, chiếm tới 29% GDP của thế giới, ngang bằng với Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), lớn hơn cả Liên minh châu Âu (EU). RCEP đưa các quốc gia khác biệt tập hợp lại với nhau, từ những nền kinh tế đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á, đến các cường quốc toàn cầu, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Thực tế cho thấy, Ấn Độ đang có lợi thế lớn khi vươn lên giành vị trí là “công xưởng” cung ứng cho chuỗi sản xuất cho khu vực và thế giới từ Trung Quốc. Điều này ngày càng hiện hữu rõ nét hơn, khi chính sách “make in India” Ấn Độ khởi tạo từ năm 2014 đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Không phải ngẫu nhiên mà trong những năm gần đây mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Ấn Độ ngày càng nồng ấm. Người Mỹ đã nhìn thấy tiềm năng triển vọng của Ấn Độ để thay thế vai trò “nhà cung cấp chủ lực” của Trung Quốc.
Đất nước đông dân thứ hai trên thế giới (1,3 tỷ người) này cũng có lực lượng lao động hàng trăm triệu người, lại khá trẻ so với Trung Quốc đã qua thời kỳ “độ tuổi vàng” của dân số.
Vì thế, một hiệp định kinh tế mở, có tính ràng buộc cao về cam kết như RCEP chắc chắn sẽ mang đến lợi ích to lớn cho các bên, đặc biệt bù đắp được nguồn cung nguyên phụ liệu cho chuỗi sản xuất của khối ASEAN, khi khối này đang thiếu hụt nghiêm trọng từ sự bất ổn của thị trường truyền thống Trung Quốc.
Nếu RCEP được hiện thực hóa, với ASEAN, Ấn Độ sẽ giảm thuế quan 80% hàng hóa, trong đó 65% được giảm ngay và 15% còn lại được giảm trong 10 năm sau. Điều này tạo cơ hội thúc đẩy thương mại song phương Ấn Độ - ASEAN mạnh mẽ hơn so với Hiệp định Ấn Độ - ASEAN được ký kết năm 2010.
Ngoài ra, RCEP cũng phá bỏ các hàng rào thuế quan cao, một trong những lý do khiến kim ngạch thương mại giữa các nước trong khối ASEAN chỉ chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại của khối này.
Nhưng Ấn không muốn tham gia
Nhưng Ấn không muốn tham gia
Với Ấn Độ, các FTA song phương hiện có dường như đã đủ, không cần mở rộng thêm. Do đó, suốt lộ trình đàm phán nhiều năm qua giữa các thành viên RCEP và Ấn Độ vẫn chỉ là “đồng sàng dị mộng”, khi các bên không tìm kiếm được thỏa thuận lợi ích chung. |
Theo quan điểm của Ấn Độ, RCEP là cơ hội để nước này cải thiện quan hệ thương mại với các nước ASEAN. Hiệp định Ấn Độ - ASEAN 2010 được ký kết nhằm tăng cường xuất khẩu của Ấn Độ, đồng thời củng cố các liên kết thương mại với Đông Nam Á theo chính sách “Hành động hướng Đông” của New Delhi.
Thế nhưng, báo cáo của Quốc hội Ấn Độ cho thấy thâm hụt thương mại của Ấn Độ với các nước ASEAN đã tăng lên gấp đôi chỉ trong giai đoạn ngắn (từ 5 tỷ USD năm 2010 lên gần 10 tỷ USD năm 2017). Đây là điều người Ấn, với tư duy “bảo hộ thị trường” cảm thấy lo ngại. Chưa kể, trong các phiên đàm phán suốt gần 5 năm qua, khi các thành viên RCEP khác muốn được giảm 92% thuế hàng hóa, Ấn Độ lại khăng khăng chỉ giảm 86%.
Một khía cạnh khác cũng không kém phần quan trọng khiến Ấn Độ rút lui khỏi RCEP, là mối lo ngại nhập siêu từ Trung Quốc gia tăng. Ở thời điểm chịu nhiều khó khăn do cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc muốn tiếp cận sâu hơn thị trường tiềm năng lớn như Ấn Độ, và RCEP là cơ hội lớn.
Thương mại 2 chiều giữa Ấn Độ và Trung Quốc đạt mức 95,5 tỷ USD trong năm 2018, tuy nhiên thặng dư thương mại Trung Quốc với Ấn Độ 53 tỷ USD. Đây là lý do chính khiến Ấn Độ từ chối tham gia RCEP, đồng thời là trở ngại đàm phán do Ấn Độ muốn giữ một số biện pháp nhằm bảo vệ nền kinh tế trước Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không nhượng bộ.
Thực tế, việc Ấn Độ không tham gia RCEP đã được dự đoán từ trước, do sức ép từ trong nước và các bên liên quan. Động thái này cho thấy Ấn Độ ngày càng đề cao bảo hộ sản xuất trong nước và có mục tiêu ưu tiên là giải quyết thâm hụt thương mại với các nước. Nhiều chuyên gia dự đoán, trong tương lai gần Ấn Độ khó có khả năng ký thêm các FTA và sẽ sớm xem xét lại các FTA đã ký với ASEAN, Hàn Quốc hay Nhật Bản do thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng việc Ấn Độ không nằm trong 2 cấu trúc thương mại lớn của khu vực là RCEP và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sẽ khiến nước này khó đạt được tham vọng trở thành trung tâm sản xuất hay cường quốc toàn cầu như họ đang kỳ vọng.