Từ huyện lên quận hay thành phố phải xem lại

(ĐTTCO) - Văn phòng UBND TPHCM vừa có thông báo về việc tạm dừng triển khai đề án xây dựng các huyện thành quận hoặc lên thẳng TP theo mô hình “TP trong TP”, nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu, tổ chức không gian phát triển các huyện, nhằm khai thác lợi thế của từng huyện. 
Một góc huyện Củ Chi.
Một góc huyện Củ Chi.

Sau khi các huyện đạt tiêu chuẩn theo quy định, TPHCM sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định mô hình đơn vị hành chính đô thị phù hợp với từng huyện.

Tất cả huyện chưa đủ chuẩn lên quận 
Việc một huyện chuyển lên thành quận hay TP không thể bằng một quyết định hành chính, mà nó phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định. Căn cứ theo Điều 7 Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các huyện của TPHCM có thừa tiêu chí về quy mô dân số (trừ huyện Cần Giờ), diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính.
Nhưng các tiêu chí liên quan đến hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị chưa đạt. Chẳng hạn, hệ thống giao thông ở Củ Chi và Cần Giờ chủ yếu vẫn là liên xã, thiếu công viên, trung tâm văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện, siêu thị, trung tâm thương mại, khu đô thị hiện đại. 
Đặc biệt, các huyện chưa đủ chuẩn các tiêu chí trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Sở Nội vụ TPHCM cho biết, so với 30 tiêu chí của cấp quận, huyện Hóc Môn đạt 23/30 tiêu chí; Bình Chánh  26/30, Nhà Bè 23/30, Củ Chi 23/30 và huyện Cần Giờ 19/30.
Có quan điểm cho rằng cứ ra quyết định hành chính chuyển lên quận, còn những tiêu chí thiếu cho nợ, sẽ bổ xung và hoàn thiện sau. Bởi theo đà tăng trưởng như hiện nay, các huyện khó có thể đạt được 100% tiêu chí vào năm 2030. Đấy là tiêu chí dành cho quận, còn cho TP cao hơn nữa, nên việc tiến thẳng lên TP thực sự quá tầm với của Củ Chi, Cần Giờ. 
Một khía cạnh khác, dù tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) ở các huyện giảm nhanh nhưng vẫn còn 7-10% dân số làm nông nghiệp, và các ngành nghề dịch vụ liên quan đến nông nghiệp khoảng 700.000 người. Khi lên quận hay TP, đất nông nghiệp chuyển đổi thành đất công nghiệp và dịch vụ, những người nông dân sẽ đi đâu và làm gì để sống.
Chưa kể, khi thành quận các loại thuế, phí cao hơn, kéo theo đó là những tiêu cực của quá trình đô thị hóa, như sự gia tăng về dân số, áp lực về giao thông, giáo dục, y tế, năng lượng, ô nhiễm môi trường; chi phí sinh hoạt cũng tăng cao hơn trước và an ninh trật tự sẽ phức tạp hơn. 

Hướng đi nào cho các huyện ngoại thành
Trước hết cần khẳng định quan điểm mang tính chiến lược phát triển lâu dài cho nhiều trăm năm sau, bởi là dù huyện, quận hay TP cũng phải đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tiếp theo, phải giữ cho được tỷ lệ hợp lý trong cơ cấu kinh tế, bao gồm công nghiệp, dịch vụ- thương mại và nông nghiệp chất lượng cao. 
Trừ huyện Cần Giờ, các huyện còn lại đều có khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (Bình Chánh 7, Nhà Bè 2, Củ Chi 6, Hóc Môn 1). Công nghiệp là hướng đi cần thiết, nhưng các KCN này cần được tái cấu trúc chuyển mạnh mẽ từ phát triển thiên về chiều rộng, sử dụng quỹ đất lớn, thâm dụng lao động phổ thông, sang phát triển theo chiều sâu, thiên về chất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Do TPHCM không còn nhiều đất, các huyện cần tiết kiệm, không phung phí đất để dành dự trữ cho phát triển lâu dài. Các huyện ngoại thành tập trung đầu tư mạnh vào dịch vụ, nhất là các loại dịch vụ các quận nội thành hiện nay còn thiếu hoặc yếu, đặc biệt là du lịch. 
Có thực tế, khách du lịch nước ngoài đến TPHCM nhưng thời gian ở lại rất ít và chi tiêu không nhiều vì TP thiếu chỗ vui chơi, bản thân người dân TP hiện cũng thiếu chỗ vui chơi giải trí cuối tuần. Do vậy, sẽ thành công nếu các huyện ngoại thành được tổ chức lại thành không gian du lịch kết hợp với vùng nông nghiệp sinh thái công nghệ cao.
Chẳng hạn, Hóc Môn hoàn toàn trở thành điểm du lịch hấp dẫn với những nhà vườn xanh mát kiểu Nam bộ, những vườn trái cây trĩu quả, home stay mang đậm tính chất làng quê, những làng nghề truyền thống. Hay Cần Giờ trở thành nơi du lịch sinh thái biển, Củ Chi là nơi du lịch kết hợp với các di tích chiến tranh… 
Việc giữ lại nông thôn trong đô thị không đơn giản chỉ là giữ lại cho cấu trúc không bị bóc mất phần ngoài cùng, mà là giữ lại vùng văn hóa bản địa. Cái lõi TPHCM hiện nay là nơi mang đậm dấu ấn phương Tây và đa dạng văn hóa quốc tế, nên vùng ngoại thành chính là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống bản địa. Nếu vùng văn hóa Nam bộ ở ngoại thành còn giữ được, người dân và du khách nước ngoài còn nhìn thấy bóng dáng “18 thôn vườn trầu”, cách trồng rau theo liếp, theo giồng bao quanh là kênh nước; được nghe đờn ca tài tử ở trong các nhà vườn; được thấy những rừng cây nước lợ Cần Giờ, rừng tự nhiên ở Củ Chi. Đặc biệt, Hóc Môn từng là vùng văn hóa Nam bộ điển hình, với nhiều nhà kiểu Nam bộ nhất, là nhà chữ đinh và nhà vuông. Hóc Môn cũng là nơi có nhiều đình, chùa, miếu nhất Đông Nam bộ. 
Cuối cùng, các huyện ngoại thành cần giữ lại vành đai xanh và một phần nông nghiệp. Bởi lẽ, vành đai nông nghiệp ngoại thành, vành đai xanh được coi là “da, mỡ” bao bọc bảo vệ cơ thể đô thị. Nó quan trọng không kém thành tố khác khi đặt nó trong mối quan hệ hữu cơ với “cơ thể đô thị”, như giao thông là “huyết mạch”, cây xanh là “lá phổi”, hệ thống thông tin liên lạc là “bộ não”, công trình xây dựng là “phần xương cốt” và di tích lịch sử, tâm linh, quan hệ cộng đồng là “hồn vía”. 
Có người nói, phải xóa nông nghiệp ở TPHCM vì hiệu quả kinh tế mang lại thấp hơn đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, còn bà con nông dân có tâm thế chán ruộng. Câu hỏi đặt ra, đầu tư như thế, chủ trương như thế ai chả chán. Vành đai nông nghiệp ngoại thành sẽ mang sức sống mới nếu nhìn nhận đúng đắn, đầu tư đúng mức và khai thác đúng tầm. Sao không nghĩ làm sao để 5 huyện ngoại thành trở thành vùng nông nghiệp trong xu thế 4.0, với nông nghiệp chất lượng cao, nông dân hiện đại và nông thôn mới. Nếu đầu tư tốt nó hoàn toàn đủ năng lực cung cấp phần lớn rau xanh, cây trái, hoa tươi cho TPHCM.
Hy vọng việc không chuyển lên quận, hay TP không chỉ là tạm thời mà có thể là vĩnh viễn. Không phải vô lý khi TP Seoul đang cố gắng khôi phục lại những điểm nông nghiệp sinh thái quanh vùng thủ đô, đã từng một thời bị xóa vì nôn nóng. Còn Kuala Lumpur, Bangkok dù đô thị hóa nhanh nhưng họ chưa bao giờ có ý định xóa bỏ hoàn toàn tam nông. 

Các tin khác