PGS.TS HUỲNH THÀNH ĐẠT, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM:
Đề cao sáng kiến cộng đồng
Việc khởi động lộ trình chiến lược mang tính trung và dài hạn ở các trường hợp thành công quốc tế, đã chỉ ra sự cần thiết của các sáng kiến có thể thực hiện ngay trong ngắn hạn, hay các sáng kiến xuất phát từ cộng đồng.
Chẳng hạn, Đại học Quốc gia TPHCM đã triển khai sáng kiến xe đạp công cộng thông minh và xe điện năng lượng mặt trời làm phương tiện di chuyển nội bộ. Thí điểm dự án xe đạp thông minh E-bike không chỉ hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan đô thị đại học, xa hơn nó là tiền đề để hình thành văn hóa chia sẻ giữa các thành viên trong cộng đồng, mở dần ra các lĩnh vực khác.
Sáng kiến nữa là việc gia tăng các phân khu/đơn vị tại khu Đông Bắc TP. Khu vực này có những đơn vị mạnh (khu Công nghệ cao (CNC) quận 9, khu đô thị mới, trung tâm tài chính quận 2 và 12 trường đại học ở Thủ Đức) không thiếu khoa học sáng kiến, chương trình được thiết kế triển khai dựa vào thế mạnh mỗi bên.
Chủ trương nghiên cứu nhằm hình thành Khu ĐTST hướng Đông đã nâng tầm công tác quản lý phát triển đô thị tại TP lên tầm cao mới, rút ngắn khoảng cách so với các đô thị phát triển trên thế giới. Nói cách khác, với bộ khung định hình không gian phát triển đô thị bằng các khu đô thị mới, chúng ta đã đạt được ngưỡng phát triển về “lượng”. Khi đó việc liên kết và nâng tầm một số các khu đô thị mới thành Khu ĐTST đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới về “chất”. Khu ĐTST chắc chắn trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của TPHCM và khu vực. GS.TS Nguyễn Trọng Hòa, chuyên gia đô thị |
Tuy vậy, những nỗ lực trên mới diễn ra riêng lẻ, chưa đồng bộ hóa về mục tiêu chung và các mục tiêu mang tính tích hợp, để có thể thúc đẩy TPHCM sớm trở thành nơi dẫn đầu trong các ngành công nghệ và đổi mới, sáng tạo.
Do vậy, kế hoạch xây dựng khu ĐTST phía Đông TP là chất xúc tác cho nhiều ý tưởng trong bối cảnh quá trình chuyển dịch kinh tế của TP đang diễn ra mạnh mẽ. Sự kết nối là tâm điểm quan trọng, trong đó bao gồm kết nối “phần cứng” như hạ tầng giao thông và “phần mềm” như các chương trình liên kết, hợp tác giữa các đơn vị trên địa bàn.
Khởi động các kết nối cần một quy hoạch tổng thể, với lộ trình chiến lược có sự tham gia của các bên, khuyến khích các sáng tạo.
TS. LÊ HOÀI QUỐC, Trưởng Ban Quản lý khu CNC TPHCM:
TS. LÊ HOÀI QUỐC, Trưởng Ban Quản lý khu CNC TPHCM:
Nhu cầu liên kết đại học-doanh nghiệp
Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, như tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao; có điều kiện với các thành tựu khoa học mới, hiện đại, nâng cao trình độ công nghệ quốc gia thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ.
Dù vậy chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức, như cạnh tranh gay gắt với nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… Hiện nay mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam chỉ dựa trên lợi thế tĩnh là tài nguyên thiên nhiên và lao động.
Ưu thế về nguồn nhân công rẻ và nguyên liệu dồi dào của các nước đang phát triển đang mất dần sức cạnh tranh của sản phẩm công nghệ tiên tiến từ các nước công nghiệp phát triển. Hiệu quả đầu tư nước ngoài ở Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với Singapore, Hàn Quốc, Hồng Công…
Trong bối cảnh đó, một trong những mô hình liên kết hiệu quả nguồn lực đại học và doanh nghiệp chính là mô hình Đô thị khoa học công nghệ khu CNC TPHCM đang hướng tới. Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các trường đại học, viện nghiên cứu đang là trọng tâm của các chính sách kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thực chất đây là cơ chế chủ đạo của nền kinh tế tri thức đang thay thế dần nền kinh tế cũ, với thành phần chủ đạo là công nghiệp.
Để đẩy mạnh, mở rộng và nâng cao chất lượng liên kết đại học - doanh nghiệp, đã đến lúc hình thành các dạng mô hình cầu nối đầu tiên, nối kết các dạng hợp tác qua lại bền vững để hỗ trợ lẫn nhau giữa các trường đại học và doanh nghiệp, phù hợp với mục tiêu đào tạo tốt hơn nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả sản xuất bằng chuyển giao công nghệ.
Một góc khu CNC TPHCM.
Ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng Ban Quản lý khu Nông nghiệp CNC TPHCM:
Ứng dụng CNC phát triển nông nghiệp
Khu nông nghiệp CNC là nơi ứng dụng những kỹ năng kỹ thuật hiện đại, tận dụng triệt để khí hậu và tiềm năng sinh vật để thu được sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao nhất. Hình thành các khu nông nghiệp CNC nhằm để nông nghiệp thoát khỏi sự ràng buộc với tự nhiên, là bước chuyển mới trong nông nghiệp, thay đổi phương thức sản xuất cổ truyền lên hướng phát triển mới của nền nông nghiệp hiện đại có tính khoa học-sáng tạo, mới mẻ, khả thi.
TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa các tỉnh phía Nam, nông nghiệp TPHCM có tính đặc thù riêng, phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị trên cơ sở nền nông nghiệp ứng dụng CNC.
Để phát triển những khu nông nghiệp CNC và các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, TPHCM cần thực hiện một số giải pháp thúc đẩy CNC trong nông nghiệp, như ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng chuỗi cung ứng cho một số sản phẩm nông nghiệp trọng yếu; cung ứng các phần mềm quản lý hệ thống tưới, quản lý đồng ruộng; ứng dụng quản lý đất canh tác trên bản đồ số GIS xây dựng và thiết lập hệ thống thông tin thị trường (MIS)…