Theo các chuyên gia, mặc dù Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua loạt FTA như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... song để có thể tận dụng được những lợi thế về thuế quan từ những FTA này thì doanh nghiệp (DN) cần vượt qua rất nhiều rào cản, trong đó có quy tắc xuất xứ.
Cùng với đó, giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng, để hội nhập sâu rộng, DN Việt sẽ phải vượt qua các quy định ngày càng nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, quy tắc ứng xử, quy định về bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tỷ lệ nội địa hóa, công nghệ chế biến... Từ đó, DN sẽ chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thỏa thuận trong các FTA mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là thỏa thuận liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của DN, ưu đãi thuế quan với những mặt hàng ở từng thị trường cụ thể. Bởi lẽ khi tham gia các FTA thế hệ mới, yêu cầu chất lượng, nguồn gốc, mẫu mã sản phẩm là yếu tố tiên quyết, cần phải có.
Xác định được tầm quan trọng của quy tắc xuất xứ cũng như các rào cản thương mại khác về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất hàng hóa… DN trong các ngành hàng của Việt Nam như gỗ, dệt may, nông thủy sản, lúa gạo… đã và đang từng bước chuẩn hóa hoạt động sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn hội nhập. Chẳng hạn với ngành xuất khẩu gỗ. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), chia sẻ, thời gian qua, nhờ phát huy lợi thế sản xuất và tận dụng tốt các cơ hội thị trường, xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã vượt qua Ba Lan, Đức, Italy để vươn lên vị trí thứ 2 (chỉ sau Trung Quốc) trong các quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới.
Theo đánh giá của giới kinh doanh, trong bối cảnh giao thương hạn chế, kinh tế toàn cầu suy giảm, việc ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam vươn lên khẳng định vị thế mới không chỉ nhờ “ăn may” mà là kết quả của một quá trình nỗ lực thích ứng, đổi mới từ đầu tư sản xuất đến tìm kiếm khách hàng. Ngoài ra, việc tuân thủ chặt chẽ các cam kết của những FTA như EVFTA, CPTPP, RCEP, Hiệp định Thương mại tự do Việt - Nhật (VJFTA)… cũng được DN ngành này chú trọng hơn. Theo đó, DN đã mua sản phẩm nguyên liệu gỗ hợp pháp trong khối các nước có FTA hoặc đẩy mạnh trồng rừng, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chứng chỉ quốc tế.
Trong khi đó, với dệt may, khác với sự sụt giảm của năm 2020, 4 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu hàng dệt may đã đạt 9,51 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết, DN dệt may đã thích ứng cực kỳ nhanh qua giải pháp đa dạng hóa dòng hàng, đa dạng hóa thị trường cũng như thích ứng được với cơ chế mua bán và thanh toán theo bối cảnh mới, khác hoàn toàn cách mua bán truyền thống trước đây. Đặc biệt, việc DN đã và đang tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, giao hàng nhanh.
Ngoài ra, theo lãnh đạo VITAS - một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng là các DN ngành này đang từng bước lấp đầy chuỗi cung nguyên liệu thông qua đầu tư các nhà máy sản xuất vải, sợi. Có thể kể tới như Công ty CP Sợi Thế Kỷ công bố sẽ nâng công suất với dự án nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex. Dự án có tổng đầu tư khoảng 120 triệu USD và dự kiến năm 2023 sẽ hoạt động giai đoạn 1. Một DN khác là Tổng công ty CP May Việt Tiến (VGG) gần đây đã lên kế hoạch đầu tư sản xuất vải thông qua việc thành lập Công ty TNHH Việt Thái Tech, tổng vốn đầu tư 20 triệu USD. Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp VGG đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA trong tương lai.
Còn với thủy sản, chính việc xây dựng vùng nguyên liệu chế biến đạt chuẩn của những DN đầu ngành như Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty CP Nam Việt, Công ty Minh Phú, Sao Ta… đã giúp xuất khẩu thủy sản Việt Nam liên tục thăng hạng trên bản đồ xuất khẩu thế giới. Minh chứng rõ nét nhất là 4 tháng đầu năm 2021, bất chấp sự suy giảm của thị trường, xuất khẩu thủy sản vẫn đạt 2,39 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, những kết quả trên cho thấy DN đang ngày càng hiểu rõ FTA có thể mang lại thuận lợi gì, từ đó giúp họ thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi nguồn cung nguyên liệu để đáp ứng cam kết của các FTA này. Bộ Công thương vẫn đang tiếp tục hỗ trợ DN tận dụng tốt các FTA thông qua việc phổ biến quy tắc xuất xứ của từng FTA với các ngành hàng xuất khẩu; tổ chức hoạt động kết nối giao thương cho DN với nhà nhập khẩu tại những thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…