Tỷ giá tăng do nội tại hay yếu tố ngoại lai?

(ĐTTCO) - Theo nhận định của các chuyên gia, áp lực tỷ giá đang “nóng” hiện nay đang được cộng hưởng bởi cả yếu tố từ Fed chậm điều chỉnh giảm lãi suất, và cả yếu tố nội tại từ chính trong nước.

Tỷ giá tăng do nội tại hay yếu tố ngoại lai?

Về yếu tố ngoại lai, có lẽ ai cũng nhìn thấy khi chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ giảm trong tháng 4-2024, và các hộ gia đình cho rằng lạm phát sẽ tăng trong ít nhất là 12 tháng tới (Báo ĐTTC số trước đã có bài phân tích “USD lên giá, áp lực chính sách và bàn tay hữu hình”).

Chính dữ liệu này khiến Fed có thêm lý do để trì hoãn thời điểm hạ lãi suất đến tháng 9. Và dự báo về số lần hạ lãi suất của Fed cũng được điều chỉnh giảm từ 3 lần xuống 2 lần trong 2024.

Về yếu tố nội tại, có lẽ ai cũng thấy tỷ giá là vấn đề lớn, nếu không quản lý hiệu quả sẽ tác động đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rất quyết liệt trong điều hành tỷ giá. Quan điểm của NHNN là phải cố ổn định tỷ giá, lên xuống phù hợp với tình hình để tránh những tác động mạnh của thế giới và tạo sự cân đối hài hòa.

Thời gian qua, NHNN đã có nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá như: hút tiền dư thừa trong hệ thống về, thúc đẩy cho vay xuất khẩu để tạo nguồn cung ngoại tệ, điều hành tỷ giá trung tâm phù hợp để ngăn đầu cơ tích trữ ngoại tệ. Giải pháp cuối cùng là bán ngoại tệ can thiệp thị trường.

Tuy nhiên, khi bình luận về áp lực tỷ giá hiện nay, một chuyên gia cho rằng cần nhận diện đúng mới có giải pháp đúng để ổn định. Theo vị chuyên gia này, biến động trên thị trường ngoại hối những tháng đầu năm 2024 khác hơn so với năm 2023.

Thực tế những diễn biến trên thị trường cho thấy USD không quá mạnh, vấn đề chính ở đây do cầu ngoại tệ tăng vì Việt Nam tăng nhập khẩu. Số liệu của Tổng cục Thống kế công bố cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 115,24 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng với đó, giá vàng trong nước chênh lệch cao hơn so với giá vàng quốc tế, dẫn đến tăng cầu và tăng nhập khẩu. Một minh chứng trong tổng kim ngạch nhập khẩu, một mặt hàng ít được thống kê đầy đủ song thực tế lại đang chiếm một lượng lớn ngoại tệ, đó chính là vàng.

Theo vị chuyên gia kinh tế này, theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới vài năm gần đây, đơn cử như 2023, Việt Nam tiêu thụ khoảng 55,5 tấn vàng. Trong khi vàng khai thác trong nước mỗi năm chỉ vài tấn, như vậy đa phần nhu cầu vàng trên thị trường được đáp ứng thông qua việc thu mua từ người dân và vàng nhập từ con đường không chính ngạch, trong đó có cả nhập lậu. Bởi lẽ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới luôn duy trì ở mức 15-20 triệu đồng/lượng, càng kích thích nhập lậu vàng, gây áp lực lớn lên tỷ giá.

Thực tế thời gian qua, sức nóng của vàng khiến nhiều người “đứng ngồi không yên”, và không ít nhà đầu tư đã kiếm được lợi nhuận nếu mua vào ở thời điểm trước. Ông Shaokai Fan, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại WGC cho hay, đầu tư vàng tại Việt Nam đã bắt đầu tăng mạnh từ cuối năm 2023 nhờ sự điều chỉnh giá.

Ngay cả khi Việt Nam quản lý nhập khẩu vàng chính ngạch rất chặt chẽ, thì nhu cầu vàng trong nước vẫn tăng rất mạnh mẽ và đang được đáp ứng bởi nguồn vàng “đến từ đâu đó”, nếu không phải từ nguồn chính thức sẽ là nguồn phi chính thức (vàng lậu).

Shaokai Fan cũng cho rằng, “vàng hóa” không còn là mối lo ngại của Việt Nam, do vị thế nền kinh tế hiện nay đã khác rất nhiều 15 năm trước. Điều quan trọng là Việt Nam cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì lòng tin vào đồng nội tệ. Chừng nào nền kinh tế vẫn tăng trưởng, đồng nội tệ vẫn ổn định, thì sẽ không có nguy cơ “vàng hóa”.

Các tin khác