Tuy nhiên, DN trong nước cần chủ động tránh các tác động của cuộc chiến thương mại này nếu nó xảy ra, không nên tiếp tay cho việc lẩn tránh thuế, thay đổi xuất xứ hàng hóa của DN nước ngoài, trong trường hợp bị hiểu lầm, các DN cũng cần chứng minh với cơ quan điều tra các nước để minh oan.
Bà NGUYỄN THỊ THU TRANG, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập:
Nhận thức đúng tránh bị phạt oan
Thời gian qua, một số DN Việt Nam đã bị điều tra chống lẩn tránh thuế, và chúng ta cũng biết Trung Quốc là nước chịu nhiều biện pháp phòng vệ thương mại ở khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, xu hướng tất yếu là họ sẽ tìm cách để lẩn tránh thuế thông qua một số thị trường khác, đặc biệt là Việt Nam. Vì thế, DN Việt Nam phải rất thận trọng đối với việc này.
Một vài DN có thể vì lợi ích trước mắt của cá nhân mình mà có hành vi tham gia quá trình lẩn tránh thuế, dẫn đến các DN liên quan bị ảnh hưởng. Cũng có trường hợp bị hiểu lầm, các DN cũng cần chứng minh với cơ quan điều tra của các nước để minh oan cho mình. DN cần nhận thức đúng vấn đề này để biết được đó là hành vi lẩn tránh và có thể bị trừng phạt.
Chúng tôi cũng mong có sự tham gia tích cực hơn của các cơ quan chức năng trong việc chống lại các hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ vi phạm pháp luật. Bởi đây là câu chuyện của cả DN và cơ quan nhà nước.
Ông NGUYỄN VĂN SƯA, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam(VSA):
Ông NGUYỄN VĂN SƯA, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam(VSA):
Không chuyển thép Trung Quốc thành thép Việt Nam
Đến nay, có nhiều dấu hiệu ban đầu của cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc. Nếu cuộc chiến này nổ ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến DN trong nước. Vì thế, VSA luôn khuyến cáo DN thép Việt Nam không nên tiếp tay cho việc chuyển xuất xứ thép Trung Quốc thành xuất xứ Việt Nam để xuất sang các nước khác.
Bởi hiện nay nhiều nước đang áp thuế cao với thép Trung Quốc, và họ cũng đánh thuế nặng vào các mặt hàng cố tình lẩn tránh thuế. Thí dụ, trong tháng 6 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ra quyết định cuối cùng đối với việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp một số sản phẩm thép Việt Nam với thuế suất rất cao, tương đương thuế áp với thép Trung Quốc.
Theo đó, thép cán nguội cả 2 loại thuế cộng lại trên 240%, tôn mạ cả 2 loại thuế cộng lại trên 500%. Với thuế suất cao như vậy không thể vào được thị trường Hoa Kỳ.
VSA luôn khuyến cáo DN thép Việt Nam không nên tiếp tay cho việc chuyển xuất xứ thép Trung Quốc thành xuất xứ Việt Nam để xuất sang các nước khác.
Tuy nhiên, quyết định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ chỉ đánh vào các mặt hàng Việt Nam mua các loại bán thành phẩm của Trung Quốc về gia công, xuất khẩu lại sang thị trường các nước. Với thép cuộn cán nóng, trước đây Việt Nam không sản xuất được, 100% phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc với số lượng hàng năm lên đến 8-9 triệu tấn.
Nhưng từ tháng 6 năm ngoái, Formosa bắt đầu đi vào sản xuất, chúng ta đã có được nguyên liệu để sản xuất thép cuộn cán nguội cũng như tôn mạ. Năm ngoái sản xuất thép cuộn cán nóng của Việt Nam đạt gần 1,4 triệu tấn, năm nay dự kiến đạt trên 4 triệu tấn. Với lượng xuất khẩu đi Hoa Kỳ mỗi năm vài trăm ngàn tấn, chúng ta thừa nguồn thép cuộn cán nóng để sản xuất tôn mạ và thép cuộn cán nguội.
Trong giai đoạn 2014-2015, Trung Quốc có chính sách xuất khẩu bằng mọi giá nên họ đã dùng các chính sách trợ cấp, hỗ trợ cho hàng xuất khẩu. Vì thế, giá thép Trung Quốc thấp hơn thép của Việt Nam khoảng 20-30%.
Nhưng từ 2016-2017, Trung Quốc đã thay đổi chính sách đó bằng cách cắt giảm sản lượng của cơ sở nhỏ lẻ lạc hậu, không đảm bảo môi trường, nên giá cả thép Trung Quốc đã thay đổi. Thậm chí có loại sản phẩm thép của Trung Quốc đắt hơn của Việt Nam. Tuy nhiên, sản phẩm thép Việt Nam có thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc.
TS. VÕ TRÍ THÀNH, chuyên gia kinh tế:
TS. VÕ TRÍ THÀNH, chuyên gia kinh tế:
Cần phòng thủ nhiều kịch bản
Nhiều dữ liệu cho thấy, kinh tế Việt Nam và hoạt động thương mại trước mắt chưa chịu tác động trực tiếp đáng kể từ những căng thẳng khi cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang. Tuy nhiên sẽ khó lường những tác động gián tiếp.
Với mức độ hiện nay, việc tăng thuế, áp lên mặt hàng với giá trị vài trăm tỷ USD là rất lớn trong thương mại 2 nước sẽ tác động trực tiếp, gián tiếp, ngắn và trung hạn tới Việt Nam.
Song nếu chỉ nhìn con số 2 bên áp đặt mức thuế cao hơn có thể chưa liên quan quá nhiều đến quan hệ thương mại của Việt Nam với 2 nước này, vì Hoa Kỳ là hàng công nghệ, Trung Quốc là nông sản…
Điều ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam lúc này là sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, trong đó có yếu tố thuận và nghịch. Nhà đầu tư Hoa Kỳ và Trung Quốc cần xem xét thay đổi lại danh mục đầu tư nhằm “thoát thân”. Họ có thể tìm kiếm thị trường mới như Việt Nam với nền kinh tế vĩ mô ổn định, hội nhập sâu rộng.
Tuy nhiên, về lâu dài, cần quan tâm tới chiều không thuận, bởi đây không chỉ là câu chuyện của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà còn cả kinh tế toàn cầu. Nếu cuộc đối đầu leo thang sẽ tạo ra vòng xoáy các nước tăng cường bảo hộ thương mại sẽ ảnh hưởng nặng đến Việt Nam, nhất là khi kinh tế Việt Nam có độ mở cùng tỷ trọng xuất khẩu cao, đặc biệt là phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI.
Trong bối cảnh trên, có 3 điều cần quan tâm đặc biệt ở tầm vĩ mô và DN. Thứ nhất, xu thế bất định gia tăng những năm qua và còn kéo dài sẽ làm tăng rủi ro. DN cần quản trị rủi ro và tận dụng hội nhập, biết phân chia lại thị trường. Ở góc độ vĩ mô, Việt Nam cần tăng sức chống chọi các cú sốc bên ngoài, ổn định chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt, tái cấu trúc tài chính ngân hàng theo hướng minh bạch hơn.
Thứ hai, đây là giai đoạn quá độ, xu hướng liên kết thúc đẩy thương mại đầu tư tự do hóa, trong đó, cuộc cách mạng 4.0 với đột phá chuyển biến rất nhanh về công nghệ. Đây là giai đoạn vừa tăng sức đề kháng, vừa cải cách, học hỏi chuẩn bị, xắn tay vào bắt nhịp xu hướng mới. Thứ ba, đằng sau mọi chuyện là cải cách thể chế là con người gắn với con người, hội nhập. Dù kịch bản nào, cải cách, bắt nhịp phải đi cùng xu hướng, phải phòng thủ và học hỏi.
TS. HUỲNH THẾ DU, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright:
TS. HUỲNH THẾ DU, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright:
Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô
Cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc nếu xảy ra cả đôi bên, thậm chí kinh tế thế giới đều chịu thiệt hại. Với riêng Việt Nam vừa có cái lợi vừa có cái hại. Lợi là nếu Việt Nam không bị Hoa Kỳ gắn cho cái mác là “nơi trung chuyển hàng hóa của Trung Quốc”, lúc đó “khoảng không” vào thị trường Hoa Kỳ sẽ mở thêm ra cho chúng ta.
Nhưng nếu bị đưa vào danh sách các nước gây thâm thủng thương mại của Hoa Kỳ, lúc đó Việt Nam lại gặp phải bất lợi. Tuy nhiên tôi cho rằng tác động thương mại dù có những rủi ro theo hướng tiêu cực nhưng sẽ không nhiều.
Để hóa giải những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại này, có nhiều việc cần làm trong đó có 2 điểm quan trọng cần chú ý. Thứ nhất, về mặt kinh tế, chúng ta phải phải lưu ý đến những hàng hóa từ Trung Quốc để tránh bị gắn mác là nơi trung chuyển hàng hóa của Trung Quốc, bởi lúc đó có thể bị Hoa Kỳ áp thuế giống Trung Quốc.
Thứ hai, phải tiếp tục việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh. Đặc biệt cần lưu ý chu kỳ khủng hoảng 10 năm bởi đà tâm lý luôn rất quan trọng. Nếu bây giờ để bất ổn vĩ mô, như lạm phát bùng lên hay là đổ vỡ ở thị trường này, thị trường kia công sức ổn định nền kinh tế trong mấy năm qua coi như đổ xuống sông, xuống biển.
Do vậy, tránh những bất ổn vĩ mô có thể xảy ra trong vòng 2 năm tới nên là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Theo đó, các nhà hoạch định cũng như điều hành chính sách cần hết sức thận trọng, theo dõi sát tình hình, đánh giá chi tiết tác động cụ thể, cả về tổng thể và theo từng lĩnh vực, để có biện pháp ứng phó.