Thực ra nếu chúng ta xâu chuỗi và nhìn vào quá trình tăng của đồng USD trong vài năm trở lại đây, sẽ thấy tác động về tỷ giá không đáng kể. Nhất là từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra, đồng USD cũng có lúc tăng giá, song về cơ bản tác động đến chính sách tiền tệ của ta rất ít, chưa đáng kể.
Đồng USD tăng giá do kinh tế thế giới bất ổn và sắp tới Fed điều chỉnh lãi suất, tỷ giá cũng tăng lên một chút. Tuy nhiên nó vẫn nằm trong ngưỡng cho phép.
Trước diễn biến tăng khá mạnh của đồng USD, có những ý kiến lo ngại các doanh nghiệp nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, nhất là những mặt hàng nguyên liệu đầu vào quan trọng. Đúng là USD tăng mạnh sẽ gây áp lực cho VNĐ, như vậy tỷ giá USD/VNĐ sẽ có sự chênh lệch lớn, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhập khẩu.
Theo đó, giá hàng hóa trong nước sẽ bị tác động mạnh, có thể tăng giá bất thường. Bởi lẽ nguyên liệu sản xuất cơ bản phụ thuộc vào việc nhập khẩu, nên khả năng “nhập khẩu lạm phát” thông qua nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào rất lớn.
Tuy nhiên, khi đồng USD tăng giá, xuất khẩu sẽ được hưởng lợi. Hàng hóa Việt Nam sản xuất trong nước khi xuất khẩu ra nước ngoài sẽ lợi hơn. Đồng nội tệ mất giá hay thấp hơn tỷ giá USD bao giờ cũng kích thích xuất khẩu nhiều hơn.
Song ở khía cạnh khác có thể thấy nền kinh tế nước ta nhập khẩu rất nhiều. Cán cân thương mại có lúc thâm hụt, có lúc thặng dư, song cũng không nhiều lắm. Do vậy, tổng thể nền kinh tế về cơ bản không ảnh hưởng nhiều mà là cân bằng.
Hiện tại, VNĐ đang được neo theo USD và khi USD tăng giá VNĐ sẽ tăng theo. Ngoài ra, USD tăng giá sẽ có lợi cho Trung Quốc khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ cũng như vào Việt Nam. Trong điều kiện cán cân thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc đang ở tình trạng nhập siêu, giá trị nhập siêu dự kiến sẽ tăng.
Cũng có ý kiến cho rằng USD tăng sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam, cũng như tăng áp lực nợ nước ngoài lên Chính phủ. Ở đây có 2 vấn đề cần làm rõ.
Thứ nhất, dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào. Hiểu một cách đơn giản, khi quy đổi sang VNĐ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có khả năng bị lỗ tỷ giá trước khi kịp đầu tư hay kinh doanh do USD tăng giá.
Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn vào tổng thể, đó là sự hấp dẫn của môi trường đầu tư và tính ổn định của thị trường Việt Nam. Nhà đầu tư ngoại sẽ nhìn ở tầm dài hạn và xét trên nhiều yếu tố tổng thể, không phải chỉ một yếu tố biến số nhỏ là tỷ giá USD/VNĐ. Nếu cho rằng do tỷ giá đồng USD/VNĐ tăng, nhà đầu tư ngoại không đầu tư hay rút vốn khỏi Việt Nam là điều rất khó xảy ra.
Thứ hai là lo ngại về tỷ giá USD/VNĐ tăng sẽ làm tăng áp lực nợ nước ngoài lên Chính phủ. Thực ra trong khoảng 5-7 năm trở lại đây, quy mô nợ nước ngoài của Việt Nam tương đối ổn định. Hiện nay chúng ta đang giảm dần vay nợ nước ngoài, trong đó có nhiều loại ngoại tệ khác nhau, thời hạn dài (bình quân 13,8 năm), lãi suất thấp (bình quân 1,35%/năm).
Chính phủ gần đây cũng đã chuyển sang vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính phủ là chủ yếu, nên tỷ giá chưa có gì đáng lo ngại. Tôi cho rằng tỷ giá đồng USD tăng dao động trong khoảng 2-3%/năm là bình thường, ở ngưỡng chấp nhận được. Năm ngoái còn tăng giá lên 2%, năm nay tăng như thế vẫn ở mức bình thường, không quá áp lực lên vấn đề nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ.